Nguy cơ mua phải mỹ phẩm giả trôi nổi trên mạng

Theo dự báo, những tháng cuối năm là thời điểm diễn biến phức tạp của hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng giả, hàng nhập lậu, trong đó có mỹ phẩm giả. Nhiều người mua mỹ phẩm qua mạng đã nhận “trái đắng” khi gặp phải hàng kém chất lượng.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa vi phạm tại Lạng Sơn ngày 8/9. Ảnh: QLTT.

Mỹ phẩm giả, công nghệ “xô chậu”

Thấy trên trang Facebook của một shop bán đồ mỹ phẩm có lượng người theo dõi lớn rao bán nước hoa Chanel 50ml giá gần 500.000 đồng với lời chào bán rất hấp dẫn: “Sale sốc tri ân khách hàng nhân sinh nhật 2 năm của shop”, chị Hiền (Hoàng Mai, Hà Nội) đã đặt mua một lọ. Sau khi nhận hàng và dùng thử chị Hiền mới “ngã ngửa”, nước hoa toàn mùi hóa chất, không hề giống với mùi lọ nước hoa cùng loại chị đang dùng.

“Thấy giá bán quá chênh nhau, trong khi giá gốc mấy triệu mà shop bán chưa đến 500.000 đồng thì tôi cũng hơi hoài nghi, nhưng nghĩ là “tri ân” khách hàng nhân sinh nhật nên tôi mới mua. Sau khi xịt thử 1 lần thì tôi bỏ đi luôn”, chị Hiền cho hay.

Cũng giống như chị Hiền, chị Nguyễn Thu (Phú Thọ) cho biết, chị đã đặt một liệu trình sản phẩm bôi giảm cân kèm theo đai nịt bụng của một shop trên sàn thương mại điện tử. Sau 1 tuần, nhân viên giao hàng đến, tuy nhiên khi mở sản phẩm ra thì chị thấy ngày chị nhận được hàng cũng đúng là ngày hết hạn của sản phẩm. Chị yêu cầu hoàn tiền và trả lại hàng trên sàn thương mại điện tử và gọi điện cho chủ shop phản ánh, tuy nhiên chị không nhận được phản hồi gì từ phía sàn thương mại điện tử cũng như người bán. “Cuối cùng tôi đành chấp nhận mất tiền oan, dù số tiền không lớn, vài trăm nghìn nhưng cũng cảm thấy rất bực mình”, chị Thu cho biết.

Thực tế, thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước đã bắt giữ nhiều mặt hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí có cả những loại mỹ phẩm sử dụng công nghệ “xô chậu”, pha chế thủ công bằng nhiều loại hóa chất trôi nổi. 

Cụ thể, mới đây, Đội QLTT số 11 thuộc Cục quản lý thị trường Hà Nội phối hợp Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Thanh Oai ập vào cơ sở sản xuất tại thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai (Hà Nội) và phát hiện nhiều công nhân đang sang chiết, dán nhãn các sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa mang thương hiệu nước ngoài.

Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện số lượng lớn vỏ hộp, tem nhãn thể hiện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm ở Hàn Quốc, Pháp...Đáng chú ý, các sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa được pha chế thủ công tại cơ sở bằng rất nhiều loại hoá chất trôi nổi khác nhau và được đựng trong các xô, chậu. 

Hay vào ngày 8/9 vừa qua Đội QLTT số 2 đã phát hiện, tạm giữ hơn 2.024 sản phẩm mỹ phẩm có dấu hiệu nhập lậu chứa trong 2 thùng carton tập kết trên lề đường trước số nhà 02 đường Nguyễn Đức Tịnh, phường Xuân Phú, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp Vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho biết, trong những năm gần đây quảng cáo, bán mỹ phẩm trên thương mại điện tử, internet, mạng xã hội, các ứng dụng trực tuyến... ngày càng phổ biến. Đây là môi trường thuận lợi để các đối tượng vi phạm lợi dụng bán các sản phẩm mỹ phẩm giả, kém chất lượng nhằm trốn tránh kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Thời gian vừa qua các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ sản xuất, đóng gói mỹ phẩm giả trong nước (tự pha chế nguyên liệu, đóng gói, dán nhãn,…), mỹ phẩm nhập lậu. Mỹ phẩm giả có nguồn gốc nước ngoài cũng có xu hướng gia tăng. Có những cơ sở vi phạm có đầy đủ các dụng cụ, máy móc pha chế, đóng gói, dán nhãn để sản xuất hàng giả.

Khó khăn kiểm soát vi phạm trên môi trường điện tử

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp Vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho biết, do điều kiện kinh doanh không khắt khe như đối với thực phẩm, dược phẩm nên đối tượng kinh doanh mỹ phẩm rất đa dạng, đặc biệt ngày càng nhiều các cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ lẻ tham gia kinh doanh, buôn bán mỹ phẩm thông qua nhiều loại hình phân phối khác nhau, nổi bật là trên môi trường mạng internet.

Hiện nay, khó khăn chủ yếu trong công tác ngăn chặn các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc là công tác giám sát, kiểm tra, xử lý mỹ phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên môi trường thương mại điện tử.

Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát, lực lượng QLTT gặp rất nhiều khó khăn do thiếu các công cụ hiệu quả để giám sát, theo dõi giao dịch cũng như truy xuất các đối tượng giao dịch, địa điểm kinh doanh, địa điểm cất giữ hàng hóa. Hơn nữa, nhiều cơ sở kinh doanh thương mại lại là các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, hộ gia đình, cá nhân nên khó kiểm soát, giám sát, theo dõi. Các đối tượng thường đăng bán hàng không đầy đủ thông tin, mập mờ thông tin hoặc đăng bán hàng thật nhưng khi giao hàng cho khách hàng lại không giống như hàng quảng cáo.

“Mua mỹ phẩm giả, người tiêu dùng vừa mất tiền vừa bị ảnh hưởng tới sức khỏe là tất yếu. Vì vậy, người tiêu dùng nên mua mỹ phẩm của những cơ sở có uy tín, thân quen, không nên mua mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm uy tín thường có hệ thống phân phối riêng, vì vậy rủi ro hàng giả, kém chất lượng sẽ thấp hơn nhiều so với các kênh phân phối ngoài hệ thống”, Ông Nguyễn Đức Lê lưu ý.

Cùng với đó, người tiêu dùng cần lưu ý các thông tin trên bao bì, nhãn hàng hóa, hạn sử dụng, địa chỉ nơi sản xuất, công bố chất lượng. Người tiêu dùng cũng nên cảnh giác với các sản phẩm giá rẻ bất thường, các sản phẩm giá quá rẻ so với thị trường có thể tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm chất lượng, hàng giả,... Khi phát hiện các sai phạm, người tiêu dùng cần phản ánh kịp thời khi phát hiện các hành vi vi phạm trong kinh doanh mỹ phẩm cho các cơ quan chức năng như QLTT, y tế, công an… để được xử lý cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình kịp thời.

Từ năm 2019 đến nay, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo triển khai kế hoạch chuyên đề đấu tranh phòng chống hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó mặt hàng mỹ phẩm là một trong những mặt hàng trọng điểm (Kế hoạch 3972 và Kế hoạch 888). Kế hoạch chuyên đề tập trung vào tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các loại hình kinh doanh truyền thống và trên môi trường thương mại điện tử.

Chuyên đề được triển khai theo lộ trình đến năm 2025 tập trung thực hiện đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, ký cam kết, kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm hướng đến đạt được các mục tiêu ngăn chặn triệt để các hành vi kinh doanh, bày bán công khai hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường truyền thống cũng như trên môi trường thương mại điện tử.

Để ngăn chặn tình trạng kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm giả, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Theo đó, việc buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt từ 50 - 70 triệu đồng nếu hàng giả có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50 triệu đồng trở lên mà chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cũng theo luật, nếu là mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm thì mức phạt sẽ tăng gấp đôi. Như vậy, người bán mỹ phẩm giả có thể bị xử phạt lên đến 100 - 140 triệu đồng.
Thu Trang/Báo Tin tức
Hà Nội: Triệt phá kho hàng 'khủng' nghi sản xuất mỹ phẩm giả
Hà Nội: Triệt phá kho hàng 'khủng' nghi sản xuất mỹ phẩm giả

Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 11 (Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội) phối hợp với Công an huyện Thanh Oai vừa phát hiện và triệt phá kho hàng “khủng” có dấu hiệu sản xuất, tiêu thụ mỹ phẩm giả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN