Nhật Bản công bố quy định mới về tiếp nhận lao động nước ngoài

Ngày 15/3, Chính phủ Nhật Bản và Bộ Nội vụ nước này đã lần lượt công bố nghị định chính phủ và thông tư hướng dẫn về quy định tiếp nhận lao động nước ngoài theo tư cách lưu trú mới nhằm chuẩn bị cho hệ thống thị thực mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4 tới.

Chú thích ảnh
Một công nhân người Việt Nam thu hoạch cà chua tại một trang trại ở Asahi, tỉnh Chiba, Nhật Bản. Ảnh: japantimes.co.jp

Tất cả các quy định này đều được đăng tải trên trang web chính thức của Bộ Nội vụ Nhật Bản.

Theo quy định mới, những công ty tại Nhật Bản muốn thuê lao động người nước ngoài không được có vi phạm về luật nhập cư hay các quy định về lao động khác trong thời gian 5 năm trở lại đây. Các công ty này phải trả lương cho lao động nước ngoài mức lương tương đương hoặc cao hơn so với mức lương trả cho lao động là người Nhật Bản. Việc trả lương phải được thực hiện một cách hợp pháp thông qua tài khoản ngân hàng của người lao động. Ngoài ra, các công ty tiếp nhận cũng có nghĩa vụ phải hỗ trợ người lao động đăng ký hợp đồng điện thoại di động. 

Để loại bỏ vai trò trung gian của các công ty môi giới lừa đảo hay kém chất lượng, cơ quan chức năng khi làm thủ tục nhập cảnh cho lao động nước ngoài vào Nhật Bản sẽ phải xác minh xem liệu người lao động đã được mua bảo hiểm hay chưa. Ngược lại, người lao động cũng phải  đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về sức khỏe để có thể xin thị thực nhập cảnh. Trong trường hợp lao động về nước nhưng không thể chi trả chi phí đi lại, công ty sử dụng lao động có nghĩa vụ phải trả số tiền này thay cho người lao động.

Nghị định của Chính phủ Nhật Bản cũng xác định rõ những nguyên tắc đối với "Cơ quan hỗ trợ đăng ký", tổ chức có nhiệm vụ thay mặt các công ty để hỗ trợ người lao động nước ngoài.
 
Theo hệ thống thị thực mới, lao động nước ngoài, từ 18 tuổi trở lên, sẽ được tiếp nhận theo hai loại thị thực. Loại đầu tiên đòi hỏi người lao động có trình độ học vấn và kinh nghiệm nhất định, trong khi loại thứ hai dành cho nhóm có kỹ năng làm việc cao hơn. Để có được thị thực loại 1, có giá trị lên tới 5 năm, người lao động phải có khả năng giao tiếp cơ bản bằng tiếng Nhật thông qua các bài kiểm tra tiếng Nhật. Những người đã trải qua chương trình tu nghiệp sinh kỹ thuật kéo dài hơn 3 năm có thể đăng ký xin thị thực loại này mà không cần phải thực hiện các bài kiểm tra. Tuy nhiên, những người lao động trong nhóm này sẽ không được phép đưa gia đình tới Nhật Bản. Trong khi đó, loại 2 có khung yêu cầu cao hơn khi bắt buộc người lao động phải vượt qua bài kiểm tra kỹ năng cấp độ cao hơn. Tuy nhiên, những người này được phép đưa gia đình đi cùng, số lần gia hạn thị thực cũng không bị hạn chế, qua đó mở ra cơ hội định cư tại Nhật Bản.

Hồi tháng 12/2018, Quốc hội Nhật Bản đã phê chuẩn luật mới, chính thức mở đường cho tiếp nhận lực lượng lao động phổ thông nước ngoài. Với hệ thống thị thực mới này, dự kiến sẽ có khoảng 340.000 người nước ngoài được cấp phép làm việc trong 5 năm tại Nhật Bản, nước từng chỉ cấp thị thực lao động cho những người trí thức cao như bác sỹ, luật sư và giáo viên.

Hồng Hà (P/v TTXVN tại Tokyo)
Australia nới lỏng thị thực cho lao động nước ngoài
Australia nới lỏng thị thực cho lao động nước ngoài

Ngày 11/3, Bộ trưởng Di trú Australia David Coleman đã công bố một số thay đổi liên quan Danh mục Nghề nghiệp khu vực, theo đó nới lỏng quy định cấp thị thực cho lao động nước ngoài có năng lực chuyên môn được thuê làm việc tại các trang trại nông nghiệp và các vận động viên thể thao, nghệ sỹ quốc tế đến Australia dưới dạng hợp đồng bảo lãnh, tài trợ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN