Nhiều giải pháp bình ổn thị trường dịp Tết

UBND tỉnh Vĩnh Long đã triển khai kế hoạch cho vay 32 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 0% hỗ trợ 5 doanh nghiệp dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn năm 2012.

Các doanh nghiệp được hỗ trợ vốn là Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Co.op Mart Vĩnh Long 15 tỷ đồng, Siêu thị Vinatex Vĩnh Long 4 tỷ đồng, Công ty Lương thực Vĩnh Long 6 tỷ đồng, Công ty cổ phần Lương thực thực phẩm Vĩnh Long 5 tỷ đồng và Công ty cổ phần Du lịch Cửu Long 2 tỷ đồng. Tùy theo thế mạnh kinh doanh của từng doanh nghiệp, đơn vị xây dựng kế hoạch trữ hàng phù hợp.

Ngay từ đầu qúy 4/2011, Siêu thị Co.op Mart Vĩnh Long đã đàm phán giá cả, số lượng hàng với các nhà cung cấp hàng thực phẩm tươi sống, trong đó ưu tiên mở rộng liên kết với các doanh nghiệp, các vùng chuyên canh nông sản hàng hóa trên địa bàn để đảm bảo cung ứng lượng hàng kịp thời, giảm chi phí vận chuyển.

Siêu thị Vinatex Vĩnh Long tập trung mặt hàng may mặc và tăng cường đưa các sản phẩm hàng Việt chất lượng cao đến bán lưu động tại các khu công nghiệp. Các doanh nghiệp lương thực tập trung mặt hàng gạo, nếp cao cấp đóng gói phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp Tết. Các doanh nghiệp sẽ mở thêm điểm bán tại thành phố Vĩnh Long và các cụm dân cư, tổ chức từ 3 – 4 chuyến hàng lưu động đưa các sản phẩm hàng Việt với giá cả phù hợp, chất lượng cao đến người tiêu dùng.

Điểm mới trong hỗ trợ nguồn cho doanh nghiệp dự trữ hàng hóa thiết yếu góp phần bình ổn giá cả thị trường Tết là năm nay tỉnh Vĩnh Long dành nguồn vốn 3 tỷ đồng hỗ trợ các Hợp tác xã thương mại tham gia dự trữ hàng hóa phục vụ Tết đưa về các xã địa bàn nông thôn, xã vùng sâu, vùng dân tộc, làng nghề nông thôn…


* Nhằm đảm bảo cung cấp đủ nguồn hàng lương thực - thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu cho người dân lao động tại các khu chế xuất - khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn năm 2012, các doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh tích cực đẩy mạnh phát triển mạng lưới bán lẻ, mở thêm nhiều điểm bán hàng hóa trên địa bàn.

Các huyện ngoại thành gồm Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ, Nhà Bè tập trung giải quyết những thủ tục hành chính trong đầu tư phát triển mạng lưới bán lẻ; nâng cấp, cải tạo chợ truyền thống; chú trọng phát triển và hình thành các loại hình văn minh thương mại như siêu thị, cửa hàng tiện ích; liên kết với doanh nghiệp mở các điểm bán hàng bình ổn… Hiện nay, trên địa bàn các huyện ngoại thành đã phát triển 8 siêu thị, gần 50 cửa hàng tiện ích; tổ chức 6 phiên chợ hàng Việt và khoảng hơn 550 chuyến bán hàng lưu động… Từ nay đến Tết, mỗi huyện ngoại thành phải thành lập ít nhất 2 cửa hàng tiện ích.

Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn tiếp tục mở rộng các điểm bán hàng mang thương hiệu đơn vị và phối hợp chặt chẽ trong việc giao nhận hàng hóa, hình thành các điểm bán lẻ vào khu dân cư tại các huyện ngoại thành. Đại diện Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Bên cạnh việc chuẩn bị nguồn hàng, đảm bảo nguồn cung cho Tết, việc đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa là nhiệm vụ quan trọng. Do đó, cùng với việc mở thêm nhiều điểm bán ở nhiều khu dân cư, Sở đang vận động các hợp tác xã thuộc địa bàn 24 quận, huyện đảm nhiệm vai trò là đầu mối phân phối, cửa hàng trung tâm để cung cấp hàng hóa.

Một điểm bán hàng bình ổn giá tại TP.HCM . 
Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

* Thực hiện kế hoạch chỉ đạo của tỉnh Bạc Liêu về việc tăng cường công tác kiểm tra, rà soát thị trường, nhằm làm tốt công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, Đoàn liên ngành tỉnh Bạc Liêu mở đợt kiểm tra cao điểm một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và phân phối hàng hóa trên địa bàn thành phố và các trung tâm huyện, thị trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Bạc Liêu tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu như: thuốc lá, rượu, đồ điện tử, điện thoại di động, đồ gia dụng, mặt hàng vải, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm công nghệ, gia súc, gia cầm. Lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm soát các hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa, quản lý về giá cả thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, không để thị trường xảy ra tình trạng khan hiếm những mặt hàng thiết yếu gây áp lực nhằm tăng giá hàng hóa.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng có liên quan thực hiện công tác dự báo tình hình thị trường, kịp thời phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm để có giải pháp đối phó, xử lý; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật để các tổ chức, cá nhân kinh doanh tự nguyện không tham gia tiếp tay cho buôn lậu, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, chấp hành nghiêm biện pháp điều hành thị trường, ngăn ngừa tác động tâm lý để đẩy giá lên cao trong dịp Tết.

Huỳnh Kim Phượng, Mỹ Phương, Huỳnh Sử

Đưa hàng Tết bình ổn giá đến vùng nông thôn
Đưa hàng Tết bình ổn giá đến vùng nông thôn

Chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, Sở Công Thương Hà Nội chỉ đạo các DN kinh doanh thương mại trên địa bàn, đặc biệt là đơn vị được tạm ứng vốn của thành phố bán hàng bình ổn giá đưa hàng Tết về phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN