Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo "Vai trò của vận tải xanh - Green Logistics trong xu thế quốc tế đương đại tăng trưởng xanh phát triển bền vững hướng tới NETZERO - 2050" do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 15/10.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, logistics xanh được hiểu là hoạt động logistics hướng tới các mục tiêu bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường; bao gồm hoạt động dịch vụ vận chuyển, xử lý và lưu trữ nguyên vật liệu, kiểm soát hàng tồn kho, kho bãi, đóng gói và các quyết định vị trí phân bổ hàng hóa…
Việt Nam hiện có hơn 40.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics. Song thực tế các doanh nghiệp logistics Việt Nam vẫn hoạt động một cách manh mún và thiếu tính liên kết, đặc biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường bộ. Điều này là thách thức lớn đối với việc chuyển đổi xanh, đáp ứng các yêu cầu của khách hàng, thị trường quốc tế.
Ông Trần Văn Toản, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam Kosher Climate India thông tin, ngày càng nhiều quốc gia, khu vực yêu cầu báo cáo phát thải đối với hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hoá nhập khẩu. Trong bối cảnh Việt Nam có nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng vào thương mại toàn cầu, việc đáp ứng các tiêu chuẩn của chuỗi cung ứng xanh trở thành tất yếu để không bị loại khỏi thị trường.
Bắt đầu từ năm 2024, Hệ thống Thương mại Khí thải Liên minh châu Âu (EU ETS) áp dụng việc kiểm kê lượng khí thải CO2 từ các tàu có tổng trọng tải trên 5.000 tấn. Chiến lược giảm phát thải khí nhà kính của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) năm 2023 hướng tới giảm lượng khí thải CO2 cho hoạt động vận chuyển quốc tế, ít nhất 40% vào năm 2030, so với năm 2008. IMO cũng đang lên kế hoạch áp dụng định giá carbon cho vận tải hàng hải.
Ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, hoạt động giao thông nội địa đang chiếm gần 50% lượng phát thải khí nhà kính trong chuỗi logistics. Do đó, việc chuyển đổi giao thông xanh đóng góp quan trọng vào việc xanh hoá chuỗi logistics nói riêng và mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính nói chung.
Tuy nhiên, việc thuyết phục để người dân chủ động chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng nói chung và phương tiện giao thông xanh không dễ dàng trong bối cảnh chưa có nhiều lựa chọn hấp dẫn. Đối với các đơn vị vận chuyển, việc chuyển đổi phương tiện hàng loạt cần sự đầu tư lớn về tài chính nhưng cơ chế hỗ trợ tài chính còn hạn chế. Vì vậy, chuyển đổi giao thông xanh cần những chính sách có tính sáng tạo, đổi mới trong việc vận hành, triển khai các mô hình phù hợp thực tế hơn.
Ông Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho rằng, hoạt động logistics nói chung, trong đó có vận tải đường bộ, hàng hải, hàng không, vận hành hệ thống kho bãi đều phát thải khí nhà kính. Việc xanh hoá chuỗi logistics đóng vai trò quan trọng trong các giải pháp cắt giảm phát thải. Hệ thống cảng Tân cảng Sài Gòn đang tích cực chuyển đổi xanh bằng việc thay thế các phương tiện bốc dỡ, trung chuyển dùng nhiên liệu hoá thạch sang phương tiện dùng điện, sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời; áp dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất vận hành…
Theo đại diện Tân cảng Sài Gòn, việc chuyển đổi xanh ở một mắt xích như cảng biển không giải quyết được vấn đề mà cần sự đồng bộ của cả hệ sinh thái từ người sản xuất xanh, vận chuyển xanh, tiêu dùng xanh. Rào cản lớn của việc chuyển đổi hiện nay là chi phí đầu tư cho công nghệ rất cao. Việc thay đổi thói quen của người vận hành, sử dụng công nghệ mới cũng rất khó khăn. Mặt khác, dù mục tiêu của Chính phủ đã rõ ràng nhưng từng ngành, từng lĩnh vực vẫn chưa có tiêu chuẩn, lộ trình xanh hoá cụ thể.
"Để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi xanh, người đứng đầu đơn vị, doanh nghiệp phải nhận thức rõ chuyển đổi xanh là vấn đề sống còn, cần làm ngay, không thể chần chừ. Bởi nếu không xanh hoá sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp sẽ sớm bị khách hàng từ chối và loại khỏi thị trường", ông Bùi Văn Quỳ nhấn mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Đặng Đình Long, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Mega A, các hiệp định thương mại tự do tạo sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hoá cũng thúc đẩy ngành logistics Việt Nam phát triển. Các doanh nghiệp tham gia vào thị trường logistics quốc tế từ lâu đã nhận thấy các áp lực về chuyển đổi xanh thông qua các phụ phí nhiên liệu, thuế môi trường...
Dù vậy, các chính sách về chuyển đổi xanh hiện nay chưa rõ ràng; thiếu nguồn nhân lực đủ khả năng vận hành các hệ thống, công nghệ mới. Nguồn tài chính xanh cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh còn hạn chế là những rào cản khiến không ít doanh nghiệp loay hoay.
Doanh nghiệp mong muốn các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn xanh cụ thể cho từng lĩnh vực để doanh nghiệp có cơ sở áp dụng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần nguồn nhân lực có chuyên môn và cơ chế tài chính riêng phục vụ chuyển đổi xanh.