Nguy cơ thừa thép ngày càng trầm trọng

Sản lượng thép xây dựng trong nước đang dư thừa và từ nay đến cuối năm 2011 lượng dư thừa tiếp tục gia tăng khi có nhiều dự án thép mới đi vào hoạt động. Khi cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng khốc liệt hơn, xuất khẩu thép được coi là giải pháp khả thi nhất. Đề xuất của Bộ Tài chính về tăng thuế xuất khẩu phôi và các sản phẩm thép được Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, không những gây khó khăn cho doanh nghiệp thép trong nước, mà còn làm nản lòng các nhà đầu tư.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết: Đến nay, tổng công suất sản xuất thép xây dựng (thép thanh, thép cuộn, thép hình cỡ nhỏ) cả nước đã đạt 8,99 triệu tấn/năm, trong khi tổng tiêu thụ chỉ dừng ở mức 6,32 triệu tấn, dư thừa 2,67 triệu tấn. Tình trạng dư thừa đã được VSA cảnh báo từ khi quy hoạch phát triển ngành thép được thông qua năm 2007. Dư thừa sản lượng thép xây dựng sẽ không chỉ dừng lại ở con số 2,67 triệu tấn mà tiếp tục gia tăng.

Cung đã vượt cầu

Trong tháng 6/2011 sẽ có thêm một số dự án đi vào sản xuất với tổng công suất hơn 2 triệu tấn/năm. Đó là những dự án: Công ty cổ phần Thép Việt với công suất sản xuất thép thanh, thép cuộn 500.000 tấn/năm; Công ty thép Thái Trung (Thái Nguyên) với sản phẩm thép cuộn, thép cây, công suất 500.000 tấn/năm; Công ty Thép miền Trung (Đà Nẵng), công suất 250.000 tấn/năm thép cuộn, thép cây; Tập đoàn Hoa Sen sản xuất thép cuộn cán nguội (thép tấm, thép lá) công suất 200.000 tấn/năm; Công ty thép Thái Bình Dương (Đà Nẵng), chuyên sản xuất thép cuộn, thép cây có công suất 250.000 tấn/năm; Công ty TNHH thép An Hưng Tường (Bình Dương) công suất 250.000 tấn/năm, sản xuất thép cuộn, thép thanh; Công ty TNHH thép Đồng Tiến sản xuất thép thanh, công suất 150.000 tấn/năm.

Vận chuyển phôi thép cung cấp cho lò nung. Ảnh: Hà Thái - TTXVN


Theo VSA, chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2011, tổng sản lượng thép xây dựng của cả nước đạt 2,21 triệu tấn, tăng 14%, trong khi tổng mức tiêu thụ ước đạt 2,14 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2010. Chưa kể mức tồn kho thành phẩm tháng 5 vào khoảng 320.000 tấn, phôi thép chuẩn bị cho sản xuất tháng 6 là 520.000 tấn. Như vậy, nguồn cung hiện tại đã vượt xa so với nhu cầu, dù các nhà máy thép mới chỉ vận hành với 50 - 60% công suất thiết kế. Cùng với đó, Chính phủ đang tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, trong đó có biện pháp cắt giảm đầu tư công, đình chỉ một số dự án đầu tư không hiệu quả khiến tình trạng dư thừa thép càng lớn hơn. Trong bối cảnh đó, xuất khẩu thép là giải pháp khả thi nhất mà các doanh nghiệp thép đã và đang tính tới.

Chủ tịch VSA Phạm Chí Cường cho hay, năm 2010, ngành thép đã rất thành công khi xuất khẩu đạt mức kỷ lục với 1,3 triệu tấn sắt thép các loại, thu về khoảng 1,3 tỷ USD, tăng 162,92% về lượng và tăng 174,18% về trị giá so với năm 2009. Tuy nhiên, con số này còn nhỏ so với 7,1 tỷ USD nhập khẩu thép và các sản phẩm liên quan đến thép. Điều đáng nói là Việt Nam mới chỉ xuất khẩu một vài sản phẩm thép, trong đó thép xây dựng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Do đó, hướng đi hiệu quả nhất hiện nay là phải tăng cường xuất khẩu thành phẩm, việc này không những “giải phóng” lượng hàng tồn trong các nhà máy, mà còn cải thiện chênh lệch xuất nhập khẩu của ngành thép.

“Nâng đỡ” về thuế

Tuy nhiên, mới đây Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đã đề xuất tăng thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng, trong đó có thép xây dựng lên 1,3 - 2%, phôi thép 3% với lý do để điều tiết lợi nhuận của các doanh nghiệp thu được nhờ lợi thế giá thấp của một số yếu tố đầu vào, trong đó có việc được hưởng lợi từ giá điện thấp khoảng 10 - 15 USD/tấn. Chủ tịch VSA Phạm Chí Cường khẳng định, trong sản xuất thép, điện chỉ chiếm khoảng 6% chi phí giá thành. Vì thế lãi trong sản xuất và xuất khẩu không hoàn toàn do giá điện thấp mang lại kể cả khi đã tính đủ giá điện do EVN đề nghị. Trong các sản phẩm thép, tiêu hao điện lớn nhất là sản xuất phôi (600 kWh/tấn), còn các sản phẩm khác, chỉ tiêu hao 100 - 120 kWh/tấn. Mặt khác, các mặt hàng này chưa thuộc diện phải nộp thuế xuất khẩu. Nhiều nước xuất khẩu thép đang áp dụng biện pháp trợ giá cho sản phẩm thép xuất khẩu. Các nước trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc đều áp dụng các chính sách hỗ trợ xuất khẩu (như thoái thu thuế VAT tới 9%, thoái thu thuế xuất khẩu của Trung Quốc). Nếu Việt Nam đánh thuế vào sản phẩm thép xuất khẩu sẽ làm cho xuất khẩu thép giảm, dư thừa thép càng thêm trầm trọng.

“Thực tế, sản phẩm thép Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt về giá với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và Ôxtrâylia. Những quốc gia này xuất khẩu sắt thép với sản lượng rất lớn, lại được ưu đãi về thuế, nên khi ra thị trường thế giới, giá sản phẩm rất cạnh tranh. Trong khi, Việt Nam xuất khẩu với số lượng nhỏ, lại chưa được hỗ trợ về thuế, nên khả năng cạnh tranh chưa cao. Với sản lượng dư thừa thép như hiện nay, doanh nghiệp tìm được thị trường xuất khẩu là điều cần khuyến khích. Do đó, đề xuất tăng thuế xuất khẩu cần được xem xét trong bối cảnh ngành thép vẫn đang khó khăn như hiện nay”, Chủ tịch VSA Phạm Chí Cường nhấn mạnh.

Văn Xuyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN