‘Ngóng’ Danh mục ‘phân loại xanh’, đề xuất Tổ chức độc lập ‘xác nhận’ xanh

Tại "Diễn đàn kinh tế xanh: Phát triển kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu" do báo Điện tử VOV tổ chức ngày 26/11, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế kiến nghị: Chính phủ cần sớm ban hành Danh mục “phân loại xanh” (Green Taxonomy), trong đó nên xác định lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên; giao tổ chức độc lập “xác nhận” xanh.

Danh mục xanh tại Việt Nam ngoài việc để xác nhận dự án xanh, nhiều ý kiến cho rằng, đây còn là cơ sở để dự án có thể nhận được ưu đãi, hỗ trợ từ nhiều nước về tín dụng xanh.

Cần nhanh chóng chuyển đổi xanh để giảm lượng carbon khoảng 78%

Chú thích ảnh
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách - Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) - Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách - Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) - Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, các nghiên cứu chỉ ra rằng, Việt Nam là quốc gia có mức độ phát thải CO2 trên tăng trưởng GDP cao trong khu vực Châu Á. Trong đó các lĩnh vực về năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhóm phát thải khí nhà kính.

Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải CO2 bằng 0% vào năm 2050 và để đạt được điều này, cần nhanh chóng tăng cường chuyển đổi xanh để giảm lượng carbon khoảng 78%.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh cũng đã xác định mục tiêu, giải pháp nâng cao vai trò và đóng góp của tăng trưởng xanh. Trong đó, tỷ trọng đóng góp của kinh tế xanh năm 2024 khoảng 1,8% GDP, tạo cơ sở để tiến tới mục tiêu 3,3 - 3,5% GDP vào năm 2030.

Để phát triển kinh tế xanh, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, trước hết cần giảm phát thải khí nhà kính. Bộ Công thương đang có những chương trình để tính toán mức độ phát thải của từng ngành, từng lĩnh vực, để từ đó đưa ra các chỉ số giảm phát thải cần đạt cho mỗi ngành, hướng tới chuyển đổi sản xuất, xanh hóa các hoạt động kinh doanh dịch vụ.

Trong bối cảnh toàn cầu chú trọng phát triển kinh tế xanh, ông Nguyễn Quốc Việt cho rằng, các doanh nghiệp đang chịu áp lực rất lớn từ các rào cản thương mại như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). 

“Nhiều doanh nghiệp Thái Lan đang đầu tư Việt Nam cho biết, nếu Việt Nam không có chính sách đồng bộ để đáp ứng yêu cầu về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với khó khăn không chỉ về xuất khẩu và còn có nguy cơ làm thu hẹp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.Nếu các doanh nghiệp sản xuất không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon, sản phẩm xuất khẩu sẽ khó cạnh tranh và giữ được vị thế trên thị trường, gặp khó khăn cả về chi phí thuế và cả vấn đề uy tín. Bên cạnh đó, các chính sách định hướng và người tiêu dùng cũng sẽ lựa chọn và loại bỏ dần các sản phẩm không trong danh mục xanh”, ông Nguyễn Quốc Việt cho biết.

Các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp đang cần giải quyết bài toán tiết kiệm năng lượng và được sở hữu “chứng chỉ xanh”, chứng minh cho lộ trình giảm phát thải, bên cạnh thực hành đầy đủ các yếu tố ESG bao gồm cả trách nhiệm xã hội và các hành động bảo vệ môi trường”, TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh. Từ những thực tế trên, chuyên gia này cho rằng, các chiến lược chung đến các chính sách của bộ ngành cũng cần hướng đến phát triển xanh cũng như thích ứng với những rào cản quốc tế.

Chú thích ảnh
Ông Đặng Huy Đông - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Phát triển

Theo ông Đặng Huy Đông - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Phát triển, Việt Nam cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng - netzero vào năm 2050, trong khi không ít quốc gia khác có trình độ phát triển kinh tế ngang tầm với Việt Nam đẩy mốc netzero lùi về 2060.

“Vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để chúng ta tập trung huy động mọi nguồn lực, đặc biệt trí lực. Trí tuệ Việt Nam, nếu được khơi dậy, phát huy đúng tầm, áp dụng đầy đủ, kịp thời và hiệu quả những cơ chế đã có trong Luật Khoa học và Công nghệ (KHCN) và Luật Chuyển giao Công nghệ và các luật chuyên ngành, có đủ căn cứ để hiện thực hóa mục tiêu Netzero như cam kết vào năm 2050”, ông Đặng Huy Đông cho biết.

Viện trưởng Viện Quy hoạch và Phát triển nêu ví dụ về ngành Giao thông, một trong những lĩnh vực phát thải khí nhà kính lớn nhất. Đường sắt Quốc gia và đường sắt đô thị là 2 dư địa góp phần giảm phát thải khí nhà kính rất lớn. 

“Về Đường sắt quốc gia, Quốc hội sẽ thông qua chủ trương đầu tư các dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và các dự án đường sắt liên vận quốc tế ở phía Bắc và liên vùng ở phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ) và có cơ chế, chính sách vượt trội để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án này, chúng ta có thể giảm lượng phát thải khí nhà kính có giá trị tương đương hàng chục tỷ USD trong 2 - 3 thập niên tới”, ông Đặng Huy Đông cho biết.

Chú thích ảnh
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực.

Đẩy mạnh tài chính xanh

Tiến sỹ Cấn Văn Lực nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu, đòi hỏi nguồn lực khổng lồ để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Các giải pháp bao gồm chuyển đổi ngành công nghiệp, tăng cường quy định ESG (môi trường, xã hội, quản trị) và các cam kết quốc tế như COP26, COP27, COP28.

Chuyên gia này cũng chỉ ra, cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này rất lớn, ước tính hàng chục nghìn tỷ USD toàn cầu, tập trung vào các dự án thân thiện môi trường (năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, nông nghiệp xanh, vận tải bền vững).

Năm 2023, tổng dư nợ thị trường nợ bền vững đạt 4,16 nghìn tỷ USD và lượng tín dụng và trái phiếu bền vững trong nửa đầu năm 2024 đạt 807 tỷ USD. Việc phát hành trái phiếu xanh, xã hội, bền vững và liên kết bền vững cũng đạt mức cao.

“Việt Nam đang tích cực tham gia vào quá trình này. Về pháp lý, nhiều văn bản thúc đẩy tín dụng xanh đã được ban hành. Tổng dư nợ tín dụng xanh đạt 665 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,5% tổng dư nợ) và dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,2 triệu tỷ đồng (hơn 22% tổng dư nợ) tính đến tháng 9/2024. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu xanh còn khiêm tốn (khoảng 1,52 tỷ USD từ 2019 đến tháng 10/2024),” ông Cấn Văn Lực cho biết.

Trong khi đó, Việt Nam hiện chưa có các sản phẩm tài chính xanh (gồm cả sản phẩm tín dụng xanh) đặc thù; chưa có khung pháp lý, chính sách tổng thể, nhất quán liên quan đến tài chính xanh (quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh…).

“Việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, xã hội còn gặp nhiều khó khăn do đội ngũ chuyên gia, nhân sự trong lĩnh vực này còn hạn chế. Bên cạnh đó, còn thiếu cơ chế phối hợp và ưu đãi cho các hoạt động tài chính xanh”, TS Cấn Văn Lực chia sẻ.

Minh Phương/Báo Tin tức
Xây dựng kinh tế xanh để bước nhanh vào kỷ nguyên mới
Xây dựng kinh tế xanh để bước nhanh vào kỷ nguyên mới

Đông Nam Bộ phát triển công nghiệp sớm và nhanh nhất cả nước, góp phần to lớn cho tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp quá nhanh cũng để lại không ít những hệ lụy về môi trường. Vì vậy, các tỉnh khu vực này đang tích cực điều chỉnh để hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN