Vượt qua gian khó để vươn lên làm giàu
Không có nhiều tiền để xây dựng trang trại lớn, nhiều hộ dân nghèo xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa đã gây dựng mô hình nuôi dúi để phát triển kinh tế. Nhờ có mô hình này, nhiều nông dân đã vượt qua gian khó để vươn lên làm giàu.
Điển hình như gia đình anh Lê Trọng Lệ, đã thu nhập 500 triệu/năm; gia đình anh Cao Bá Ninh có thu nhập 130 triệu/năm; gia đình anh Lê Văn Sơn có thu nhập 70 triệu/năm...
Tham quan cơ sở chăn nuôi của gia đình anh Lê Trọng Lệ (52 tuổi), thôn 2, xã Vân Sơn, chúng tôi được anh chia sẻ về quá trình lập nghiệp đầy khó khăn khi gắn bó với nghề nuôi con dúi.
Anh Lệ cho biết, anh đã tìm hiểu sự sinh sản và điều kiện nuôi nhốt của con Dúi. Sau dó, anh đã quyết định tìm về những quán ăn trước đây anh đã từng được ăn món dúi để hỏi mua vài cặp về làm giống ban đầu.
Năm 2009, anh Lệ bắt đầu nuôi dúi, từ 3 cặp giống ban đầu sau 1 năm đã bắt đầu sinh sản, cứ thế sau 3 năm đàn dúi vẫn phát triển tốt và sinh sản đều. Lúc này, dúi đã thích nghi với điều kiện nuôi nhốt nên anh bắt đầu xây dựng chuồng trại, thực hiện mô hình nuôi dúi thương phẩm. Dúi vốn là con vật gặm nhấm, ưa đào hoang nên chuồng dúi anh chỉ xây cao 80 cm, nền lát xi măng, kích thước mỗi ô nuôi khoảng 1m2 để dúi mẹ sinh sản.
Tới nay, sau gần 15 năm gắn bó với nghề nuôi dúi, anh Lệ đã xây dựng được gia trại nuôi dúi có diện tích trên 240m2 với 800 con; trong đó, có 300 con dúi sinh sản. Hiện một cặp dúi được anh bán 1,6 triệu đồng; thu nhập bình quân của gia đình anh đạt 500 triệu/năm; cơ sở chăn nuôi của anh đã được nhiều người biết đến, nhiều tiểu thương ở các tỉnh khác đã về mua.
Không chỉ gia đình anh Lệ, còn nhiều hộ khác trong xã cũng đã thoát nghèo nhờ nuôi dúi, điển hình như gia đình anh Cao Bá Minh, thôn 6, xã Vân Sơn đang nuôi 25 cặp dúi, thu lãi 130 triệu đồng/năm. Cơ sở chăn nuôi dúi của gia đình ông Lê Văn Sơn cũng đang cho thu nhập 80 triệu/năm. Ngoài ra, còn có nhiều hộ dân khác trong xã cũng đang thực hiện theo mô hình nuôi dúi để tiến tới thoát nghèo.
Đại diện Hội Nông dân xã Vân Sơn cho biết, xã có gần 20 hộ đang thực hiện mô hình nuôi con dúi. Nhờ làm tốt việc chăn nuôi, mô hình này đã cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều khách hàng từ các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh đã tìm về mua, một số hộ đã vươn lên làm giàu nhờ nuôi dúi. Từ đó nhiều hộ gia đình khác đang học theo.
Khởi nghiệp từ mô hình nuôi dúi
Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, anh Đỗ Văn Thắng, tại Tổ dân phố 5, thị trấn Tân Uyên (Lai Châu) đã nỗ lực vượt khó, sáng tạo, tìm cho mình hướng đi riêng trong phát triển kinh tế. Mô hình nuôi dúi của anh hiện đang mở ra nhiều triển vọng, thôi thúc cho thanh niên ở địa phương vươn lên khởi nghiệp.
Anh Thắng đã từng gây dựng cơ sở chăn nuôi gà thương phẩm và gà giống, song nhận thấy mô hình nuôi gà kém hiệu quả, anh trăn trở và tìm kiếm hướng đi mới cho bản thân trong phát triển kinh tế.
Năm 2020, với số vốn tích lũy và vay mượn được, anh bắt đầu nuôi và quyết tâm thực hiện mô hình nuôi dúi đã ấp ủ từ lâu. Anh xây dựng chuồng trại và mua 20 cặp dúi giống về nuôi. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm, nên dúi bị chết nhiều, nhưng anh Thắng không chán nản, mà tự mình đi tìm hiểu những mô hình đã thành công tại các tỉnh, thành trong cả nước để học hỏi và trang bị kiến thức nuôi dúi.
Anh Thắng cho biết: Dúi thuộc loại động vật hoang dã nên kỹ thuật nuôi cần thận trọng hơn các loại động vật khác, bắt buộc phải nắm chắc tập tính, thói quen của nó thì mới phát triển được. Dúi ưa bóng tối, hạn chế ánh sáng trực tiếp và tiếng ồn, ngủ ngày, ăn về đêm. Thức ăn ưa thích của dúi là cây tre, dòng họ cây tre, thức ăn bổ sung như là mía, ngô, sắn, chít, cỏ voi để cấp nước. Nuôi dúi không khó nhưng phải đặc biệt chú ý đến nhiệt độ, nhiệt độ phù hợp nhất từ 25 đến 28 độ C. Để tránh bị sốc nhiệt, phải áp dụng các biện pháp để làm mát chuồng nuôi. Mỗi năm dúi mẹ sinh sản 3 lứa, mỗi lứa từ 3 đến 5 con, sau 3 tháng có thể xuất chuồng, trọng lượng từ 4 đến 5 lạng/con.
Năm 2021, anh tiếp tiếp tục đầu tư mua thêm 80 cặp dúi về nuôi và nhân giống. Đến nay, mô hình của anh chăn nuôi lên đến 200 cặp dúi, gồm cả dúi sinh sản và Dúi thương phẩm. Mô hình của anh Thắng mỗi năm trừ chi phí, cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Lãnh đạo thị trấn Tân Uyên cho biết: “Mô hình nuôi dúi của anh Thắng đã cho thấy bước đầu đạt hiệu quả nhất định. Mô hình đã và đang tiếp thêm sức mạnh cho phong trào phát triển kinh tế của thanh niên địa phương. Chúng tôi mong muốn, mô hình này sẽ được nhân rộng, để người dân địa phương có thể phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống”.