Nhật - Mỹ vẫn bế tắc trong đàm phán TPP

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 18/4, vòng đàm phán cấp bộ trưởng giữa Nhật Bản và Mỹ về Hiệp định kinh tế đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc sau 3 ngày làm việc ở Washington, Mỹ, song chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng.  

Phát biểu sau cuộc họp kéo dài hơn 20 giờ với Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài chính Nhật Bản Akira Amari, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman cho biết khoảng cách giữa hai bên đã được thu hẹp, song "nhiều bất đồng đáng kể vẫn tồn tại".

Bên cạnh đó, ông Froman đề cập tới việc Nhật Bản và Mỹ hiện phải đối mặt với "một số vấn đề nổi bật", song không đưa ra thông tin cụ thể. Ông nhấn mạnh mục tiêu toàn diện của TPP là "một sự tiếp cận ý nghĩa" tới thị trường Nhật Bản, điều mà mọi đối tác TPP đều hướng tới.  

Về phía Nhật Bản, Bộ trưởng Akira Amari cho biết hai bên đã đạt được những tiến triển nhất định, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần phải bàn thảo thêm. Trước khi cuộc họp diễn ra, hãng tin Kyodo nước này dẫn một bình luận của ông Amari cho rằng Nhật Bản và Mỹ "vẫn chưa thể phá vỡ bế tắc" trong các vấn đề then chốt của TPP.   

Quốc vụ khanh phụ trách đàm phán TPP của Nhật Bản Akira Amari trong cuộc họp báo sau đàm phán tại Tokyo ngày 10/4. Ảnh: AFP/ TTXVN


Vòng đàm phán ngày 18/4 được đánh giá là vô cùng quan trọng đối với cả Nhật Bản và Mỹ, hướng tới những kết quả tích cực nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Tokyo ngày 24/4 tới. Nội dung trọng tâm của vòng đàm phán lần này là việc Nhật Bản gỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với nhóm mặt hàng thịt lợn, thịt bò xuất khẩu của Mỹ.  

Theo kế hoạch, ông Froman sẽ tới Nhật Bản trong ngày 21/4 để tiếp tục đàm phán, với mục tiêu đạt được một thỏa thuận sơ bộ về TPP trước khi Nhật Bản và Mỹ tiến hành hội nghị thượng đỉnh.  

Cho đến nay, các cuộc đàm phán Nhật-Mỹ về TPP đã đạt được những tiến triển nhất định trong việc áp dụng mức thuế quan cho 5 nhóm mặt hàng nông nghiệp mà Nhật Bản đang bảo hộ. Theo đó, hai bên nhất trí về việc Nhật Bản có thể duy trì một mức thuế nhất định đối với 3 nhóm mặt hàng là gạo, lúa mỳ và đường, vốn đang được Nhật Bản áp mức thuế nhập khẩu lần lượt là 778%, 252% và 328%.  

Đối với hai nhóm mặt hàng còn lại là thịt (bò, lợn) và các sản phẩm sữa, Mỹ muốn Nhật Bản miễn thuế hoặc giảm tối đa. Trong khi đó, Nhật Bản vẫn giữ lập trường bảo lưu chính sách thuế nhập khẩu hiện nay ở mức 38,5% và cho biết chỉ có thể giảm con số này về mức 10%.  

Theo các nguồn tin tại Nhật Bản, trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới, hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ sẽ không đề cập tới các con số cụ thể trong đàm phán TPP. Tuy nhiên, hai bên đều muốn xác nhận những tiến triển đã đạt được và tiếp tục thúc đẩy đàm phán.  Nhật Bản và Mỹ là hai nền kinh tế lớn nhất trong số 12 nước hiện tham gia đàm phán TPP, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.  

Đàm phán TPP bắt đầu từ năm 2005, ban đầu chỉ có sự tham dự của 4 nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore. Với sự góp mặt của 12 nước nêu trên, một khi TPP được ký kết, hiệp định này sẽ thiết lập một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.


TTXVN/Tin tức
Mỹ, Nhật Bản đàm phán TPP
Mỹ, Nhật Bản đàm phán TPP

Trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngày 27/3, các quan chức thương mại Mỹ và Nhật Bản tiếp tục bàn thảo về các vấn đề ga­i góc là mức thuế đối với hàng nông sản và doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường ô tô Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN