Nhiều khó khăn nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương

Thị trường đầu ra của cá ngừ đại dương đang bị cạnh tranh rất lớn từ các thị trường có nghề cá ngừ đại dương phát triển mạnh về khai thác, bảo quản.

Chú thích ảnh
Cá ngừ đại dương có kích thước nhỏ, giá bán không cao. 

Tỉnh Khánh Hòa hiện có khoảng 600 tàu chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương, với sản lượng khoảng trên 4.000 tấn mỗi năm, góp phần lớn trong mặt hàng xuất khẩu của tỉnh. Thế nhưng, do khó khăn về chất lượng cũng như giá trị và thị trường đã khiến cá ngừ đại dương Khánh Hòa không còn thịnh vượng như những năm trước đây.

Ông Nguyễn Trọng Thuận, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thịnh Hưng, Khánh Hòa cho biết, thị trường xuất khẩu hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Thị trường đầu ra của cá ngừ đại dương Khánh Hòa hay của Việt Nam đang bị cạnh tranh rất lớn từ các thị trường có nghề cá ngừ đại dương phát triển mạnh về khai thác, bảo quản. Do đó, để cạnh tranh, doanh nghiệp không thể bán giá cao hơn và phải theo giá thị trường quốc tế. Từ đó, dẫn đến giá cá ngừ đại dương của doanh nghiệp thu mua từ ngư dân không thể cao.

Còn các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ ở Khánh Hòa thì cho rằng, chất lượng cá ngừ Khánh Hòa hiện nay giảm do đánh bắt theo nghề câu tay. Mặc dù câu tay cho sản lượng cao hơn nhiều, rút ngắn thời gian chuyến đi biển, chi phí lao động, vật tư khai thác thấp hơn so với nghề câu vàng truyền thống. Nhưng, nhược điểm là thời gian ngâm câu ngắn, dẫn đến khi cá đánh bắt được bị sốc, sẽ phá hủy cơ thịt cá. Hơn nữa, việc tăng năng suất và số tàu tham gia khai thác bằng nghề câu tay ngày càng nhiều, dẫn đến khả năng khai thác quá mức và suy giảm nguồn lợi thủy sản. Chất lượng giảm làm giá bán sản phẩm thấp, gây tổn thất sau thu hoạch lớn khi khai thác đối tượng này.

“Trước đây theo phương pháp câu vàng, dù tốn thời gian và nhân công hơn, nhưng bù lại chất lượng cá ngừ đảm bảo hơn, gần như toàn bộ cá ngừ đại dương được nhập về nhà máy đều được xuất tươi sang các thị trường lớn. Nhưng hiện nay theo phương pháp câu tay khiến chất lượng thịt cá giảm, khó xuất tươi, hầu hết phải chuyển sang bước gia nhiệt. Do đó giá cá ngừ không tăng cao hơn so với trước”, ông Nguyễn Trọng Thuận lý giải.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ và chợ cá Nam Trung Bộ cho biết, từ đầu năm đến nay, đa số các tàu lớn cập cảng chỉ có cá ngừ đại dương vây vàng cân nặng khoảng 50 kg năng suất thấp hơn rất nhiều so với các năm trước đó. Giá thu mua tại cảng cũng không cao, dao động từ 105.000 - 120.000 đồng/kg. Nhiều chủ tàu lỗ nặng, không đủ bù chi phí cho nhân công lao động.

Thừa nhận việc chất lượng cá ngừ những năm gần đây không tăng trưởng về hiệu quả, nhiều ngư dân tại cảng cá Hòn Rớ (thành phố Nha Trang) cho rằng là do lối ra khơi theo truyền thống, chưa áp dụng quy trình công nghệ, thiết bị mới vào khai thác, sơ chế, bảo quản như được tập huấn.

“10 năm trước đây, để nâng cao chất lượng con cá ngừ đại dương, chúng tôi đã tiên phong đầu tư hầm lạnh theo công nghệ của Nhật, nhưng giá bán cá ngừ vẫn như các tàu bình thường; thậm chí giá 10 năm trước giá cá 110.000 đồng/kg thì nay dầu máy, ngư lưới cụ, thực phẩm đều tăng nhưng giá vẫn dao động từ 105.000 - 120.000 đồng/kg nên chúng tôi không có động lực để đầu tư nâng cao chất lượng cá”, ngư dân Mai Thành Phúc, chủ tàu cá KH - 99146TS trăn trở nói.

Hiện nay, ông Phúc đã bỏ đi hầm lạnh, bởi theo ông chi phí tốn kém và không tăng giá trị thêm cho tàu cá.

Phía doanh nghiệp cho rằng, hầm lạnh bảo quản chỉ là một yếu tố nhỏ, việc đảm bảo chất lượng cá ngừ đại dương vẫn phụ thuộc lớn vào kỹ thuật khai thác. “Ngư dân chưa làm đúng phương pháp đánh bắt, dẫn đến bảo quản tốt nhưng chất lượng cá vẫn không đạt”, một doanh nghiệp chế biến cá ngừ xuất khẩu tại Khánh Hòa đưa ra ý kiến.

Chất lượng cá ngừ đại dương của Khánh Hòa chỉ được nâng lên khi thực hiện triệt để mối quan hệ giữa ngư dân - doanh nghiệp và thị trường. Trước mắt, tỉnh Khánh Hòa cũng đưa ra nhiều giải pháp; trong đó, có đánh bắt cá ngừ đại dương theo chuỗi. Tỉnh hiện có 3 chuỗi lên kết khai thác, thu mua, tiêu thụ cá ngừ giữa doanh nghiệp chế biến thủy sản với các tổ hợp tác nghề cá trên địa bàn, với tổng số trên 150 tàu tham gia.

Các chuỗi này đã đi vào hoạt động ổn định, đôi bên đều hưởng lợi. Các chủ tàu được hướng dẫn quy trình sơ chế, bảo quản sản phẩm và có đầu ra ổn định. Đồng thời, các doanh nghiệp còn được hỗ trợ giá từ 1.000 - 2.000 đồng/kg đối với lô hàng có chất lượng đạt yêu cầu, cũng như khen thưởng đột xuất, định kỳ cho chủ tàu có sản lượng và chất lượng sản phẩm cao nhất.

“Trước đây ngư dân đánh bắt cá ngừ chưa chú trọng sơ chế, bảo quản sản phẩm nên chất lượng cá đạt loại A chỉ dao động trên dưới 80%. Nay, khi tham gia chuỗi ngư dân được hỗ trợ quy trình sơ chế, bảo quản nên chất lượng sản phẩm đã nâng trên 90%. Với hiệu quả mang lại từ liên kết chuỗi, sắp tới chi cục tiếp tục tuyên truyền và nhân rộng các mô hình tương tự”, ông Võ Khắc Én, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Khánh Hòa chia sẻ.

Bài và ảnh: Phan Sáu (TTXVN)
Cá ngừ xuất khẩu 'mắc kẹt' vì quy định kiểm dịch động vật
Cá ngừ xuất khẩu 'mắc kẹt' vì quy định kiểm dịch động vật

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá ngừ đang gặp khó khăn trong hoạt động chế biến và kinh doanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN