Nhờ được mùa, được giá và giá nhiên liệu giảm, nên tại bến cảng, sản phẩm được tiêu thụ khá nhanh. Sau khi tiêu thụ, các chủ tàu được tư thương nhanh chóng bổ sung nhiên liệu, lương thực, thực phẩm thiết yếu để vươn khơi chuyến biển tiếp theo.
Hiệu quả từ những chuyến vươn khơi
Chủ tịch UBND xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam Phạm Văn Châu cho biết, trong chuyến câu mực dài ngày đầu tiên trong năm, bắt đầu từ giữa tháng Giêng đến nay (5/5), ngư dân xã Tam Giang trúng đậm mực khơi, nhiều tàu có doanh thu xấp xỉ 6 tỷ đồng. Câu mực khơi vừa được mùa, vừa được giá, có thu nhập cao nên cả chủ tàu và người lao động đều phấn khởi.
Hiện nay, nhờ giá nhiên liệu giảm sâu và đang vào mùa khai thác chính nên mỗi tàu câu mực sau khi cập cảng, tiêu thụ sản phẩm, các chủ tàu đều tranh thủ lấy vật tư, nhiên liệu để ra khơi chuyến tiếp theo. Câu mực khơi dài ngày ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa truyền thống đã trở thành nghề chủ lực của ngư dân địa phương.
Là một trong những tàu câu mực khơi dài ngày ở xã Tam Giang, anh Lương Văn Cam, chủ tàu câu mực mang số hiệu QNa 90039 TS ở thôn Đông An phấn khởi cho biết, ra khơi từ ngày 16 tháng Giêng, tàu câu mực của gia đình ông có tổng cộng 48 lao động. Sau hơn 3 tháng làm ăn trên biển, khai thác được 45 tấn mực khô.
Tại bến Tam Giang, sản phẩm được thu mua với giá 126 triệu đồng/tấn. Với 45 tấn mực khô đã khai thác được, tàu câu mực của gia đình ông đạt doanh thu gần 5,7 tỷ đồng. Trừ các khoản chi phí sản xuất gồm nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, chủ tàu có lãi gần 1 tỷ đồng, 47 lao động trên tàu, mỗi người có thu nhập từ 80 triệu đến 90 triệu đồng, anh Cam cho hay.
Nhờ hiệu quả kinh tế khá cao, câu mực khơi đã và đang trở thành nghề chủ lực của ngư dân xã Tam Giang. Trong chuyến vươn khơi dài ngày nay, các tàu QNa 90129 TS của ông Lương Văn Viên khai thác được 49 tấn mực khô. Tàu mang số hiệu QNa 90859 TS của ông Huỳnh Văn Trí khai thác được 46 tấn. Hàng chục tàu khác mỗi tàu cũng khai thác được trên 20 tấn. Với giá thu mua hiện tại dao động từ 125 triệu đồng đến 127 triệu đồng/tấn sản phẩm mực khô, ngư dân đã có lãi khá cao so với các nghề khác.
Chủ tịch UBND xã Tam Giang Phạm Văn Châu cho biết thêm, xác định câu mực khơi dài ngày là thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mấy năm qua ngư dân Tam Giang mạnh dạn đầu tư đóng mới và cải hoán phương tiện có công suất lớn với thiết bị đi biển hiện đại để đáp ứng nhu cầu bám biển dài ngày. Riêng đội tàu câu mực khơi dài ngày của ngư dân Tam Giang đến nay đã lên đến 31 chiếc đủ tiêu chuẩn theo quy định.
Trong năm 2019 vừa qua, đội tàu câu mực khơi của ngư dân trong xã khai thác đạt 11.500 tấn mực khô, chủ yếu được tư thương thu gom để xuất khẩu. "Năm 2020 chúng tôi đặt mục tiêu khai thác và tiêu thụ đạt 12.000 tấn mực khô. Trong 4 tháng đầu năm nay, ngư dân Tam Giang đã xuất khẩu hơn 4.200 tấn mực khô, đạt giá trị hơn 113 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương", ông Châu chia sẻ.
Tuân thủ luật pháp quốc tế
Cùng anh em chuyển lương thực, thực phẩm xuống tàu cho chuyến đi biển dài ngày sắp tới nhưng khi được hỏi về “Quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông" do Trung Quốc áp đặt phi lý từ vùng biển phía Bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền bao đời nay của Việt Nam, tất cả ngư dân ở cảng cá Tam Giang đều khẳng định quy chế áp đặt trên là vô giá trị.
Thuyền trưởng tàu QNa 91568 TS Đặng Văn Hội quả quyết: “Hoàng Sa, Trường Sa từ bao đời nay là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam nói chung và ngư dân huyện Núi Thành nói riêng. Không ai ngăn cản được chúng tôi đến ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt thủy, hải sản một cách hợp pháp, vì đó không chỉ là ngư trường truyền thống của cha ông để lại mà còn là không gian sinh tồn của chúng tôi và con cháu mãi mãi về sau này”.
Được hỏi về quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông phi lý của Trung Quốc, ngư dân Phạm Hùng, chủ tàu cá mang số hiệu QNa 91809 TS quyết liệt phản đối lệnh cấm đánh bắt hải sản của Trung Quốc.
Anh Hùng nói: “Hải đồ trong thiết bị giám sát hành trình được các cơ quan chức năng của Việt Nam lắp đặt trên tàu đều cho phép chúng tôi khai thác hải sản bình thường trong toàn bộ khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng tôi khai thác đánh bắt trong vùng biển của mình, tuân thủ luật pháp quốc tế và sẽ không vi phạm sang vùng biển của nước khác".
Theo anh Hùng, tàu câu mực, tàu khai thác hải sản các loại của ngư dân đã, đang và sẽ tiếp tục làm ăn dài ngày ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
"Câu mực khơi dài ngày ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đã thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Những ngư dân can trường của chúng tôi đêm ngày bám biển không những đáp ứng mưu sinh mà còn góp phần nhỏ bé của mình vào việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc", Chủ tịch UBND xã Tam Giang Phạm Văn Châu quả quyết.