Với giá bán tại bãi biển khi bè mảng vừa cập bến dao động từ hơn 22.000 đến gần 30.000 đồng/kg cá trích tươi, trừ chi phí nhiên liệu, chủ bè mảng thu về từ hơn 1 triệu đến gần 3 triệu đồng/ngày.
Thu lưới cá trích sau chuyến ra khơi đánh bắt. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN
Từ thời điểm hơn 9 giờ đến 12 giờ cùng ngày, tại các bãi biển thuộc các xã Diễn Trung, Diễn Thịnh, Diễn Kim, Hùng Hải và thị trấn Diễn Thành rộn ràng, tấp nập bè mảng cập bờ chở nặng cá trích đóng dày mắt lưới. Khi bè mảng vào bờ, hoạt động kéo bè mảng lên cạn bằng máy kéo, đông đảo ngư dân nhanh tay thu gỡ, phân loại cá và bán cho tiểu thương ngay tại bến bãi. Những chiếc xe đẩy, xe thồ chở đầy cá trích ngược xuôi trên bãi biển để vận chuyển vào sâu trong làng đi tiêu thụ cho các cơ sở chế biến nước mắm, nướng cá biển truyền thống.
Xã Diễn Kim là 1 trong 5 xã ven biển, bãi ngang của huyện Diễn Châu. Gần 100 năm qua, ngư dân ở 5 làng biển của xã này nổi tiếng với truyền thống khai thác hải sản vùng lộng (gần bờ) như cá trích, cá lẹp, ruốc biển, tôm, ghẹ, bề bề… theo mùa trong năm. Lợi thế có đường bờ biển dài gần 7 km chạy qua địa bàn, hiện nay xã Diễn Kim đang phát triển mạnh ngành nghề khai thác hải sản gần bờ với số lượng gần 140 bè mảng, công suất mỗi bè mảng từ 24 đến 35CV. Nghề khai thác hải sản bằng bè mảng đã giúp ngư dân các làng biển này phát triển kinh tế bền vững, giải quyết công ăn, việc làm cho hàng ngàn lao động và thúc đẩy các ngành nghề chế biến nước mắm, mắm ruốc, ruốc khô, nghề nướng cá biển phát triển, tạo sự đa dạng, đặc trưng cơ cấu ngành của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Nam, làng biển Thái Thịnh, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, Nghệ An cho biết, ngư dân ở 5 làng biển thường kéo bè mảng từ bãi bờ xuống nước và ra khơi từ lúc 2 giờ sáng, sau từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ đánh bắt cá trích, các bè mảng sẽ đồng loạt cập bến từ lúc 10 giờ đến 11 giờ cùng ngày để kịp tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo cá có chất lượng tươi ngon và ngư dân có thời gian để chuẩn bị ngư lưới cụ, thực phẩm, nhiên liệu tiếp tục “gối chuyến” vào rạng sáng ngày hôm sau. Cũng theo ngư dân Nguyễn Văn Nam, từ đợt rét đậm ngắn ngày xảy ra sau Tết, các chủ bè mảng đã thực hiện được khoảng từ 3 đến 5 chuyến ra khơi. Mỗi chuyến khai thác được hơn 1 tạ cá trích biển, có bè mảng đánh bắt được gần 3 tạ. Bước vào đầu mùa, sản lượng khai thác đạt khá cao là một tín hiệu đáng mừng cho cả mùa vụ. Đến giữa tháng 3, vào thời điểm chính vụ, sản lượng khai thác cá trích sẽ còn cao hơn nhiều.
Sơ chế cá trích để cung cấp cho các cơ sở nướng cá truyền thống bằng than hoa. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN
Cách bãi biển xã Diễn Kim khoảng gần 2 km là cảnh tấp nập của ngư dân các làng biển xã Hùng Hải vận chuyển cá trích lên bờ, bán tại chỗ hoặc đưa đi tiêu thụ khi gần 200 bè mảng lần lượt cập bến. Lượng cá trích sau khi phân loại kích thước, rửa sạch loại bỏ cát biển, bỏ vào khay, rổ đều được các tiểu thương thu mua.
Anh Phan Văn Tuấn, xã Hùng Hải cho biết, một năm có hai mùa khai thác cá trích: mùa chính từ tháng 3 đến sáng tháng 6, mùa chiêm từ tháng 9 đến tháng 10. So với các năm trước, mùa cá trích vụ chính năm nay đến sớm hơn khoảng nửa tháng. Nguyên nhân là do ruốc biển “áp bờ” sớm hơn mọi năm, cá trích cũng theo đàn dày đặc vào bờ ăn ruốc. Vì vậy, ngư dân dễ dàng đánh bắt được cá trích với số lượng lớn đầu mùa. Nhiều ngư dân trong xã đã liên tục khai thác được hơn 2 tạ, gần 3 tạ sau những chuyến ra khơi, thu về gần 3 triệu đồng/chuyến. Việc cá trích vào bờ sớm thì thời gian khai thác của ngư dân sẽ kéo dài thêm, sản lượng sẽ tăng nhiều so với các năm trước.
Không riêng 2 xã Hùng Hải, Diễn Kim, gần 1 tuần qua ngư dân ven biển các xã Diễn Trung, Diễn Thịnh, thị trấn Diễn Thành cũng hối hả vào vụ khai thác cá trích. Trung bình các địa phương này có số lượng từ 20 đến 40 bè mảng. Với truyền thống, kinh nghiệm khai thác cá trích từ hàng chục năm qua, mỗi chuyến vươn khơi của ngư dân nơi đây cũng mang về từ hơn 1 tạ đến gần 2 tạ/chuyến.
Cá trích khi nướng chín. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN
Ngư dân Lê Văn Trung, xã Diễn Trung cho biết, cá trích đầu mùa có kích thước khá đều nhau, mình dày, nhiều thịt. Do đánh bắt trong thời gian ngắn, cập bến trong ngày nên cá có chất lượng tươi, ngon, giữ được hương vị đặc trưng khi chế biến hoặc nướng chín. Sau Tết, nhu cầu mặt hàng hải sản tươi của người dân trong huyện tăng cao nên lượng cá trích khai thác về được tiêu thụ dễ dàng, bán được giá.
Tại vùng biển Việt Nam có nhiều loài cá trích sống ở tầng nổi, gần bờ, cách đất liền từ 5 đến 7 hải lý. Riêng vùng ngư trường Hà Tĩnh, Nghệ An cá trích có 2 loại: Trích ve và trích bầu. Cá trích ve mình hơi lép, nhiều vảy trắng xanh, thịt trắng, thơm, béo. Cá trích bầu mình tròn, ít vảy, nhiều thịt hơn và thịt có màu hơi phớt đỏ. Cá trích ve và trích bầu đều có tập tính sinh sống theo đàn với số lượng lớn và loài dễ đánh bắt.
Theo ngành nông nghiệp huyện Diễn Châu, địa phương có hơn 25km đường bờ biển, bãi biển có đặc điểm khá bằng phẳng, diện tích rộng, mực nước nông, ít sóng lớn. Địa bàn có cửa biển Lạch Vạn (là 1 trong 6 cửa biển lớn nhất tỉnh Nghệ An) thuộc thị trấn Diễn Thành và xã Diễn Kim. Các yếu tố này đã tạo nên một môi trường giàu thức ăn cho cá trích sinh sôi, phát triển. Do vậy, cá trích ở vùng biển Diễn Châu có nhiều thịt, chất lượng tươi, ngon.
Hiện, toàn huyện có hơn 400 bè mảng, tập trung nhiều nhất ở các xã Diễn Kim, Hùng Hải...