Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố ngày 16/4 cho thấy năng lực điều hành, môi trường kinh doanh ở cấp tỉnh đã được cải thiện; quan trọng hơn còn tạo ra cuộc đua tranh, thúc đẩy các địa phương hành động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầuTheo bảng xếp hạng, Đà Nẵng tiếp tục bảo vệ thành công vị trí "quán quân" năm thứ 2 liên tiếp. Sau cú lội “ngược dòng” ngoạn mục vào năm 2013, năm nay Đà Nẵng tiếp tục duy trì vị trí đầu bảng xếp hạng với số điểm 66,87. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: Nhờ hiệu quả Chương trình “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, chính quyền thành phố liên tục có nhiều hoạt động tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp như: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho tiếp cận hỗ trợ tài chính tín dụng, chủ động tích cực tổ chức gặp gỡ đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Năm thứ 2 liên tiếp, Đà Nẵng đạt xếp hạng “quán quân”. |
GS.TS Edmund Malesky - (Đại học Duke, Hoa Kỳ), Trưởng nhóm nghiên cứu PCI cho biết: Đà Nẵng là điểm thuận lợi cho doanh nghiệp FDI vì tính minh bạch và khả năng tiếp cận tài liệu pháp lý, quy hoạch. 76% doanh nghiệp cho biết, khi gặp khó khăn, Đà Nẵng đã linh hoạt giải quyết trong khuôn khổ pháp luật (tỷ lệ hài lòng trung bình trên toàn quốc chỉ là 48%). Đà Nẵng cũng là tỉnh duy nhất mà các nhà đầu tư không thấy chất lượng cơ sở hạ tầng năm 2014 suy giảm so với 2013. Thời gian chờ đợi để chính thức hoạt động cũng ngắn: 72% doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng chính thức hoạt động sau 1 tháng kể từ ngày có đăng ký doanh nghiệp (trong khi toàn quốc là 38%).
Kể từ lần đầu công bố CPI đến nay, Đồng Tháp chưa bao giờ xếp hạng dưới 11 và đã từng đạt thành tích cao nhất là vị trí số 1 vào năm 2012. Năm nay cũng đánh dấu sự thành công của Đồng Tháp, khi tỉnh này vươn lên vị trí thứ 2 với 65,28 điểm, tăng một bậc so với năm 2013. Đứng trong top 3 tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh tốt nhất là Lào Cai với 64,67 điểm.
Một điểm đáng lưu ý trong bảng xếp hạng PCI 2014 là lần đầu tiên trong 10 năm công bố PCI, trung tâm kinh tế lớn, TP Hồ Chí Minh bước vào nhóm 5 tỉnh thành có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước. Đây cũng là năm thứ 2 nhóm này có sự góp mặt của tỉnh Quảng Ninh. Trong top 10 còn có các tỉnh Vĩnh Phúc, Long An, Thái Nguyên, Kiên Giang và Bắc Ninh.
Ông Dương Ngọc Long - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thái Nguyên đang là tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Tính đến nay, Thái Nguyên đã thu hút được 75 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 6,9 tỷ USD, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. “Thành công của Tập đoàn Samsung tại Thái Nguyên cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước là minh chứng, thước đo rõ nhất cho những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư”, ông Long nói.
Môi trường kinh doanh khởi sắcTiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, báo cáo PCI 2014 được công bố trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh việc cải cách thế chế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết 19 do Chính phủ ban hành năm 2014 và 2015 đều xác định mục tiêu Việt Nam cần đạt được trong cải cách nhiều lĩnh vực điều hành và đặt ra tham vọng Việt Nam phải đạt mức bình quân của 4 nước ASEAN tiên tiến nhất.
Theo ông Lộc, qua kết quả PCI 2014, xu hướng cải thiện chất lượng điều hành của các tỉnh, thành phố đã khá tích cực; điểm số trung bình của PCI 2014 tăng đáng kể so với những năm trước đó. Phong trào cải cách đã rộng khắp ở nhiều tỉnh, thành phố, các tỉnh nhóm cuối tiếp tục thu hẹp khoảng cách đáng kể so với những tỉnh đứng đầu, thể hiện ở sự minh bạch, chi phí thời gian, đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp…
Theo ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế (VCCI), Giám đốc Dự án PCI cho rằng chỉ số PCI 2014 cho thấy dấu hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh, thể hiện ở tỷ lệ doanh nghiệp trong nước tăng quy mô đầu tư vốn đã tăng trở lại (10,8%) sau 2 năm giảm xuống mức thấp nhất. Lần đầu tiên trong vòng 9 năm, quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp đã lên mức cao nhất, trung bình là 15,1 tỷ đồng, gấp đôi so với quy mô của năm 2006. Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động cũng tăng gần gấp đôi (11,5%) so với mức chạm đáy năm 2012 và 2013.
“Trước tình hình kinh tế khởi sắc, doanh nghiệp cũng lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh. Năm 2014, có tới 46,1% doanh nghiệp dự kiến sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới, tăng mạnh so với mức 32,5% năm ngoái. Tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch giảm quy mô hoặc đóng cửa, giải thể chỉ chiếm 8,3%.
GS.TS Edmund Malesky cho biết: Điều tra năm 2014 được thực hiện đối với 1.491 doanh nghiệp FDI tới từ 43 nước. Mức độ lạc quan gia tăng trong các công ty nước ngoài tại Việt Nam thể hiện ở: Vốn đầu tư tăng, doanh nghiệp FDI tuyển thêm lao động. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng tin tưởng hơn vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam bởi nhiệt kế lòng tin đã tăng mạnh nhất kể từ năm 2011. Đây là kết quả ấn tượng của cuộc khảo sát.
Cũng theo khảo sát, Việt Nam là địa điểm lý tưởng cho các nhà đầu tư bởi so với các quốc gia như: Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Lào, Philippins thì mức thuế tại Việt Nam thấp hơn các nước; rủi ro thu hồi tài sản thấp hơn; bất ổn chính sách thấp hơn và tác động chính sách nhiều hơn.
Minh Phương