Sản lượng thịt các loại đều tăng
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong năm 2018, chăn nuôi trâu, bò nhìn chung ổn định, nuôi gia cầm đạt khá, chăn nuôi lợn được phục hồi do giá bán tăng, người chăn nuôi có động lực để quay lại đầu tư tăng đàn.
Tính đến tháng 12/2018, đàn bò cả nước tăng 2,7%, đàn lợn tăng 3,2%, đàn gia cầm tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng thịt hơi các loại đạt khá, trong đó sản lượng thịt trâu đạt 92.000 tấn, tăng 4,7% so với năm trước. Sản lượng thịt bò đạt 334.000 tấn, tăng 4%. Sản lượng thịt lợn đạt 3,8 triệu tấn, tăng 2,2%. Thịt gia cầm đạt 1,1 triệu tấn, tăng 6,4%.
Tính tới đầu tháng 1/2019, giá lợn hơi trong nước có xu hướng giảm. Tại miền Bắc, giá lợn hơi giảm 1.000 - 3.000 đ/kg so với tháng trước, dao động trong khoảng 42.000 – 44.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại khu vực miền Trung cũng biến động giảm với mức giảm 2.000 – 3.000 đồng/kg, dao động từ 48.000 – 50.000 đồng/kg.
Khu vực miền Nam đang có giá lợn hơi tốt nhất cả nước khi giao dịch trong khoảng 48.000 – 54.000 đồng/kg, trong đó chỉ có Trà Vinh ghi nhận giá giảm 1.000 đồng/kg xuống còn 51.000 đồng/kg, các địa phương khác giá không đổi. Nhìn chung trong cả năm 2018, giá lợn hơi biến động tăng trong 9 tháng đầu năm và giảm trong 3 tháng cuối năm.
Dự báo thị trường thịt lợn trong thời gian sắp Tết, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)cho biết, nhu cầu tiêu thụ thịt thường tăng cao khoảng 25% vào dịp Tết, đặc biệt là thịt lợn. Nếu kiểm soát tốt dịch bệnh và thời tiết không bất thường, thì nguồn cung thịt lợn sẽ dồi dào vào dịp cuối năm.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, thời gian tới vẫn sẽ diễn biến có lợi đối với người chăn nuôi do nhu cầu tiêu dùng dịp lễ Tết tăng. Tuy nhiên, cần lưu ý là mức giá trên tuy đã giảm song vẫn được đánh giá là cao so với nhiều nước trong khu vực. Điều này sẽ gây bất lợi cho thị thường thịt lợn thương phẩm trong nước. Vì giá thịt lợn nhập khẩu đang thấp hơn, đồng thời nếu giá thịt lợn quá cao người tiêu dùng sẽ chuyển sang các nguồn protein khác.
Bên cạnh đó, với sự kiện Nhà máy Biển Đông và Tổ hợp chế biến thịt MNS Meat Hà Nam theo công nghệ thịt mát từ châu Âu được khánh thành trong quý IV/2018 vừa qua. Dự báo năm 2019, sản phẩm thịt lợn của Việt Nam có nhiều khả năng xuất khẩu chính ngạch thành công sang các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước.
Thời tiết thuận lợi cho rau xanh phát triển
Theo Cục Trồng trọt, miền Bắc vừa trải qua vài đợt rét đậm nên thời tiết vụ đông năm nay rất thuận lợi cho cây rau phát triển.
Ông Nguyễn Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, diện tích trồng rau năm nay khoảng 390.000 ha, tương đương năm ngoái. Từ nay đến Tết, nếu thời tiết không bất thường thì nguồn cung rau năm nay rất dồi dào, không lo giá tăng.
Hơn nữa, các tỉnh như: Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam… đều có các vùng chuyên canh rau, nên người dân đã có kinh nghiệm trồng rau. Khâu giống cũng được chuẩn bị tốt hơn.
Ngoài diện tích rau của người dân trồng, năm nay có thêm một vài tập đoàn tham gia vào nông nghiệp, trồng rau. Ông Nguyễn Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nêu ví dụ: Tập đoàn Vingroup có diện tích trồng rau khá lớn. Hơn nữa, họ còn liên kết với người dân để tổ chức trồng rau theo tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực tế, nguồn rau từ các doanh nghiệp lớn cũng đang chiếm một phần nhất định trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Huy Cường, việc liên kết trồng rau giữa người nông dân và các doanh nghiệp có kinh nghiệm, có kỹ thuật, có thị trường… cũng đang là hướng đi được Bộ Nông nghiệp khuyến khích. Vì việc liên kết này sẽ tạo ra các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, giúp nông dân có đầu ra và thu nhập ổn định. Thị trường ít biến động.