Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú đi qua địa bàn 4 huyện của tỉnh Đồng Nai gồm Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú. Để triển khai dự án, nghành chức năng cần thu hồi gần 380 ha đất, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 1.450 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Duy Thi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Phú, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú đoạn qua địa bàn huyện Tân Phú dài hơn 18 km, cần thu hồi hơn 120 ha đất của một số tổ chức và 85 hộ; trong đó, có 60 hộ phải bố trí tái định cư. Huyện Tân Phú đã lên phương án xây dựng khu tái định cư với diện tích 11 ha để bố trí chỗ ở cho người dân nhường đất xây dựng cao tốc.
Ông Phạm Duy Thi cho biết: Phạm vi thu hồi đất cao tốc Dầu Giây – Tân Phú phù hợp quy hoạch sử dụng đất. Dù Tân Phú thu hồi nhiều đất phục vụ cao tốc nhưng hầu hết là đất nông nghiệp, số hộ cần bố trí tái định cư ít. Huyện đã có kế hoạch cụ thể, chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, tới đây, ngay khi nhận bàn giao cọc giải phóng mặt bằng chính quyền Tân Phú sẽ lập tức kiểm kê đất đai, tài sản, thu hồi đất phục vụ dự án.
Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú đi qua địa bàn huyện Thống Nhất có chiều dài gần 16 km, cần thu hồi khoảng 95 ha đất. Toàn bộ đất trong phạm vi dự án là đất nông nghiệp, đất cao su, đất công, huyện Thống Nhất không phải bố trí tái định cư.
Ông Mai Văn Hiền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thống Nhất chia sẻ, vấn đề giải phóng mặt bằng cao tốc Dầu Giây – Tân Phú trên địa bàn huyện Thống Nhất có nhiều thuận lợi. Riêng nguồn đất đắp, ngành chức năng đã phê duyệt quy hoạch mỏ phục vụ dự án với diện tích 80 ha, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu đất đắp cho cao tốc.
Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long (đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại cao tốc Dầu Giây - Tân Phú), hiện các đơn vị đang khảo sát, lập hồ sơ, cắm cọc giải phóng mặt bằng cao tốc Dầu Giây – Tân Phú. Tháng 12/2024 bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương có dự án đi qua.
Để dự án triển khai thuận lợi, Ban Quản lý dự án Thăng Long kiến nghị tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp, hỗ trợ Ban Quản lý dự án Thăng Long trong công giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, khai thác đất đắp. Đồng thời, thành lập các hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để giải quyết hồ sơ, thủ tục trong quá trình thu hồi đất phục vụ dự án.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, đất trong phạm vi cao tốc Dầu Giây - Tân Phú đi qua các địa phương hầu hết là đất nông nghiệp, đất cao su, số hộ bị ảnh hưởng, công trình trên đất vùng dự án không nhiều. Đặc biệt tại huyện Thống Nhất và Xuân Lộc ngành chức năng không phải bố trí tái định cư. Đây là những tiền đề rất thuận lợi trong quá trình giải phóng mặt bằng phục vụ dự án.
Vừa qua, Đồng Nai đã giao thẩm quyền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc Dầu Giây – Tân Phú cho các địa phương có dự án đi qua thực hiện. Quý I/2024, tỉnh sẽ phê duyệt tiểu dự án bồi thường giải phóng mặt bằng cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, phân chia nhiệm vụ rõ ràng cho các địa phương. Đồng Nai yêu cầu các huyện có dự án đi qua khẩn trương rà soát quy hoạch liên quan, tăng cường quản lý xây dựng nhằm tránh chồng chéo trong quy hoạch, xây dựng trái phép trong phạm vi dự án.
Tháng 7/2024, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP. Dự án có điểm đầu tại khu vực nút giao Quốc lộ 1A, kết nối với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (địa phận huyện Thống Nhất), điểm cuối giao với Quốc lộ 20, kết nối với cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (thuộc huyện Tân Phú).
Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Trong phạm vi dự án, các đơn vị xây dựng nhiều cầu, nút giao, đường gom, đường ngang, trạm dừng nghỉ. Dự án dự kiến khởi công vào cuối năm nay, năm 2026 cơ bản hoàn thành, năm 2027 đưa vào khai thác.