Tại diễn dàn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, sự kiện này chính là hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Algeria. Với mục tiêu đẩy mạnh kết nối để doanh nghiệp hai nước xúc tiến cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh, Bộ Xây dựng đã mời nhiều doanh nghiệp lớn, uy tín của Việt Nam trong các lĩnh vực mà phía Algeria quan tâm tham dự diễn đàn.
Diễn đàn cũng là cơ hội thiết thực, quan trọng, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam và Algeria có cơ hội gặp gỡ, trao đổi thông tin quan trọng, tìm hiểu rõ hơn về cơ chế chính sách ưu đãi thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài của hai nước; các lĩnh vực ưu tiên và danh mục dự án tiềm năng; làm cơ sở để nghiên cứu, xúc tiến thương mại và dự án đầu tư mới tại Algeria cũng như tại Việt Nam.
Doanh nghiệp hai bên sẽ tận dụng cơ hội để thiết lập nhiều quan hệ hợp tác mới, góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư Việt Nam - Algeria đạt dấu mốc mới, đáp ứng mong muốn của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân hai nước.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Sản xuất dược phẩm Algeria Ali Aoun đã thông tin về phương hướng mà Algeria đang triển khai để phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Hiện nay, Algeria đã ban hành chương trình khuyến khích phát triển kinh tế quốc gia trong chuỗi giá trị của thế giới thông qua việc tăng cường các mối quan hệ đối tác, đặc biệt là về công nghiệp, công nghệ chuyển giao tri thức.
Hiện Algeria có nhiều chính sách dành cho công nghiệp, khai khoảng, chế biến nông sản, du lịch, năng lượng tái tạo, nhà ở, cơ sở hạ tầng cơ bản… Ngoài ra, Algeria có chính sách khuyến khích dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển; hỗ trợ cho các startup khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, Algeria cũng đã tiến hành cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh xây dựng và ban hành bộ luật mới về đầu tư giúp doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hưởng quyền lợi và ưu đãi giống như doanh nghiệp tại Algeria. Trong thời gian tới, Algeria cũng sẽ phát triển những lĩnh vực ưu tiên mang lại giá trị thặng dư cao; lưu ý tăng cường chuyển đổi công nghệ, đổi mới nền kinh tế.
Tại diễn đàn, chuyên gia hai nước đã trình bày nhiều tham luận nhằm làm rõ cơ chế, chính sách dành cho doanh nghiệp của Việt Nam và Algeria. Đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư, Việt Nam đã tiến hành cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, xử lý thủ tục hành chính thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành các chính sách khuyến khích thu hút FDI cho xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng xanh, xuất nhập khẩu bền vững; phát triển sản xuất gắn với xuất khẩu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp vượt các rào cản...
Định hướng thời gian tới, Việt Nam sẽ sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt vấn đề xã hội; chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng khoa học - công nghệ, hàm lượng đổi mới sáng tạo cao, các sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư khẳng định, Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp về đầu tư nước ngoài như: ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực); hoàn thiện luật pháp, chính sách, cải cách thủ tục hành chính; thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, đổi mới sáng tạo, triển khai hạ tầng công nghệ thông tin; tăng cường đối thoại với nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn.
Cùng với các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư như điện, điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm tài chính… Việt Nam còn có ưu đãi đầu tư đặc biệt dành cho doanh nghiệp. Cụ thể là thời gian hưởng thuế suất ưu đãi là 5% trong vòng 37 năm; miễn giảm tối đa 6 năm, giảm 50% trong 13 năm; đối tượng và điều kiện hưởng ưu đãi là Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong 3 năm hay dự án thuộc ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư, vốn đầu tư trên 30.000 tỷ đồng, giải ngân 10.000 tỷ đồng trong 3 năm…
Giám đốc nghiên cứu phụ trách cơ chế một cửa cho các dự án lớn và đầu tư nước ngoài tại Cơ quan Xúc tiến Đầu tư của Algeria - ông Ahmed Berrich chia sẻ, các lĩnh vực Algeria đang ưu tiên đầu tư chính là khai thác đá, nông nghiệp thủy hải san, dược phẩm, hóa dầu, du lịch, xây dựng, công nghệ thông tin, truyền thông. Algeria đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích và ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài.
Algeria đã tiến hành cải cách thể chế, tăng cường hoạt động trên nền tảng số, giảm gánh nặng cho nhà đầu tư; dễ dàng tương tác với hải quan, về thuế; có cơ sở dữ liệu về đất đai để doanh nghiệp tiếp cận. Bên cạnh đó, Algeria cũng tăng cường hoạt động của các sản giao dịch để doanh nghiệp có thể tìm kiếm đối tác, hoạt động đầu tư thuận lợi; khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào nhiều lĩnh vực…