Người tiêu dùng Mỹ Latinh hưởng lợi từ giá dầu giảm

Giá dầu rơi tự do trên thị trường thế giới gây lo ngại cho chính phủ các nước xuất khẩu nhiên liệu tại Mỹ Latinh như Venezuela, Mexico, Brazil, Ecuador và Colombia, nhưng lại đem niềm vui cho người dân tại nhiều nước tại khu vực này.

 

Do giá dầu xuất khẩu giảm sâu, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro thông báo sẽ cắt một số khoản trong ngân sách quốc gia trong năm tới và xem xét giảm lương của công chức, kể cả lương của người đứng đầu chính phủ.

 

Trong khi đó, Tổng thống Ecuador Rafael Correa cảnh báo thời kỳ khó khăn đang đến do giá dầu lao dốc. Ông cũng thừa nhận chính phủ phải tính đến việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư, kể cả tại các dự án thủy điện quy mô lớn.

 

Bộ trưởng kinh tế Axel Kicillof (phải) và Bộ trưởng kế hoạch Julio De Vido thông báo quyết định giảm giá nhiên liệu tại Argentina. Ảnh: Télam.


Venezuela, nước sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới và lệ thuộc vào xuất khẩu sản phẩm này, cùng Ecuador là hai thành viên tại châu Mỹ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

 

Về phần mình, chính phủ Colombia phải giảm dự kiến giá dầu trong năm tới ở mức 48 USD/thùng, thay vì mức 98 USD đưa ra trước đó. Do giá dầu tụt dốc không phanh, Bogotá phải tăng 500 triệu USD trái phiếu phát hành trong năm 2015, và nâng dự báo mức thâm hụt ngân sách từ 2,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 2,8% GDP.

 

Tuy nhiên, xét góc độ người tiêu dùng, giá dầu giảm lại là một tin tốt lành. Cuối tuần trước Tổng thống Paraguay Horacio Cartes thông báo giảm từ 2,6% tới 11,2% giá xăng do công ty nhà nước Petropar phân phối vì giá “vàng đen” trên thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua.

 

Trong 8 tuần vừa qua, giá nhiên liệu cũng giảm mạnh tại Chile. Điều này cho phép chỉ số tiêu dùng tại quốc gia lệ thuộc vào nhập khẩu dầu khí này không tăng trong tháng 11, và theo dự kiến sẽ giảm 0,2% trong tháng cuối cùng của năm.

 

Tại Cộng hòa Dominicana, giá xăng dầu giảm 24 tuần liên tiếp do được xem xét điều chỉnh vào thứ 6 hàng tuần. Còn tại Panama, từ đầu năm tới nay giá nhiên liệu đã sụt bình quân 25%.

 

Tương tự như vậy, giá dầu đi xuống cũng ảnh hưởng tích cực tới túi tiền của người dân tại Honduras, El Salvador, Nicaragua, Guatemala, Costa Rica, Peru, Colombia, Peru và Uruguay.

 

Tại Argentina, chính phủ vừa thông báo giá xăng dầu trong nước sẽ giảm 5% kể từ ngày 1/1 tới. Quyết định tuy muộn này nhưng được cho là “lịch sử”, vì có lẽ chưa bao giờ tại xứ sở Tango giá xăng dầu trong nước giảm mặc dù giá dầu giảm sâu tại thị trường quốc tế.

 

Trong khi đó, tại một số nước, biến động của giá dầu quốc tế không ảnh hưởng tới thị trường nội địa. Từ 6 năm nay, người dân Mexico chưa từng chứng kiến giá nhiên liệu giảm. Ngược lại chính phủ tăng giá nhằm từng bước xóa bỏ trợ cấp mặt hàng này.

 

Trong bối cảnh dầu thô rớt giá trên thị trường thế giới, không những không giảm giá, ngày 6/11 vừa qua, tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras quyết định tăng 3% giá xăng và 5% giá dầu diesel.

 

Trung bình giá xăng tại Brazil ở mức 1,00-1,15 USD/lít, và giá diesel là 0,73-0,76 USD/lít, vẫn thấp hơn nhiều so với Uruguay, nước có giá nhiên liệu đắt đỏ nhất tại Mỹ Latinh (tương ứng 1,74 USD và 1,66 USD/lít).

 

Tại Venezuela, giá nhiên liệu “đóng băng” từ hơn 14 năm qua và tiếp tục ở mức thấp nhất Mỹ Latinh (tương đương 1,1 xu đô la/lít, theo tỷ giá hối đoái chính thức). Mỗi năm chính phủ phải chi 12,6 tỷ USD để trợ giá nhiên liệu.

 

Từ cách đây khoảng một thập niên, Bolivia áp dụng chính sách đóng băng và trợ giá nhiên liệu. Theo các nhà chức trách nước này, nếu không có sự can thiệp của chính phủ, giá nhiên liệu phải cao gần gấp 3 lần giá hiện nay.

 

Tại Cuba, kinh doanh nhiên liệu cũng do nhà nước quản lý và mặt hàng này cũng được trợ giá.                

 

5 nước có giá nhiên liệu thấp nhất tại Mỹ Latinh (đơn vị tính: USD/lít):

 

Tên nước

Giá xăng phổ thông

Giá dầu diesel

  1. Venezuela

0,011

0,007

  1. Ecuador

0,39

0,34

  1. Bolivia

0,53

0,52

  1. Peru

0,59

0,56

  1. Guatemala

0,79

0,76

 

 

Quang Sơn (P/v TTXVN tại Argentina)


ADB: Châu Á có thể hưởng lợi từ giá dầu rẻ
ADB: Châu Á có thể hưởng lợi từ giá dầu rẻ

Do giá dầu và giá hàng hóa giảm nên lạm phát tại hầu hết các nền kinh tế châu Á đang phát triển cũng sẽ giảm, là một cơ hội "vàng" cho nhiều cải cách có lợi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN