Nguy cơ mất an toàn các công trình hồ, đập trong mùa mưa lũ tại Phú Thọ

Phú Thọ là tỉnh có hệ thống hồ đập khá lớn. Không chỉ phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, các công trình hồ đập còn đóng vai trò quan trọng, mang tính chiến lược lâu dài trong việc đảm bảo tưới tiêu, thoát lũ và góp phần phát triển ngành du lịch, dịch vụ.

Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các công trình đã xây dựng lâu năm nên không đồng bộ từ đầu mối đến hệ thống kênh mương, một số công trình hư hỏng nhưng chưa được sửa chữa, nâng cấp, ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa, hạn chế chức năng tưới, tiêu...

Phần lớn các hồ, đập xuống cấp

Địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có 230 hồ, 135 đập có dung tích từ 50 nghìn m3 trở lên. Trong đó, 93 hồ, đập hư hỏng đang có nguy cơ gây mất an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ sắp tới. Hiện nay, phần lớn các hồ, đập đã xuống cấp, thiết bị lạc hậu, không đảm bảo năng lực tưới, tiêu theo thiết kế, không đảm bảo tiêu thoát khi có mưa lớn. 

Đặc biệt, các hồ đang có nguy cơ gây mất an toàn là hồ Tải Giang, Đá Mài, Khoang Tải (huyện Thanh Sơn); Suối Rồng, Phượng Mao (huyện Thanh Thủy); Trầm Sắt (huyện Thanh Ba); Suối Đẫu (Đoan Hùng), hồ Dộc Giang, hồ Kén (huyện Yên Lập), hồ Đá Trắng, hồ Đát Đội, hồ Khán Thanh (huyện Cẩm Khê)… Các hồ, đập này có dung tích từ trên 425 nghìn m3 đến 1,6 triệu m3 nước cung cấp nước tưới cho hàng nghìn ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện các hồ trên có hiện tượng mái đập đất hạ lưu vị trí cống đang bị sụt lún tạo thành hố sâu; khớp nối cống lấy nước dưới đập bị hở, không đóng được van hạ lưu để tích nước; có hồ bị sụt lún thành hố sâu; mặt đỉnh đập bằng bê tông xuất hiện vết nứt, chân mái hạ lưu bị dầm thấm, có vị trí nước chảy tập trung…

Ông Đinh Văn Trọng, nhà cạnh đập hồ Tải Giang, huyện Thanh Sơn chia sẻ: “Hồ xây dựng đã lâu. Cứ mỗi lần mưa to, chúng tôi lại lo nước trong đập tràn ra ngoài gây ngập úng lúa, hoa màu, thủy sản, ảnh hướng đến năng suất, kinh tế và đời sống của nông dân trong vùng”.

Còn công trình hồ Phượng Mao, huyện Thanh Thủy có dung tích gần 11 triệu 620 m3, phục vụ tưới cho 1.200ha/năm đang bị thấm nước, mặt đỉnh đập bằng bê tông xuất hiện vết nứt, thẩm lậu, rò rỉ, chân mái hạ lưu thấm nước, có vị trí chảy tập trung... Nếu mưa lớn, mái đập sạt có thể gây vỡ đập, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân quanh vùng.  

Ông Lâm Việt Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Phú Thọ cho biết, hệ thống các hồ phân tán trên địa bàn rộng. Đặc thù của tỉnh là nằm ở vị trí hạ lưu các tỉnh miền núi phía Bắc nên mỗi khi có lũ ống, lũ quét, hầu hết các huyện miền núi thường phải chịu ảnh hưởng nặng do thiên tai gây ra như: Thanh Sơn, Tân Sơn, Hạ Hòa… Về năng lực chống lũ, hầu hết các hồ chứa nhỏ đều được xây dựng từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc khảo sát, thiết kế và thi công còn hạn chế. Đến nay, phần lớn các hồ đập đã bị xuống cấp. Hàng năm, ngành nông nghiệp có rà soát để đầu tư nâng cấp. Tuy nhiên, nguồn kinh phí còn hạn chế dẫn đến việc tu sửa gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, nhiều công trình giao cho các hợp tác xã làm dịch vụ thủy lợi tại các địa phương và năng lực quản lý còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được quy định về năng lực tối thiểu đối với các tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa. Ngoài ra, tình trạng vi phạm hành lang an toàn công trình thuỷ lợi vẫn xảy ra ở một số nơi như trồng cây cối, lấn chiếm hành lang công trình dẫn đến các sự cố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hồ đập khó phát hiện; tình trạng  xả rác thải xuống công trình gây ách tắc dòng chảy vẫn xảy ra... 

Cùng với đó, do thiếu kinh phí nên các công trình chưa được xây dựng hoàn chỉnh, thiết bị lạc hậu, chắp vá. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh chưa có công trình hồ chứa nào được lắp đặt các thiết bị quan trắc và đo đạc các số liệu khí tượng thủy văn. Việc quan trắc mực nước hồ chứa hàng ngày và theo dõi diễn biến về thấm, rò rỉ nước trong thân đập chủ yếu bằng mắt thường. Điều này dẫn đến việc kiểm soát, theo dõi mực nước tại các hồ chứa không chính xác.

Đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa lũ

Trước thực trạng trên, trước khi bước vào mùa mưa lũ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn; xác định rõ những công trình có nguy cơ mất an toàn nhằm kịp thời sửa chữa, khắc phục, đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa lũ. Đồng thời, Sở xây dựng phương án phòng chống lũ lụt, ứng phó với sự cố vỡ hồ, đập có thể xảy ra và tăng cường lực lượng tuần tra, canh gác ở các công trình trọng điểm, nguy cơ mất an toàn cao. Trong năm nay, từ các nguồn vốn, tỉnh đã bố trí để tu sửa và chuẩn bị tu sửa 31/93 hồ chứa hư hỏng, đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn.

Đối với các công trình chưa kịp sửa chữa, Sở sẽ bố trí cán bộ có năng lực để chỉ huy, đồng thời chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, đảm bảo ứng cứu kịp thời; xây dựng phương án điều tiết nước hồ chứa hợp lý trên cơ sở dự báo khí tượng, thủy văn và tình hình thực tế để đảm bảo an toàn cho công trình, dân cư vùng hạ du. Các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa thực hiện theo đúng quy trình đã được duyệt; đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo cho nhân dân chủ động phương án phòng ngừa các tình huống xấu có thể xảy ra. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những giải pháp mang tính tình thế, ứng phó, xử lý trước mắt; về lâu dài cần có giải pháp căn cơ để đảm bảo an toàn hồ đập phục vụ sản xuất, xã hội, dân sinh.

Ông Trần Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ cho biết, để ứng phó thiên tai phục vụ sản xuất, về lâu dài cần tổ chức khảo sát, đánh giá đúng thực trạng các hồ chứa nước một cách tổng thể (đập chính, đập phụ, cống lấy nước dưới đập, hệ thống tràn xả lũ) và các công trình liên quan (đường quản lý, hệ thống quan trắc, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống điện, hệ thống kênh dẫn, các công trình trên kênh, hệ thống thủy lợi trong khu tưới và cả vùng hạ du trong phạm vi hưởng lợi). Trên cơ sở đó, xác định thứ tự công trình, hạng mục công trình cần ưu tiên nguồn lực để nâng cấp, sửa chữa. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND tỉnh, Tổng cục Thủy lợi tăng kinh phí đầu tư cho các công trình thủy lợi. Đồng thời, tiến hành rà soát, đánh giá năng lực tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi;  thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương, đơn vị thường xuyên kiểm tra, nắm chắc hiện trạng công trình và xác định các khu vực trọng điểm xung yếu của đê điều, hồ đập để xây dựng phương án ứng phó kịp thời sát với tình hình thực tế của địa phương. Ngoài những khu vực trọng điểm mất an toàn, các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát điểm xung yếu khác, từ đó chủ động các phương án phòng, chống khi có sự cố xảy ra.

Trung Kiên (TTXVN)
Khẩn cấp xử lý sự cố sạt lở kè đảm bảo an toàn mùa mưa lũ
Khẩn cấp xử lý sự cố sạt lở kè đảm bảo an toàn mùa mưa lũ

Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, Hà Nội đã công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở kè tại nhiều địa phương trên địa bàn, gây mất an toàn cho nhiều công trình và yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương lên phương án, biện pháp xử lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN