Trò chuyện với phóng viên khi tiễn tàu cá KH 96778 TS rời Cảng Hòn Rớ đi biển vào những hôm giáp Tết, ông Nguyễn Tấn Lầu với 38 năm mưu sinh nhờ nghề đánh bắt hải sản cho biết, từ thời điểm dịch COVID-19 đợt 4 bùng phát, cảng cá Hòn Rớ buộc phải đóng cửa nhiều ngày để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, tàu cá của ông cũng nghỉ. Đến nay, tàu cá mới có chuyến biển đầu tiên trở lại.
Bên cạnh đó, mưu sinh trên biển trong những dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán như thế này không chỉ góp phần tăng thu nhập cho mỗi ngư dân mà cái Tết trên biển bao giờ cũng là cái Tết thật đặc biệt với những ngư dân miền biển, bởi sự hiện diện đặc biệt của lá cờ Tổ quốc Việt Nam trên vùng chủ quyền nước ta.
"Điều chúng tôi mong muốn lớn nhất là sau chuyến biển xuyên Tết 20 ngày có cá, mực, tôm đầy ắp khoang thuyền, nhất là loại cá ngừ đại dương. Đó cũng chính là niềm vui đầu năm của người làm nghề trên biển là động lực cho những chuyến biến tiếp theo trong năm 2022", ngư dân Nguyễn Tấn Lầu bày tỏ.
Tại cảng cá Hòn Rớ, tàu cá của ông Huỳnh Văn Khâu, KH 97272 TS có công suất máy 500 CV cũng đã sẵn sàng cho chuyến vươn khơi.
Năm nay, do tuổi cao nên ông Huỳnh Văn Khâu không lên tàu xuất bến, chỉ ở nhà, ông Khâu kể thêm về chuyến biển Tết: Tàu cá đi khai thác cá ngừ đại dương với các loại hải sản khác nên đòi hỏi nhân công lao động phải nhiều. Mỗi chuyến biển tầm 20 ngày, tàu đánh bắt được bao nhiêu hải sản sẽ sang bán cho các tàu dịch vụ hậu cần trên biển. Tầm ngày 15 tháng Giêng hết khoảng 3.500 lít dầu dự trữ trong tàu thì tàu này sẽ chở hải sản còn lại trên biển trở về đất liền để bán.
"Chúng tôi đánh bắt cá theo nghiệp đoàn, tàu này hỗ trợ tàu kia nên vừa đánh bắt vừa bán cá trên biển mới đủ kinh phí xăng dầu hoạt động. Chuyến biển Tết năm nay, trước khi anh em, bạn tàu rời bến tôi đều tặng quà cho mỗi người. Trên tàu chuyến đi này có cả bánh mứt, hoa tươi để ra giữa biển, trong đêm giao thừa mọi người vẫn như ở đất liền vui mừng chào đón năm mới", ngư dân Huỳnh Văn Khâu tâm sự.
Cũng như các ngư lão khác, ông Trần Bé, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang chủ tàu KH 93878 TS dịp này cũng vươn khơi bám biển xuyên Tết. Ông Trần Bé cho rằng, là ngư dân ăn Tết ở đâu cũng vậy, nhưng ăn Tết trên biển đặc biệt hơn. Bởi biển cả là nhà, ngư dân ăn Tết ở nhà thì còn gì bằng.
Ăn Tết trên biển vẫn nghe được lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch nước qua sóng phát thanh FM, cũng có bánh mứt, anh em trong ngày đầu năm cũng vui mừng chúc nhau những điều bình an và quan trọng nhất là những ngày này, hải sản trên biển cũng theo dòng hải lưu và về với vùng biển ta nên rất thuận tiện đánh bắt.
"Chúng tôi, những ngư dân Khánh Hòa sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nhằm góp phần sớm tháo gỡ "thẻ vàng" của EC. Điều mong muốn của anh em ngư dân chúng tôi là năm mới Đảng, Nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ cho ngư dân bám biển như: tăng số chuyến biển được hỗ trợ dầu, hỗ trợ chi phí lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình tàu cá…", ngư dân Trần Bé trình bày.
Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, toàn tỉnh có hơn 740 tàu cá xa bờ; trong đó có gần 200 tàu chuyên câu cá ngừ đại dương. Trong chuyến biển xuyên Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 có 126 tàu cá đăng ký bám biển khai thác các nghề khai thác cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn…, tăng 26 tàu so với cùng thời điểm năm trước.
Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, để động viên bà con ngư dân vươn khơi bám biển trong dịp Tết, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đã vận động các doanh nghiệp hỗ trợ nhiều suất quà Tết, áo phao và cờ Tổ quốc trao tặng cho ngư dân.
Đồng thời, gửi lời chúc bà con sẽ có một chuyến mở biển thành công, tàu thuyền đầy cá. Mong muốn bà con chấp hành tốt các quy định khi đánh bắt trên biển, cùng ngành thủy sản thực hiện chiến lược tái cơ cấu ngành. Đề nghị các ngành chức năng tổ chức nhân lực trực Tết, hỗ trợ ngư dân khi cần thiết.
Năm 2021, tuy gặp rất nhiều khó khăn do tác động kép của đại dịch COVID-19 và "thẻ vàng" của EC, nhưng với tinh thần hăng say lao động, cần cù chịu khó ngư dân Khánh Hòa đã tích cực vươn khơi, bám biển, khai thác được 85.000 tấn hải sản, tăng 25,32% so với năm 2020.
Theo ông Lê Bá Ninh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa, trong thời gian qua, hoạt động khai thác thủy sản đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, góp phần ổn định đời sống cộng đồng ngư dân. Suốt năm qua, cộng đồng ngư dân đã thực hiện tốt các quy định về chống khai thác bất hợp pháp.
Tính từ tháng 10/2018 đến nay, tỉnh Khánh Hòa không ghi nhận trường hợp tàu cá nào vi phạm trên vùng biển nước ngoài. Cùng với việc hỗ trợ ngư dân các chính sách, trang thiết bị phát triển nghề cá hiện đại để nâng cao hiệu quả chuyến biển, từ đó nâng cao thu nhập, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thu mua, chế biến cá ngừ xuất khẩu.
"Trong lễ tiễn tàu cá đi đánh bắt chuyến Tết này, tôi mong muốn năm 2022, ngư dân được thuận buồm, xuôi gió, khai thác thủy sản đạt hiệu quả cao. Cộng đồng ngư dân tiếp tục chấp hành nghiêm quy định chống khai thác IUU để góp phần cùng cả nước tháo gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam", ông Nguyễn Bá Ninh nói với ngư dân hôm 18/1.
Các tàu cá lần lượt chuẩn bị mua sắm đá lạnh, xăng dầu và thức ăn dự trữ và nhổ neo… Tàu sắm nhiều cũng vài trăm triệu, tàu sắm ít cũng trên 100 triệu phí tổn. Tất cả đều hy vọng chuyến biển đạt hiệu quả cao, và trong tâm thức của họ việc sự hiện diện của mỗi một ngư dân trên các vùng biển truyền thống còn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.