Nhiều địa phương vẫn có quy định riêng gây ách tắc hàng hóa

Các văn bản, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ về việc đảm bảo tạo thuận lợi cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa trong bối cảnh dịch COVID-19. Tuy nhiên, tại một số địa phương lại có quy định riêng gây ách tắc trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Chú thích ảnh
Rất đông xe tải, xe container chở hàng hóa xếp hàng chờ kiểm tra giấy tờ tại Bến xe Trung tâm TP Cần Thơ, ngày 24/8.  Ảnh: TTXVN.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, qua theo dõi, hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động lưu thông phân phối hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân cũng như nguyên, nhiên liệu, vật tư phục vụ sản xuất công - nông nghiệp, hiện vẫn còn một số khó khăn vướng mắc.

Theo đó, quy định, thủ tục giữa các địa phương khác nhau, không thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành liên quan cho phép hàng hóa được lưu thông thông suốt, trừ hàng hóa cấm kinh doanh; thậm chí có địa phương còn ban hành văn bản để đạt mục tiêu “Hạn chế thấp nhất phương tiện vào trung tâm đô thị để phòng, chống dịch bệnh” như Công văn số 3438/YBND-KT ngày 21/8/2021 của UBND TP Cần Thơ đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Trần Duy Đông nêu một thực tế từ vướng mắc của MM Mega Market trong lưu thông vận chuyển hàng hóa ở TP Cần Thơ. Theo đó, do hiểu khác nhau về văn bản hướng dẫn của địa phương, về hàng hóa thiết yếu hay không thiết yếu nên chốt kiểm soát đã không đồng ý cho xe vào và yêu cầu quay đầu. Trong khi MM Mega Market đã cung cấp tất cả thông tin về xe, hàng hóa và tài xế, phụ lái trước 1 ngày vào 13 giờ hàng ngày cho Sở Công Thương của TP Cần Thơ và sau đó có đóng dấu xác nhận của Sở Công Thương trên các danh sách phương tiện đã đăng ký. Ngày 24/8, các xe của MM Mega Market vẫn phải đợi từ sáng đến tối nhưng cũng chưa được vào thành phố.

Đặc biệt, UBND TP Cần Thơ còn yêu cầu “tất cả các phương tiện đến thành phố giao nhận hàng hóa đều phải tập trung giao nhận tại các điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa do thành phố quy định”.

Ông Trần Duy Đông cho hay, hàng hóa của các hệ thống phân phối là hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm cần được bảo quản nhiệt độ mát hoặc đông lạnh thì không thể chuyển tải tại các điểm tập kết quy định của thành phố vì sẽ làm hư hỏng sản phẩm trong điều kiện nhiệt độ bảo quản ngoài trời, gây nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, hàng hóa có khối lượng rất nặng nên không thể bốc tách dễ dàng cho việc chuyển tải qua xe khác nếu không có các dụng cụ, thiết bị chuyên dụng thích hợp như xe nâng, xe nâng tay… Trong khi đó, tại các điểm tập kết thì không có các thiết bị chuyên dụng này.

Một số địa phương khác như Kon Tum, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang... không cho xe tải vào mà yêu cầu phải sang xe, đổi tài xế mới cho vào tỉnh. TP Phú Quốc (Kiên Giang) thì yêu cầu tài xế giao hàng phải ở lại đảo 30 ngày.

Mặt khác, về giao thông vận tải, yêu cầu các thủ tục giấy tờ để lưu thông hàng hóa tại các địa phương không thống nhất. Thậm chí, có tình trạng địa phương này không công nhận giấy tờ của địa phương khác cấp, hoặc xe chuyển hàng được địa phương này cho lưu thông nhưng địa phương kia không cho vào dẫn đến chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất tới lưu thông trên thị trường bị gián đoạn, đứt gãy, gây khó khăn kép cho các doanh nghiệp, ảnh hưởng tới mục tiêu phát triển kinh tế của Chính phủ.

Cùng với đó, một số địa phương không chấp nhận kết quả PCR của tỉnh khác và yêu cầu lái xe phải kiểm tra PCR lại tại cơ sở y tế của tỉnh. Một số địa phương yêu cầu kết quả test COVID-19 có giá trị trong 24 giờ, trong khi các tỉnh khác cho phép kết quả trong 72 giờ. Việc không thống nhất về test nhanh hoặc PCR giữa các địa phương, không chấp nhận kết quả test của địa phương khác khiến lãng phí thời gian và tiền bạc….

Để việc lưu thông hàng hóa được thực hiện xuyên suốt theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ông Trần Duy Đông kiến nghị, các địa phương hiện đang có hướng dẫn khác chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trong hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa sớm thực hiện thống nhất, xuyên suốt hướng dẫn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các Sở, ngành tại địa phương thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.

Đồng thời, các địa phương cần chấp nhận kết quả xét nghiệm nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 72 giờ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 5753/BYT-MT ngày 19/7/2021.

“Khi xe đã được cấp luồng xanh ưu tiên điểm đi là một tỉnh, điểm đến là một tỉnh khác, đã đủ tiêu chuẩn hai đầu giao nhận. Không kiểm tra giấy xét nghiệm COVID nữa hoặc chỉ kiểm tra xác suất”, ông Trần Duy Đông kiến nghị.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng đề nghị các Sở Giao thông vận tải tham mưu UNBD tỉnh, thành phố thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ chủ quản, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động lưu thông hàng hóa.

Cùng với đó, rút ngắn thời gian cấp QR Code cho doanh nghiệp, người dân, đồng thời chỉ đạo đơn vị quản lý phần mềm http://luongxanh.drvn.gov.vn và tự động gia hạn cho các phương tiện đã được cấp mã QR Code. Công bố đường dây nóng của Sở Giao thông vận tải để kịp thời hỗ trợ, xử lý vướng mắc của doanh nghiệp trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải.

Ngày 23/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 1102/CĐ-TTG về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên toàn quốc. Tại Điểm 9, mục II. Tổ chức thực hiện Công điện nêu rõ: “Đảm bảo vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi. Các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chỉ kiểm tra tại điểm đi, điểm đến và bảo đảm các quy định an toàn phòng chống dịch; bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành và các địa phương để xử lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải, lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, phục vụ đời sống nhân dân và nguyên liệu sản xuất hàng hóa xuất nhập khẩu…"
Chú thích ảnh

 

Thu Trang/Báo Tin tức
Giải quyết khó khăn cho khâu lưu thông hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh
Giải quyết khó khăn cho khâu lưu thông hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, ngay ngày đầu tiên Tp. Hồ Chí Minh thực hiện quy định siết chặt giãn cách xã hội, chỉ một số đối tượng theo quy định được ra khỏi nhà, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Tổ công tác của Bộ Giao thông Vận tải để giải quyết những khó khăn trong lưu thông hàng hóa. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN