Nhiều giải pháp xuống giống tập trung vụ Hè Thu ở Vĩnh Long

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, vụ lúa Hè Thu năm 2024, toàn tỉnh dự kiến xuống giống khoảng 35.000 ha lúa, chia làm 3 đợt từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 5. Thời điểm hiện tại, nông dân tại các địa phương trong tỉnh đang làm đất và xuống giống tập trung đợt 2. Đây là đợt xuống giống với diện tích lớn nhất với khoảng 25.000 ha trải đều ở các địa phương trong tỉnh.

Chú thích ảnh
Nông dân xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) xuống giống lùa Hè Thu. 

Trước tình hình thời tiết nắng nóng, nhiều nơi bị ảnh hưởng của tình trạng hạn, mặn, chính quyền và nhân dân các địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để xuống giống tập trung “né rầy”, “né mặn”, đảm bảo hiệu quả canh tác.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ vừa xuống giống 6.000 m2 lúa Hè Thu với giống lúa chất lượng cao OM5451. Ông Thanh cho biết, nhằm nâng cao năng suất lúa trong vụ này, ông đã chủ động đảm bảo thời gian cách ly hơn 14 ngày cho đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân. Khi chính quyền địa phương thông báo lịch thời vụ, ông tiến hành cải tạo đất, trục xới để đảm bảo tơi xốp, giúp lúa đạt năng suất cao.

Ông Lê Văn Mười ngụ xã Phú Đức, huyện long Hồ đang tất bật trên cánh đồng để vệ sinh và làm bằng phẳng ruộng đồng trước khi xuống giống. Ông Mười cho biết, vụ lúa Hè Thu này đã bố trí máy móc để trục, chang đất và rẻ đường nước thật kỹ trước khi gieo sạ. Hiện nay, đang là mùa nắng nóng, đất ruộng có nguy cơ khô hạn, tuy nhiên mới đây địa phương đã triển khai nạo vét con kênh nội đồng phục vụ canh tác nên bà con rất yên tâm. Nguồn nước dưới kênh dồi dào nên nông dân chủ động nước ra, vào ruộng khi cần thiết.

Tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, người dân đã xuống giống được hơn 2/3 diện tích lúa Hè Thu so với kế hoạch. Xã Trung Hiệp là một trong những địa phương chịu tác động của hạn mặn, có khả thiếu nước khi đóng cống để ngăn mặn. Nhằm đảm bảo lịch thời vụ, hạn chế tình trạng thiếu nước trong quá trình canh tác, chính quyền địa phương đã chủ động thông tin về lịch xuống giống, tình hình nguồn nước và những nguy cơ ảnh hưởng để người dân chủ động ứng phó.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trung Hiệp Đồng Ngọc Quý cho biết, năm nay thời tiết nắng nóng, tình hình hạn mặn cũng kéo dài nên ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp của người dân. Đặc biệt, thời điểm chuẩn bị dọn đất để xuống giống, trên các sông lớn đã ghi nhận độ mặn nên các địa phương đóng cống ngăn mặn, điều này cũng khiến cho nguồn nước để người dân dọn đất trước khi gieo sạ bị ảnh hưởng.

Mặc dù vậy, nhờ chủ động từ sớm nên địa phương đã thực hiện việc nạo vét mở rộng các tuyến kênh nội đồng để tăng khả năng trữ nước ngọt, nhờ đó địa phương đã cơ bản cung cấp nước cho người dân sử dụng để bơm tát vào ruộng trong các ngày trước và sau gieo sạ.

Hiện tại, có hơn 600 ha trong tổng số 900 ha lúa của xã đã hoàn thành việc gieo sạ, các diện tích còn lại sẽ xuống giống ngay khi độ mặn giảm, cống Vũng Liêm mở để lấy nước ngọt. Địa phương cũng tích cực tuyên truyền người dân theo dõi tình hình đồng ruộng, chủ động chuẩn bị các máy bơm để vận hành hiệu quả trong trường hợp nắng nóng kéo dài, ruộng lúa cần nước.

Thích ứng với việc canh tác trong tình hình hạn mặn, những năm gần đây người dân xã Trung Hiệp cũng đã chủ động hơn trong việc thực hiện theo lịch thời vụ của địa phương, chủ động theo dõi tình hình nước mặn, trữ nước và bố trí máy bơm phục vụ cho đồng ruộng.

Ông Võ Đông Sơ ngụ xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm cho biết, mấy năm trước, khi chưa nạo vét con kênh nội đồng thì mùa này rất khó xuống giống, phải đợi có mưa mới dám gieo sạ. Hơn một năm nay, các con kênh nội đồng được nạo vét thông thoáng nên dù ngoài sông lớn đã đóng cống ngăn nước mặn vào, nhưng trong đồng vẫn có nguồn nước dồi dào. Nông dân chỉ cần chuẩn bị máy bơm, khi vào vụ thì bơm từ kênh lên ruộng là có thể xử lý đất ruộng, xuống giống kịp thời.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, vụ lúa Hè Thu năm 2024, toàn tỉnh có kế hoạch xuống giống 35.000 ha, chia làm 3 đợt phù hợp với điều kiện canh tác ở từng địa phương như: đợt 1 là 4.000 ha, đã xuống giống từ ngày 4/1 đến 5/3 ở những vùng ven Quốc lộ 54 thuộc huyện Trà Ôn, thị xã Bình Minh và vùng đất gò ven sông Măng Thít thuộc huyện Tam Bình, ven sông Tiền thuộc huyện Mang Thít và Vũng Liêm.

Đợt 2 là 25.000 ha, xuống giống từ 19/3 đến 18/4, đây là đợt xuống giống chính, phân bố hầu hết tại các địa phương trong tỉnh. Đợt 3 là 6.000 ha, xuống giống từ 1/5 đến 31/5, phân bố ở vùng trung tâm, vùng trũng, vùng có nguy cơ nhiễm mặn, vùng chưa chủ động bơm tát và vùng chưa có đê bao hoàn chỉnh.

Trước tình hình diễn biến thời tiết nắng nóng và nguy cơ ảnh hưởng do xâm nhập mặn, ngành nông nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch mùa vụ từ sớm, đồng thời tuyên truyền để người dân chủ động các giải pháp canh tác đảm bảo hiệu quả.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm cho biết, trong vụ Hè Thu, giải pháp về điều kiện chế độ nước là quan trọng, nhất là đối với những địa phương có chịu tác động của xâm nhập mặn. Do đó, các địa phương phải tăng cường giám sát mặn, khuyến cáo thời gian xuống giống và các giống lúa ứng phó hợp lý trong điều kiện hạn, mặn, đặc biệt quan tâm về hệ thống thủy lợi nội đồng để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu.

Để đảm bảo năng suất, ngay từ đầu vụ, nông dân phải chủ động vệ sinh đồng ruộng, đảm bảo thời gian cách ly sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân ít nhất 14 ngày, sử dụng các giống lúa chất lượng cao để tăng năng suất...Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân nên áp dụng chế độ canh tác, bón phân và chăm sóc hiệu quả với các giải pháp kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, gieo sạ với mật độ vừa phải, bón phân cân đối và phòng trừ các đối tượng dịch hại kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Liêm lưu ý, thời điểm đầu vụ, nắng nóng xảy ra, cây lúa sẽ phát triển trong điều kiện rất khó khăn, đặc biệt là khan hiếm nước nên cỏ dại có điều kiện phát triển, các đối tượng dịch hại nhiều hơn; cuối vụ, thời tiết lại bước vào mùa mưa, lúa dễ đổ ngã hoặc mắc các bệnh lem lép hạt, đạo ôn, cháy lá..., nông dân nên áp dụng các chế độ canh tác quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) để quản lý các đối tượng dịch hại hiệu quả, giảm chi phí đầu tư để đạt năng suất và lợi nhuận cao.

Tin, ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)
Bàn giao hệ thống lọc nước cho người dân vùng hạn mặn
Bàn giao hệ thống lọc nước cho người dân vùng hạn mặn

Ngày 22/3, tại xã Tân Thủy (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), Tập đoàn Keppel phối hợp cùng Báo Tiền Phong tổ chức lễ trao tặng hệ thống máy lọc nước nhiễm mặn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN