Kiểm soát chặt thịt nhập khẩu
Bộ Tài chính vừa có công văn số 4451/BTC-TCHQ chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu đối với các mặt hàng thịt và sản phẩm từ thịt.
Cụ thể, Bộ Tài chính yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo kiểm tra thực tế toàn bộ lô thịt và sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm có xuất xứ từ Brazil đã về đến cửa khẩu trước ngày 23/3/2017. Trong quá trình kiểm tra thực tế cần lưu ý đến thành phần, hạn sử dụng, nhãn hiệu, điều kiện bảo quản, an toàn thực phẩm… của hàng hóa nhập khẩu.
Thịt bò xuất khẩu của Australia. Ảnh: AFP/TTXVN |
Doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng thịt và sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm được yêu cầu phải thực hiện lưu giữ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, không cho phép đưa về bảo quản trong thời gian chờ kết quả kiểm dịch động vật, kiểm tra an toàn thực phẩm.
Về việc nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, Bộ Tài chính yêu cầu từ ngày 10/4/2017, người khai hải quan phải nộp bản chính chứng từ chứng nhận xuất xứ do nước xuất khẩu cấp khi làm thủ tục hải quan đối với các lô hàng thịt và sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu.
Trường hợp mua bán qua bên thứ ba thì phải thể hiện rõ tên nhà sản xuất trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Quyết định số 902/QĐ-BNN-TY về việc tạm ngừng nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ 21 nhà máy giết mổ, chế biến thịt của Brazil đang bị điều tra do nghi ngờ sử dụng chất có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm kể từ ngày 23/3/2017.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2017 cả nước nhập khẩu 2.780 tấn thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được có xuất xứ từ Brazil, trị giá hơn 4 triệu USD, tương ứng mỗi kg thịt chỉ có giá bình quân 32.834 đồng.
Kiểm tra chặt xuất xứ ô tô nguyên chiếc nhập khẩuTổng cục Hải quan vừa yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố để tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu.
Bãi xe nhập khẩu của cửa hàng An Phú Auto trên đường Phạm Hùng, Hà Nội. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN |
Cụ thể, Tổng cục Hải quan yêu cầu hải quan địa phương thực hiện đúng quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, lưu ý kiểm tra việc đáp ứng các tiêu chí xuất xứ của ASEAN đối với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục hải quan để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng các quy định của Bộ Công Thương hướng dẫn về Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt và các quy trình kiểm tra xác định xuất xứ ban hành kèm theo Quyết định 4286/QĐ-TCHQ của Tổng cục Hải quan và các công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Theo đó, trường hợp có nghi vấn liên quan đến tính hợp lệ của C/O, các thông tin khai báo C/O hay xuất xứ thực tế của hàng hóa nhập khẩu (như có dấu hiệu giả mạo chữ ký, con dấu C/O, sự không phù hợp giữa thông tin về hàng hóa khai báo trên C/O với chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan, nghi ngờ về tiêu chí xuất xứ khai báo trên C/O hay qua kiểm tra thực tế phát hiện xuất xứ thể hiện trên hàng hóa khác với khai báo, quy định về vận chuyển trực tiếp…), các cục hải quan tỉnh, thành phố phải gửi báo cáo và hồ sơ liên quan về Tổng cục Hải quan để tiến hành xác minh.
Trong thời gian chờ kết quả xác minh, hàng hóa nhập khẩu không được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt mà áp dụng theo mức thuế suất ưu đãi MFN.
Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian vừa qua, qua kiểm tra theo dõi, cơ quan hải quan đã phát hiện có tình trạng một số doanh nghiệp khai báo thấp hơn so với cơ sở dữ liệu giá của cơ quan hải quan nhằm trốn thuế.
Trong tháng 3, xe ô tô con dưới 9 chỗ ngồi nhập về đạt hơn 6.700 chiếc, tăng hơn 2.500 chiếc so với tháng 2 (4.160 chiếc), mức tăng 61%. Tuy nhiên, tổng kim ngạch nhập khẩu chỉ tăng 1 triệu USD từ 73 triệu USD tháng 2 lên 74 triệu USD tháng 3, mức tăng 1,37%.
Điều này khiến giá khai báo thông quan hải quan bình quân của xe con nguyên chiếc tháng 3 chỉ là 11.040 USD/xe (252 triệu đồng). So với mức giá khai báo xe con dưới 9 chỗ bình quân tháng 2 là hơn 17.548 USD/xe (400 triệu đồng) thì chỉ sau 1 tháng, mức chênh giá khai báo bình quân đã lên tới gần 150 triệu đồng/xe.