Nơi đánh dấu kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc
Ông Hồ Minh Quang (tên thân mật là ông Năm Quang), nguyên Trưởng ban Tuyên Giáo Huyện ủy Chợ Mới giai đoạn 1975-1987, hiện sinh sống tại thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Năm nay, ông Năm Quang đã 82 tuổi, nhưng người thương binh hạng 1/4 với hai bàn tay gần như không còn nguyên vẹn - người cách đây 45 năm được Cách mạng phân công cùng với tổ chức về tiếp quản huyện Chợ Mới, vẫn còn nhớ như in khí thế hào hùng, cảm xúc thiêng liêng, niềm vui bất tận của quân và dân ta trong ngày toàn thắng...
Ông Năm Quang nhớ lại, sau khi Hiệp định Paris được kí kết năm 1954, hòa cùng khí thế chung của cả nước, nhân dân Chợ Mới tiếp tục đấu tranh giành hòa bình, dân chủ và yêu cầu thi hành hiệp định. Tháng 8/1974, để tạo điều kiện chuyển từ yếu sang mạnh, tạo sự gắn bó chiến trường giữa Đông và Tây sông Tiền, theo chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, tỉnh Kiến Phong được giải thể và thành lập 2 tỉnh mới là tỉnh Sa Đéc và tỉnh Long Châu Tiền.
Trong lúc quân dân 2 tỉnh Sa Đéc và Long Châu Tiền chuẩn bị thực hiện giai đoạn 2 của kế hoạch mùa khô năm 1975, việc Tây Nguyên được giải phóng đã tạo ra khả năng giải phóng miền Nam ngay trong mùa khô này. Thực hiện tinh thần của hội nghị Bộ Chính trị (từ ngày 18 đến 25/3/1975), Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết 15 chỉ đạo các khu, tỉnh tiến hành giai đoạn tổng công kích, tổng khởi nghĩa với quyết tâm chiến lược cao nhất. 2 tỉnh Sa Đéc và Long Châu Tiền, trong đó có nhân dân huyện Chợ Mới đã khẩn trương xây dựng kế hoạch hoạt động với tinh thần “1 ngày bằng 20 năm”, củng cố và phát triển lực lượng vũ trang từ tỉnh đến xã, ấp, chọn mục tiêu, phát động phong trào quần chúng tấn công 3 mũi trên toàn tỉnh và giành thắng lợi ở nhiều địa phương.
Nhưng khi quân Ngụy rệu rã không còn sức chiến đấu thì bọn phản động đội lốt tôn giáo Lương Trọng Tường, Hai Tập tiến hành tập hợp lực lượng “Bảo an quân Hòa Hảo” cấu kết với Tư lệnh vùng IV (Nguyễn Khoa Nam) xây dựng vùng “tự trị”. Khi chính quyền Sài Gòn thất thủ ngày 30/4/1975, tên Tỉnh đoàn trưởng "Bảo an quân Hòa Hảo" đưa lực lượng chiếm dinh Tỉnh trưởng tuyên bố thành lập Ủy ban hành chính lâm thời tỉnh An Giang do y cầm đầu, ra lệnh giới nghiêm 24/24 giờ, kêu gọi ‘tử thủ”. Từ Tây An Cổ Tự (thuộc xã Long Giang, huyện Chợ Mới ngày nay) lực lượng này lần lượt chiếm các cơ sở của Ngụy quyền trong tỉnh Long Châu Tiền (tỉnh An Giang ngày nay). Vì thế, muốn kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc ở An Giang, phải nhanh chóng đánh bại lực lượng "Bảo an quân Hòa Hảo".
Trong tình hình phức tạp đó, ta chỉ đạo cơ sở nội tuyến ở Đài Viễn Thông, Ty ngân khố, Ty điền địa… bảo vệ không cho quân bảo an cướp phá và đưa thêm lực lượng công khai đến tiếp giữ. Sau khi Cần Thơ được giải phóng, một đại đội của trung đoàn 101 từ Cần Thơ tiến lên hỗ trợ Long Xuyên đánh tan các tuyến phòng ngự của quân bảo an, buộc chúng phải rút chạy về huyện Chợ Mới và tử thủ tại Tây An Cổ Tự. Đến chiều 2/5/1975, nhiều địa phương trong tỉnh An Giang đã được giải phóng.
Tại Chợ Mới, ta cho quân tiếp thu quận lỵ, đồng thời một tiểu đoàn được giao nhiệm vụ bao vây Tây An Cổ Tự. Chiều 3/5, lực lượng Quân khu 8 chi viện lần lượt đánh chiếm tuyến Long Điền - Bà Vệ, kêu gọi "Bảo an quân Hòa Hảo" đầu hàng. Đến đêm 3/5, sau khi Quận trưởng đầu hàng, ta lập tức tiếp thu quận lỵ và xã Long Điền A. Tại Tây An Cổ Tự, ta vừa bao vây, vừa kêu gọi đầu hàng và vận động gia đình quân bảo an vận động con em mình trở về. Kết quả, đến ngày 4/5, hơn 1.500 quân bảo an ra hàng, nhưng vẫn còn trên 3.000 tên bị bọn đầu sỏ khống chế tiếp tục tử thủ. Ngày 6/5, Quân khu 8 cho pháo binh bắn vào trung tâm địch, đồng thời mở 3 mũi tấn công vào Tây An Cổ Tự. Đến 15 giờ cùng ngày, hơn 3.000 quân bảo an còn lại kéo cờ trắng ra hàng. Ta thu hơn 40.000 súng các loại, 35 tàu chiến, 1 máy bay trực thăng, 33 xe quân sự, 40.000 giạ gạo và nhiều quân trang, quân dụng khác.
Từ "Cù lao Ông Chưởng" đến "Cù lao Xoài"
Sau ngày thống nhất, hòa mình cùng sự phát triển chung của đất nước, 45 năm qua, Đảng bộ, quân và dân huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, đã nỗ lực rất lớn để đưa kinh tế - xã hội của huyện phát triển, trở thành địa phương đi đầu của cả tỉnh An Giang và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ.
Thành tựu rực rỡ nhất là sau hơn 45 năm giải phóng, Chợ Mới từ một vùng chuyên canh lúa đã trở thành vùng chuyên canh rau màu và cây ăn trái lớn nhất của tỉnh An Giang. Huyện Chợ Mới trước đây được gọi là “Cù lao Ông Chưởng” nhưng bây giờ người ta gọi là "Cù lao Xoài".
"Nông dân Chợ Mới hôm nay đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang lập vườn cây ăn trái chuyên canh, chủ yếu là trồng xoài xuất khẩu"- ông Năm Quang tự hào kể.
Theo ông Năm Quang, sau chiến tranh, huyện Chợ Mới bắt tay xây dựng lại quê hương. Là huyện cù lao, được bao quanh bởi sông Tiền và sông Hậu, Chợ Mới tận dụng lợi thế của vùng đất giàu phù sa bồi đắp, đất đai xanh tốt tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, vì trước đó Chợ Mới nằm trong vùng kìm kẹp gắt gao của chế độ Sài Gòn, nên việc tiếp quản chính quyền tại huyện Chợ Mới sau giải phóng gặp không ít khó khăn. Số lượng đảng viên của huyện Chợ Mới lúc bấy giờ, tính cả lực lượng tăng cường từ Đồng tháp về, chưa quá 100 đảng viên, cùng một lúc phải giải quyết 4 vấn đề có tính mấu chốt trong thời điểm mà người dân vẫn còn hoang mang vào chính quyền mới. Đó là tập trung ổn định tư tưởng trong nhân dân; truy quét tàn quân; giải quyết nạn đói, phát động nông dân làm nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa ngắn ngày, sản xuất các loại rau màu…; xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Nhờ kết hợp nhuần nhuyễn và song song 4 nhiệm vụ, giải pháp trên mà qua từng năm, Chợ Mới lại có nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ngày một nâng lên. Đến năm 2019, tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện Chợ Mới đạt hơn 22 nghìn tấn, tổng mức bán lẻ hàng hóa hơn 478 tỉ đồng. Riêng chương trình xây dựng nông thôn mới, qua 10 năm thực hiện của huyện đạt 4 trong số 9 tiêu chí nông thôn mới, đạt 7 trong số 14 chỉ tiêu huyện nông thôn mới. Bình quân các xã đạt 16 trong số 19 tiêu chí, 46 trong số 49 chỉ tiêu nông thôn mới, có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Long Ðiền A, Long Ðiền B, Kiến Thành, Mỹ Hiệp, Hòa An, Tấn Mỹ, Long Kiến và Bình Phước Xuân. Dự kiến, huyện Chợ Mới sẽ hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2023.
Ông Lưu Minh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới cho biết, toàn huyện có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 24 nghìn ha, trước đây chủ yếu là trồng lúa. Thực hiện chủ trương về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều diện tích lúa kém hiệu quả nhường chỗ cho cây ăn trái và cây hoa màu có giá trị kinh tế cao. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã chuyển đổi hơn 7.600 ha đất lúa sang trồng rau màu, cây ăn trái... Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả như hệ thống thủy lợi công nghệ cao, tưới nhỏ giọt cho 540 ha cây xoài và 80 ha rau màu, tổng kinh phí đầu tư hơn 41 tỉ đồng. Trong đó, 438 ha xoài được chứng nhận VietGAP đã xuất khẩu sang các thị trường như: Úc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... Lợi nhuận từ trồng cây ăn trái và hoa màu gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa.
Chia sẻ về những định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện Chợ Mới trong thời gian tới, ông Võ Nguyên Nam, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới cho biết, thời gian qua, cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch đúng hướng; hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện theo tiêu chí nông thôn mới đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt hơn 320 triệu đồng/ha/năm.
Theo Bí thư Huyện ủy Chợ Mới, trong tương lai, để nông nghiệp thực sự là nền tảng cho phát triển kinh tế, huyện đã và đang tạo mọi cơ chế, chính sách kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị nông sản chủ lực của địa phương; đồng thời sản xuất theo hướng liên kết giữa doanh nghiệp và người dân, tạo đầu ra sản phẩm ổn định, bền vững.