Trong năm 2023, chỉ có 19% số công trình, dự án tại các địa phương trong tỉnh hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, phần còn lại phải chuyển tiếp sang năm tiếp theo, hoặc đưa ra khỏi danh mục thu hồi đất.
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư đóng vai trò quan trọng, là điều kiện thiết yếu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và là động lực thu hút đầu tư. Đồng thời, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Việc triển khai công tác này tại các đô thị, các khu vực kinh tế - xã hội phát triển có xu hướng khó khăn hơn so với các khu vực còn lại.
Trong năm 2023, tổng số dự án đăng ký danh mục thu hồi đất của Đắk Nông là 186 dự án. Trong đó, các địa phương triển khai thực hiện là 130 công trình, dự án, với 20 công trình trong số này được xác định là trọng điểm, có vai trò quan trọng trong hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, trong năm 2023, toàn tỉnh chỉ thực hiện xong công tác bồi thường, giải phòng mặt bằng 25 công trình, dự án (chiếm hơn 19% tổng số dự án triển khai). Số dự án chuyển tiếp sang năm 2024 là 113, đưa ra khỏi danh mục thu hồi đất là 48 dự án.
Thời gian qua, mặc dù UBND tỉnh Đắk Nông đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc có liên quan tới công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh cũng đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức thực hiện nhưng kết quả vẫn rất hạn chế.
Theo ông Vũ Xuân Quỳnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông, công tác giải phóng mặt bằng tại các công trình trọng điểm tuy có chuyển biến nhưng không đáng kể, đặc biệt là các dự án đầu tư ngoài ngân sách và các dự án tồn tại kéo dài vẫn chưa có kết quả hoặc chuyển biến mới.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông cho biết, nguyên nhân đầu tiên là do nguồn kinh phí thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn hạn hẹp, không được bố trí đồng bộ, kịp thời. Thêm nữa, các chủ đầu tư chưa chủ động trong việc phối hợp xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan với các ngành chức năng trực tiếp thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Sự phối hợp giữa các sở, ngành có liên quan, các cấp chính quyền địa phương trong công tác này chưa chặt chẽ. Ngoài ra, hiện nay, việc xây dựng, bố trí tái định cư cho các hộ dân đủ điều kiện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, nhất là tại các huyện.
Trong năm 2024, Đắk Nông có rất nhiều công trình trọng điểm đang vướng giải phóng mặt bằng. Trong số 184 công trình, dự án đang triển khai, có 21 dự án nằm trong danh mục công trình trọng điểm.
Để nâng cao hiệu quả công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa với các chủ đầu tư, tạo sự thống nhất và hành động, quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện.
Đối với các khó khăn, vướng mắc, các đơn vị liên quan cần kịp thời tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông tháo gỡ để bảo đảm đúng quy định, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tuyệt đối không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai, bồi thường và hỗ trợ, tái định cư, cũng như mục đích, ý nghĩa của dự án tới các đối tượng có đất bị thu hồi. Trước hết là cán bộ, đảng viên, quần chúng gương mẫu nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trong việc chấp hành chủ trương thu hồi đất của Nhà nước để thực hiện dự án trên địa bàn.