Ngư dân Thanh Hóa vượt khó vươn khơi, bám biển

Những tháng đầu năm 2022, trong khi hàng nghìn tàu cá công suất lớn ở các vùng biển Thanh Hóa phải “nằm bờ” do giá xăng dầu tăng cao thì các tàu thuyền, bè mảng công suất nhỏ, đánh bắt ven bờ vẫn vượt khó vươn khơi để khai thác hải sản.

Chú thích ảnh
Ngư dân Vũ Như Tám, khu phố Công Vinh, phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn cho biết với giá xăng dầu hiện tại, mỗi ngày, bè mảng của gia đình ông tốn khoảng 150.000-200.000 đồng tiền dầu, gần gấp đôi so với thời điểm trước đây nhưng vì mưu sinh, cũng không thể vì giá xăng dầu tăng cao mà ngừng đi bể được.

Tại thành phố Sầm Sơn, mỗi ngày có hàng trăm bè mảng của ngư dân vẫn tích cực bám biển, khai thác gần bờ để vừa cung cấp nguồn thực phẩm tươi sống cho thị trường, vừa giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Mỗi ngày, cứ tầm 3 giờ sáng, ngư dân Vũ Như Tám, khu phố Công Vinh, phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn lại chuẩn bị ngư lưới cụ lên bè mảng để ra biển đánh bắt thủy sản. Sau 4-5 giờ đánh bắt ngoài biển, dù được nhiều hay ít, ông Tám lại giong thuyền vào bờ cho kịp phiên chợ cá buổi sáng.

Ông Vũ Như Tám tâm sự: “Với giá xăng dầu hiện tại, mỗi ngày, bè mảng của gia đình tôi tốn khoảng 150-200 nghìn đồng tiền dầu, gần gấp đôi so với thời điểm trước đây nhưng vì mưu sinh, cũng không thể vì giá xăng dầu tăng cao mà ngừng đi bể được, ở nhà là không có thu nhập".

Theo ông Tám, đây là thời điểm biển có nhiều cá trích, bề bề (tôm tít) nên mỗi ngày ông chỉ cần đi từ 3-5 hải lý là đã có thể đánh trúng luồng cá. Tùy hôm được nhiều được ít, nhưng thu nhập sau khi trừ chi phí cũng cho thu nhập khoảng 500 nghìn đồng  đến 1 triệu đồng/ngày.

Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Văn Hai, khu phố Vinh Sơn, Phường Trung Sơn (thành phố Sầm Sơn) tranh thủ thời tiết thuận lợi bám biển đánh bắt các loại hải sản.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Hai, khu phố Vinh Sơn, phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn cũng tranh thủ thời tiết thuận lợi bám biển đánh bắt các loại hải sản. Bè mảng của gia đình anh xuất phát từ mờ sáng để đánh bắt cá trích cách bờ khoảng 5 hải lý. Đến tầm 8 giờ sáng có thể đánh bắt khoảng 1-2 tạ cá trích tươi. Với giá cá trích hiện tại từ 15 - 20 nghìn đồng/kg thì ngư dân cũng có thể thu về từ 1,5-2,5 triệu đồng sau mỗi chuyến ra khơi.

“Mỗi chuyến biển, bè nhà tôi mang theo khoảng 30kg lưới để đánh bắt. Vì đánh bắt gần bờ, thời gian ngắn, bè mảng công suất nhỏ nên dù cũng chịu không ít ảnh hưởng do giá nhiên liệu tăng nhưng chỉ sau nửa ngày ra biển, gia đình cũng có thể lãi tiền trăm từ việc đánh bắt hải sản. Đây là nguồn thu nhập không nhỏ của ngư dân chúng tôi trong thời điểm khó khăn này, vì thế chúng tôi vẫn quyết tâm đi biển để có thu nhập trang trải cuộc sống”, anh Nguyễn Văn Hai nói.

Sau khi vào bờ, ngư dân sẽ gỡ những con cá, tôm, mực dính vào các mắt lưới. Tất cả những loại hải sản này sẽ được phân loại và được các lái buôn, người dân, du khách thu mua ngay tại bãi biển.

Theo báo cáo của UBND thành phố Sầm Sơn, hiện Sầm Sơn có khoảng 500 bè mảng công suất nhỏ chuyên đánh bắt gần bờ… Dù gặp không ít khó khăn do dịch bệnh và giá xăng dầu tăng cao nhưng các phương tiện bè mảng của thành phố Sầm Sơn vẫn liên tục bám biển.

Hiện, thành phố Sầm Sơn đang triển khai nhiều hoạt động để khởi động mùa du lịch năm 2022 nên việc ngư dân không ngừng vươn khơi, bám biển và trở về với nhiều loại hải sản tươi ngon cũng là một trong những yếu tố thu hút khách du lịch khi đến với Sầm Sơn.

Cũng như ngư dân bè mảng thành phố Sầm Sơn, tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày gần đây, ngư dân ở vùng biển thuộc các địa phương khác ở Thanh Hóa như: Hoằng Hóa, Quảng Xương, Hậu Lộc… cũng tích cực chuẩn bị ngư lưới cụ để đi chuyến biển trong ngày, đánh bắt được một số loại hải sản có sản lượng tương đối như: cá trích, cá khoai, mực, tôm… Theo chia sẻ của ngư dân, hiện giá thành các loại hải sản thời điểm này đang giữ ở mức cao nên ngư dân vẫn có lợi nhuận.

Ông Nguyễn Đức Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện Chi cục Thủy sản Thanh Hóa đang phối hợp với các địa phương động viên các chủ tàu lớn tranh thủ thời gian tàu nằm bờ để tu sửa, cải hoán lại tàu thuyền hoặc đi đánh bắt theo đội nhóm, hỗ trợ lẫn nhau trên biển..., cũng như linh hoạt các giải pháp để tiếp tục vươn khơi, bám biển, từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tin, ảnh: Hoa Mai (TTXVN)
Cà Mau quản lý chặt tàu cá ra, vào các cửa biển
Cà Mau quản lý chặt tàu cá ra, vào các cửa biển

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, đến nay Cà Mau có 99% số tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ðây là nỗ lực rất lớn của tỉnh trong việc triển khai các giải pháp chống khai thác thuỷ sản trái phép theo quy định IUU nhằm góp phần gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN