Tờ báo dẫn lời Tổng thư ký LDP Nikai khi trao đổi với phóng viên nói "Vấn đề chủ yếu là Nhật Bản có thể đưa ra quyết định gia nhập nhanh thế nào".
Chủ tịch AIIB Kim Lập Quần phát biểu tại cuộc họp báo chấp thuận thêm 7 thành viên mới. Ảnh: EPA/TTXVN |
Tổng thư ký LDP Toshihiro Nikai đưa ra phát biểu trên nhân dịp thăm Trung Quốc dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường" được tổ chức ở thủ đô Bắc Kinh, đã bế mạc vào ngày 15/5. Ông Nikai cho biết ông sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để trao đổi về mối quan hệ song phương Nhật Bản - Trung Quốc cũng như những căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC ngày 15/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết việc gia nhập AIIB có thể là một lựa chọn của Tokyo nếu những hoài nghi về vấn đề quản trị ngân hàng được giải đáp. Ông Abe nêu rõ: "Hiện tại chúng tôi vẫn đang theo dõi các hoạt động của AIIB một cách thận trọng".
Được chính thức thành lập ngày 25/12/2015 và đặt trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh, AIIB là thể chế tài chính đa phương mới, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối khu vực châu Á. Ngân hàng này có số vốn cơ bản 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ và Nga là những cổ đông lớn nhất. Trung Quốc chiếm 30,34% cổ phần và nắm giữ 26,06% quyền biểu quyết. Mỹ và Nhật Bản hiện vẫn từ chối tham gia ngân hàng này.
Mới đây, ngày 13/5, AIIB đã chấp thuận đơn đăng ký gia nhập của 7 thành viên mới, nâng tổng số thành viên của ngân hàng này lên 77. Các quốc gia được kết nạp lần này gồm Bahrain, CH Síp, Samoa, Bolivia, Chile, Hy Lạp và Romania.