Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Tanaka Akihiko đang có chuyến thăm tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Nhà máy xử lý nước thải cho TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 2.000 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Ảnh:Dương Chí Tưởng - TTXVN |
Trong cuộc gặp gỡ với báo chí Việt Nam sáng 27/8, ông Tanaka Akihiko cho biết, chuyến thăm Việt Nam lần này đã giúp ông tận mắt chứng kiến và hiểu được rằng, vốn ODA của Nhật Bản đang góp phần vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
´Vốn ODA là một trong những hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và Nhật Bản, ông đánh giá thế nào hiệu quả sử dụng ODA của Việt Nam trong thời gian qua, cụ thể là tại các dự án ông đã đi thăm?
Nhật Bản là quốc gia viện trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách cơ chế, chính sách... Trong bối cảnh quan hệ hợp tác hỗ trợ ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam đã đạt mốc 20 năm, cả hai phía Việt Nam và Nhật Bản đều có chung nhận thức rằng ODA của Nhật Bản đang góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam cũng như tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Trong chuyến công tác lần này, tôi đã tới thăm Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách số 2 tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, Bệnh viện Bạch Mai, Dự án nâng cao năng lực đảm bảo an toàn sinh học và xét nghiệm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho mạng lưới phòng xét nghiệm… Tại công trường xây dựng Sân bay quốc tế Nội Bài, tôi đã cảm nhận được sự cần thiết phải xây dựng các cơ sở hạ tầng với qui mô lớn để Việt Nam phát triển hơn nữa. Mặt khác, tôi cảm động sâu sắc khi thấy Bệnh viện Bạch Mai với sự hợp tác hỗ trợ lâu dài của Nhật Bản đã và đang góp phần cung cấp dịch vụ y tế với chất lượng cao cho đông đảo người dân Việt Nam. Tôi cũng rất vui mừng khi chứng kiến người Việt Nam và người Nhật Bản đang cùng nhau sát cánh làm việc tại các địa bàn dự án.
Một ví dụ dễ nhận thấy ở Hà Nội là những công trình hạ tầng giao thông như cầu Thanh Trì hay tuyến đường vành đai 3 đã giúp cải thiện tình trạng giao thông nội đô của thành phố. Ngoài ra, Dự án Hỗ trợ Bệnh viện Bạch Mai hay Trung tâm Hợp tác Nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC)… đang góp phần nâng cao các dịch vụ y tế cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho kinh doanh.
Các dự án/hoạt động hợp tác sử dụng vốn ODA của Nhật Bản đang được thực hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau trên toàn quốc và đang giúp ích cho người dân Việt Nam. Tôi cũng mong muốn người dân Việt Nam không chỉ chú ý, quan tâm đến những công trình phát triển cơ sở hạ tầng mà các quý vị thường nhìn thấy, mà cả những lĩnh vực quan trọng nhưng vô hình như giáo dục, y tế và đào tạo nguồn nhân lực mà vốn ODA Nhật Bản đang hỗ trợ.
´Xin ông cho biết về những ưu tiên và định hướng về chính sách ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam trong thời gian tới?
Để hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu quốc gia “Cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”, Nhật Bản đang hỗ trợ Việt Nam theo 3 trụ cột chính là: (1) Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng; (2) Tăng cường quản trị nhà nước và (3) Hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương thông qua hỗ trợ phát triển địa phương, y tế và chăm sóc sức khỏe.
Trong tương lai, ngoài đặt trọng tâm vào ba trụ cột chính này, JICA mong muốn sẽ tích cực hỗ trợ cả trong lĩnh vực cải cách doanh nghiệp Nhà nước, các biện pháp ứng phó với các vấn đề về môi trường như biến đổi khí hậu… để Việt Nam có thể phát triển kinh tế xã hội hơn nữa.
´Thưa ông, Việt Nam đã ở trong nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, vậy điều này có ảnh hưởng gì đến việc xem xét các khoản ODA cho Việt Nam cũng như những ưu tiên vay vốn ODA của Nhật Bản đối với Việt Nam trong thời gian tới không?
Tôi rất vui mừng khi biết rằng kể từ năm 2000 Việt Nam đã phát triển kinh tế một cách ổn định và bước vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn tồn tại những nhu cầu phát triển đa dạng nên hỗ trợ cả về mặt tài chính và kỹ thuật là rất cần thiết. Cho dù Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình- một cột mốc rất quan trọng nhưng tôi cũng nhận thức được rằng phương châm hỗ trợ của Nhật Bản cho Việt Nam vẫn không thay đổi.
´Việt Nam đang tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế trong ngắn hạn và trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đồng nghĩa với nhu cầu vay vốn lớn hơn trong những năm tới. Xin ông cho biết, Nhật Bản có tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn ODA để giúp Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu trên hay không?
Để đạt được mục tiêu công nghiệp hóa cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách chính sách và thể chế, theo tôi Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Và tôi cũng nhận thức được rằng Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để tiếp tục triển khai những hỗ trợ cần thiết cho Việt Nam. Nguồn tài chính cần thiết để phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu của Việt Nam là một con số khổng lồ. Do đó, làm thế nào để có thể huy động được nguồn vốn của tư nhân là một thử thách cần được Việt Nam ưu tiên giải quyết.
´Một số dự án ODA tại Việt Nam đang bị chậm tiến độ, theo ông, phía Việt Nam và Nhật Bản cần làm gì để cải thiện tình trạng này?
Có một thực tế là tại một số dự án có phát sinh việc kéo dài thời gian thực hiện do chậm trễ trong thu hồi đất và giải phóng mặt bằng… Đồng thời cũng còn tồn tại môt số vấn đề do sự chậm trễ xây dựng khung văn bản pháp lý liên quan. Đứng trên lập trường của cả hai phía Việt Nam và Nhật Bản, chúng tôi sẽ tiến hành trao đổi, thảo luận cũng như hỗ trợ xây dựng các quy định liên quan trong trường hợp cần thiết nhằm hướng tới giải quyết các vấn đề trên.
´Ông nhấn mạnh rằng việc tăng cường vốn viện trợ phát triển ODA nhằm hỗ trợ phát triển các nước đang phát triển cũng như giúp phát triển chính đất nước Nhật. Xin ông giải thích rõ hơn về quan điểm này?
Nhật Bản không thể tồn tại một cách độc lập như một quốc gia mà phụ thuộc một cách tương hỗ trong quan hệ với các nước trên thế giới. Trong thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, Nhật Bản cần thiết phải tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước khác trên thế giới. Sự phát triển và hòa bình của các nước bạn có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển và hòa bình của Nhật Bản. Từ quan điểm đó, công cuộc hỗ trợ phát triển mà JICA đang thực hiện là một phương thức để Nhật Bản có thể chia sẻ nguồn lợi chung với thế giới.
Lấy Việt Nam làm một ví dụ, sự phát triển kinh tế thuận lợi của Việt Nam sẽ tăng đầu tư của Nhật Bản. Và điều này không chỉ góp phần vào sự tăng trưởng của Việt Nam mà đó cũng là điểm lợi đối với nền kinh tế Nhật Bản. Phát triển cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn ODA cũng góp phần thúc đẩy đầu tư nước ngoài trong đó có Nhật Bản.
Hơn nữa, có rất nhiều người Việt Nam đã được học tập và đào tạo tại Nhật Bản bằng nguồn hỗ trợ ODA. Trong số những người đã đạt được những học vị cao tại Nhật Bản có nhiều người đang cống hiến và làm việc trong nhiều lĩnh vực của Việt Nam. Sự gia tăng số lượng những người hiểu biết và yêu mến Nhật Bản tại Việt Nam đã và đang góp phần to lớn vào tăng cường quan hệ hữu nghị cũng như hợp tác kinh tế giữa hai nước Việt Nam- Nhật Bản.
Xin cảm ơn ông!
Thu Hường (thực hiện)