Cây cà phê trước đây là cây trồng chủ lực của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chất lượng của cà phê Bà Rịa-Vũng Tàu được đánh giá cao và được khách hàng ưu chuộng. Tính đến cuối năm 2023 diện tích cây cà phê trên toàn tỉnh khoảng hơn 3.643 ha. Vụ cà phê cuối năm 2023 giá bắt đầu tăng cao, vào chính vụ giá tăng gần 60.000 đồng/kg và hiện nay giá cà phê đã vượt qua mốc 100.000 đồng/kg khiến nhiều người trồng rất phấn khởi. Hiện nay, nhiều hộ dân tại huyện Châu Đức đã bắt đầu trồng mới lại diện tích cà phê thay thế các cây trồng già cỗi, kém năng suất khác.
Bà Cao Thị Ngọc Diệp, ngụ ấp Kim Bình, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang trồng 1 ha cà phê giống xanh lùn và hiện bà cũng đang chờ mùa mưa đến để trồng thêm 1 ha nữa. Đây là số diện tích trước đây gia đình bà trồng hồ tiêu nhưng năng suất không hiệu quả, giá rớt xuống thấp nên chuyển đổi qua cây cà phê.
Theo bà Diệp, bà chọn cây cà phê không phải chỉ vì hiện nay giá đang tăng cao mà còn vì loại cây trồng này năng suất, sản lượng khá bền vững, ít bị bệnh, chăm sóc nhàn hơn, chính vì thế chi phí chăm sóc, nhân công chăm sóc cũng như thu hoạch cũng không tốn kém nhiều như trồng tiêu hay cây trồng khác.
Còn ông Hồ Xuân Hương, ngụ ấp Sơn Lập, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức cũng vừa trồng mới hơn 6 sào (6.000 m2) cà phê cũng cho biết, sau nhiều năm chuyển đổi nhiều loại cây trồng thì ông nhận thấy cây cà phê vẫn là cây trồng dễ tính, dễ chăm sóc, chi phí chăm sóc, thu hoạch cũng không tốn kém. Với 6 sào cà phê, trong đó có 3 sào đang cho thu hoạch trái bói, còn lại 3 sào mới trồng, vụ cà phê vừa qua gia đình ông đã thu lời hơn 80 triệu đồng/3 sào, chi phí cho cả vụ cà phê cũng chỉ hết khoảng 21 triệu đồng gồm: tiền phân, thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc, công thu hoạch.
Ông Hương cũng chia sẻ, tuy giá cà phê đang tăng cao, cây cà phê cũng rất dễ chăm sóc, chi phí thấp nhưng không vì vậy mà ông ồ ạt mở rộng diện tích thêm mà hiện nay ông đang tập trung chăm sóc, nâng cao chất lượng vườn cà phê của gia đình để cây cà phê cho ra những sản phẩm chất lượng và an toàn thực phẩm.
Gia đình ông Võ Ngọc Thanh, ở thôn Sông Xoài 2, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức có 400 gốc cà phê giống xanh lùn và giống ghép trồng xen canh với cây sầu riêng trên diện tích 1,8 ha đang thu hoạch được 2 năm cho biết, vụ cà phê vừa qua vườn cà phê của gia đình ông trúng mùa, thu về hơn 2 tấn, với giá bán gần 60.000 đồng/kg thời điểm cuối năm 2023 sau khi trừ chi phí ông thu về hơn 100 triệu đồng tiền lãi.
Ông Thanh là một trong những nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã có thời trồng cây cà phê, rồi khi giá xuống thấp ông đã chặt để chuyển qua trồng cây tiêu, khi tiêu rớt giá gia đình ông lại quay lại trồng cà phê xen với sầu riêng. Hiện nay, ông cũng đang chờ mùa mưa xuống để tiếp tục trồng thêm cà phê.
Những năm trở về trước cây cà phê không có giá nên gia đình ông Thanh đã chặt để chuyển đổi sang trồng cây tiêu, sầu riêng… Tuy nhiên, sau một thời gian cây tiêu mất giá, tốn nhiều công chăm sóc, chi phí cho cây khá tốn kém; cây sầu riêng lại quá khó chăm sóc, chi phí đầu tư phân, thuốc nhiều nên gia đình ông lại quay lại trồng cây cà phê.
“Sau thời gian chuyển qua nhiều loại cây trồng khác, tôi nhận thấy cây cà phê vẫn là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí phân thuốc lại không nhiều, thu hoạch cũng không quá cực như thu hoạch tiêu, nếu giá bán ổn định như hiện nay, nông dân sẽ không phải chật vật khi trồng loại cây này,” ông Võ Ngọc Thanh chia sẻ.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, mặc dù là cây trồng dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư không nhiều nhưng những năm trước giá bán cà phê lại ở mức thấp khiến nhiều người không “mặn mà”.
Trước thực trạng đó, trong giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phê duyệt Quyết định 186/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt kế hoạch trồng tái canh cây cà phê tại 2 huyện Xuyên Mộc và huyện Châu Đức, năng suất vườn cà phê sau khi trồng tái canh ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt bình quân 3-3,5 tấn/ha; thu nhập trên một đơn vị diện tích cà phê sau khi trồng tái canh (giai đoạn năng suất ổn định) tăng 1,5 lần so với trước khi tái canh.
Trong thời gian đang triển khai thực hiện Đề án tái canh cây cà phê, giá cà phê thời điểm này lại đang tăng lên ở mức cao, người trồng có lãi và có động lực duy trì, phát triển loại cây trồng này. Đến thời điểm hiện nay chưa có số liệu thống kê cụ thể số diện tích tái canh, trồng mới trên địa bàn toàn tỉnh nhưng riêng tại huyện Châu Đức - địa phương hiện đang có diện tích trồng cây cà phê nhiều nhất của tỉnh thì trong năm 2023 có khoảng hơn 200 ha đã được tái canh, trồng mới. Dự kiến trong năm 2024 này cũng sẽ có khoảng 200 ha nữa cũng sẽ được trồng tái canh, trồng mới.
Để thực hiện Đề án Tái canh cây cà phê trong giai đoạn 2021-2025, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức cho biết, UBND huyện Châu Đức đã đưa ra các giải pháp cụ thể như: đẩy mạnh tuyên truyền về tái canh cây cà phê trong giai đoạn này; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc để tạo ra sản phẩm cà phê đảm bảo chất lượng. Ngành cũng tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật về tái canh cây cà phê theo hướng công nghệ cao, quy trình sản xuất nông nghiệp tốt nhằm tạo những sản phẩm cà phê đảm bảo chất lượng, có khả năng trên thị trường.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp tuyên truyền, phổ biến các giống cà phê mới thích ứng với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương. Cùng với đó, khuyến khích bà con nông dân trồng xen canh cây cà phê với diện tích cây trồng khác để tăng sản lượng cây trồng trên cùng một diện tích…
Khi cây cà phê đang có giá trở lại, sức tiêu thụ tốt, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng khuyến cáo nông dân có ý định trồng mới lại cây cà phê cần lựa chọn giống cây cà phê phù hợp với thổ những, khí hậu, giống cây cà phê cũng phải có xuất xứ rõ ràng để đảm bảo về chất lượng cây trồng. Nông dân nên nghiên cứu kỹ về thị trường, sức tiêu thị của cà phê nhân, không nên khi thấy có giá lại ồ ạt chạy theo trồng, để khi cây rớt giá lại chặt bỏ.