Nguyên nhân Nga ngừng hỗ trợ đồng ruble

Trang mạng Nga cho rằng từ quan điểm thực tế, đồng ruble nay đã không còn được hỗ trợ. Ngân hàng Trung ương Nga từ lâu đã muốn giảm bớt hỗ trợ tỷ giá hối đoái, và vài ngày trước điều này đã được chính thức công bố.

Tỷ giá hối đoái niêm yết ngoài một quầy đổi tiền ở Moskva.


Kể từ 5/11, Ngân hàng Trung ương Nga giới hạn khối lượng giao dịch trên thị trường ngoại hối chỉ còn 350 triệu USD/ngày. Con số này quá ít ỏi nếu so với lượng tiền Ngân hàng Trung ương này đã tung ra trong tuần qua, đó là chưa kể hàng chục tỷ USD chi từ đầu năm trước sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga.

Động thái bán ra dự trữ ngoại tệ và tăng lãi suất đã không thể ngăn đồng ruble mất giá. Điện Kremlin có lẽ không hài lòng với kết quả này khi trong các đồng tiền trên thế giới năm nay, chỉ có đồng hryvnia của Ukraine và đồng cedi của Ghana giảm giá mạnh hơn đồng ruble Nga khi so với USD. Sự mất giá của đồng ruble cho thấy Nga ngày càng bị cô lập do các biện pháp trừng phạt của phương Tây và ngân sách Nga bị giảm mạnh do dầu rớt giá.

Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố có thể tiếp tục can thiệp mạnh mẽ trong trường hợp thị trường tài chính Nga gặp rủi ro, tuy nhiên thị trường vẫn không ấn tượng với tuyên bố này. Trong ngày 7/11, đồng ruble tiếp tục trượt giá tới kỷ lục mới và có lúc trên thị trường chợ đen, tỷ giá đã vượt quá ngưỡng 50 ruble/USD sau đó điều chỉnh lại ở mức hơn 46 ruble/USD. Tính từ đầu năm nay, đồng tiền Nga đã mất giá 46% so với USD. Hai nguyên nhân Ngân hàng Trung ương Nga ngừng can thiệp nâng đỡ tỷ giá hối đoái là:
 
Một là, chống lại tình trạng chảy máu vốn. Nga cần bảo vệ dự trữ vàng và ngoại tệ của mình. Dự trữ ngoại tệ 400 tỷ USD là khá lớn tuy nhiên nước này cần một lớp đệm để chống lại tình trạng vốn chảy máu vốn. Thay vì phung phí dự trữ ngoại hối để duy trì tỷ giá hối đoái, Ngân hàng Trung ương Nga muốn duy trì tỷ giá này sao cho có thể ngăn chặn một lượng lớn tài sản bằng đồng ruble chảy ra nước ngoài - tình trạng mà theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể lên tới 100 tỷ USD trong năm nay và ở mức cao trong năm tiếp theo.
 
Hai là, giảm tác động của giá dầu. Ngân sách Nga được hình thành dựa trên giá dầu Brent ở mức 100 USD/thùng. Giá dầu hiện này dao động trong khoảng 84 USD/thùng. Tuy nhiên nếu quy giá dầu theo ruble, chúng ta có thể thấy hiện Nga thu về từ mỗi thùng dầu (84 USD/thùng với tỷ giá khoảng 45 ruble/USD), không khác gì so với mức giá hồi đầu năm (110 USD/thùng với tỷ giá 33 ruble/USD).


Duy Trinh (P/v TTXVN tại Nga)
Đồng ruble rớt giá có khiến dân Nga hoảng loạn?
Đồng ruble rớt giá có khiến dân Nga hoảng loạn?

Đồng ruble sụt giảm ngoài sức tưởng tượng đang khiến các chuyên gia lo ngại sẽ kéo theo một làn sóng hoảng loạn trong dân chúng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN