Nhiều dư địa trong hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc 

Những năm gần đây, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc không ngừng được củng cố và tăng cường. Giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp diễn ra thường xuyên với hình thức linh hoạt, hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư tăng trưởng tích cực và liên tiếp đạt kỷ lục mới.

Chú thích ảnh
Xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có tình hữu nghị truyền thống lâu đời. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam coi trọng và xác định phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc là chủ trương nhất quán, lâu dài, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Những năm gần đây, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc không ngừng được củng cố và tăng cường. Giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp diễn ra thường xuyên với hình thức linh hoạt, hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư tăng trưởng tích cực và liên tiếp đạt kỷ lục mới. Chính vì vậy, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa 2 nước.

Duy trì tăng trưởng

Nhận định từ các chuyên gia cho thấy trong năm 2024, Việt Nam và Trung Quốc đang cùng các nước ASEAN thúc đẩy đàm phán nâng cấp FTA ASEAN-Trung Quốc phiên bản 3.0 nhằm mở ra nhiều hơn nữa cơ hội kinh tế, thương mại cho các nước trong khu vực nói chung và hai nước nói riêng. 

Đặc biệt, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với đà tăng trưởng thương mại song phương trong khoảng 10 năm gần đây đều ở mức 2 con số. Với nhiều lợi thế trong hợp tác kinh tế thương mại, nhiều năm qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững.

Trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 148,6 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc đạt 43,6 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 105 tỷ USD, tăng 32,5%. Từ nay đến hết năm 2024, với đà cải thiện mạnh mẽ về thương mại trong nửa đầu năm, dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc có thể tiến sát mốc 200 tỷ USD. 

Hiện tại, hai bên đang tích cực thúc đẩy “kết nối cứng” giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, kết cấu hạ tầng cửa khẩu; nâng cấp “kết nối mềm” về hải quan thông minh, cửa khẩu thông minh nhằm tạo thuận lợi và nâng cao hơn nữa giao lưu thương mại giữa hai bên.

Chú thích ảnh
Dây chuyền đóng gói các tấm pin năng lượng mặt trời tại Công ty TNHH JA Solar Việt Nam, vốn đầu tư của Hong Kong (Trung Quốc) tại khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Về đầu tư, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án FDI đầu tư mới vào Việt Nam (chiếm 29,3%) và đứng thứ hai với vốn đầu tư 3,2 tỷ USD (chiếm 13% tổng vốn đầu tư). Hai bên cũng tích cực phối hợp từng bước tháo gỡ giải quyết vướng mắc tồn đọng trong một số dự án hợp tác kinh tế trước đây, tạo không khí tích cực cho các dự án hợp tác mới giữa hai nước.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhận định:  Trung Quốc là thị trường lớn với 1,4 tỷ dân, sức mua lớn. Đây là thị trường hấp dẫn với không chỉ hàng hoá Việt Nam mà còn là hàng hoá của nhiều quốc gia khác với tốc độ nhập khẩu lớn đối với nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, nông lâm thuỷ sản… Tuy nhiên, Trung Quốc ngày càng đòi hỏi cao về tiêu chuẩn như mã số vùng trồng, mã đóng gói, tiêu chuẩn xuất khẩu… Bên cạnh đó, Việt Nam nhập khẩu rất nhiều hàng hoá từ Trung Quốc đa phần là nguyên phụ liệu sản xuất nên không đáng lo. 

Cùng đó, Việt Nam cũng nhập khẩu rất nhiều nông sản, hàng tiêu dùng từ Trung Quốc nên phải nâng cao sức cạnh tranh hàng hoá nội địa để gia tăng xuất khẩu sang thị trường này giúp giảm bớt thâm hụt, tiến tới cân bằng cán cân thương mại. Ngoài ra, hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều khung khổ hội nhập như FTA ASEAN – Trung Quốc, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Thế nhưng, khả năng tận dụng của Việt Nam chỉ khoảng 30-40%. Hơn nữa, thương mại điện tử xuyên biên giới được Trung Quốc tận dụng tương đối tốt để đưa hàng hoá sang Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam chưa tận dụng tốt ưu thế này nên cần nỗ lực tận dụng, xây dựng các kho hàng lớn ở biên giới nhằm đưa hàng vào sâu thị trường Trung Quốc.

Khai thác lợi thế

Tại Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đề xuất phía Việt Nam tăng cường hợp tác đầu tư và chuỗi cung ứng; chú trọng triển khai các văn kiện hợp tác đầu tư và sáng kiến kinh tế số - phát triển xanh đã được hai bên thống nhất. Đồng thời đề nghị Việt Nam có chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển các dự án điện; hợp tác khu công nghiệp; tiếp tục đàm phán và ký kết MOU về tăng cường hợp tác kinh tế trong chuỗi sản xuất và cung ứng...

Cùng đó, Bộ trưởng Vương Văn Đào kiến nghị giải pháp thúc đẩy hợp tác thương mại; trong đó, đàm phán và ký kết văn kiện hợp tác thương mại nông sản; tăng cường hợp tác thương mại điện tử; trao đổi về tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp của sản phẩm xuất nhập khẩu; giải quyết thỏa đáng các vụ điều tra chống bán phá giá.... Mặt khác, đề xuất hai bên thảo luận và hoàn tất tiến trình gia nhập vào FTA của các thành viên mới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, hai bên cần tăng cường hợp tác đầu tư và chuỗi cung ứng; trong đó, ưu tiên hợp tác về kinh tế số, phát triển xanh. Hơn nữa, với sự phát triển nhanh của xe ô tô điện, Chính phủ Việt Nam quan tâm và ban hành một số cơ chế, chính sách về phát triển xe ô tô điện như chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô điện; khuyến khích sử dụng ô tô điện như ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, tích hợp các nội dung về phát triển ô tô sử dụng điện, năng lượng xanh tại Việt Nam. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích tiêu thụ xe điện.

Mới đây, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và Hiệp hội Rau quả Việt Nam tổ chức Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề “Trái cây Việt Nam - Bốn mùa thơm ngon”. Dự kiến tới đây sẽ được bố trí miễn phí cho Việt Nam một gian hàng trưng bày sản phẩm trái cây, nông, lâm thuỷ sản vùng miền tại trung tâm Tân Địa Phát.

Trong khuôn khổ Diễn đàn giao thương, kết nối chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu trái cây Việt Nam - Trung Quốc diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, 4 ký kết cùng được thực hiện gồm Công ty cổ phần Ameii Việt Nam và Công ty Phát triển Tân Hợp Tác Bắc Kinh; Hiệp hội Rau quả Việt Nam và Hiệp hội Hoa quả Trung Quốc; Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group và Công ty TNHH Phát triển Khoa học Kỹ thuật Vân Điền Lương Phẩm Bắc Kinh; Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group và Công ty TNHH Giao dịch Thương mại châu Á.

Báo cáo tại buổi hội kiến với Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hà Lập Phong, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị Quốc vụ viện Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện đưa nông sản chất lượng cao của Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Quốc. Cùng đó, hỗ trợ xây dựng thương hiệu một số sản phẩm, lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc như sản phẩm sữa, nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến…; đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào địa phương nội địa, hệ thống bán lẻ cũng như các sàn thương mại điện tử tại Trung Quốc.

Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị phối hợp tạo thuận lợi và phân luồng thông quan hiệu quả giữa các cửa khẩu biên giới, tránh tình trạng hàng hóa chỉ tập trung vào một số cửa khẩu nhất định gây ùn ứ cục bộ, nhất là với nông sản, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Mặt khác, kiến nghị Quốc vụ viện Trung Quốc hỗ trợ thành lập các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, trước mắt là tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Đoàn tàu liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, tăng cường liên kết và đảm bảo thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp giữa hai nước; thúc đẩy các doanh nghiệp tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc, công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời, đề nghị Trung Quốc tập trung thúc đẩy hợp tác triển khai 3 tuyến đường sắt kết nối Việt Nam – Trung Quốc là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.

Liên quan đến quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Hà Lập Phong nhận định, quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, toàn diện và ngày càng đi vào thực chất. Tới đây, Trung Quốc sẽ tổ chức Hội chợ nhập khẩu lần thứ 7 tại Thượng Hải. Đây là sáng kiến do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khởi xướng, doanh nghiệp Việt Nam quan tâm có thể tham gia.

Thông qua Hội chợ, doanh nghiệp Việt Nam có thể thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản chất lượng cao đến người tiêu dùng Trung Quốc và các thị trường đối tác tham dự. Về đề xuất thúc đẩy hợp tác trong giao thông đường sắt, phía Trung Quốc luôn quan tâm và sẵn sàng ủng hộ, nhưng hai bên cần nghiên cứu tính khả thi trong quá trình xây dựng các tuyến đường để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân hai nước.

Uyên Hương (TTXVN)
Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc
Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12 - 14/10/2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN