Giải thưởng do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trao tặng.
Đây là niềm tự hào, động lực to lớn để tập thể lãnh đạo, công nhân viên Tổng Công ty thêm vững vàng thắp lửa nơi đảo xa, đảm bảo cho những chuyến tàu qua lại thông suốt và giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam tiền thân là Ty Bảo đảm hàng hải được thành lập ngày 3/10/1975, đến năm 1983 đổi thành Công ty Bảo đảm hàng hải II trực thuộc Tổng cục Đường biển Việt Nam. Năm 1997, Bộ Giao thông Vận tải quyết định thành lập Doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam và đến năm 2005, Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải II được thành lập trên cơ sở chia tách Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, năm 2010, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định chuyển công ty sang mô hình Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam và từ năm 2011 đến nay chuyển thành Tổng Công ty hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, trụ sở chính Tổng Công ty đóng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Phạm Quốc Súy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty tự hào cho biết: Từ cơ sở vật chất ban đầu tiếp quản sau ngày giải phóng miền Nam chỉ là 14 ngọn hải đăng đã xuống cấp, thiếu thốn cả về vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực, đến nay đơn vị đã lớn mạnh với 18 đơn vị thành viên, số lao động lên tới gần 1.000 người chia làm 3 khối: Bảo đảm hàng hải, hoa tiêu hàng hải và trục vớt cứu hộ, đủ khả năng bao quát một vùng biển rộng lớn từ phía nam tỉnh Quảng Ngãi trở vào đến Kiên Giang và khu vực biển Đông, Trường Sa.
Vai trò, vị thế của Tổng Công ty ngày càng được khẳng định và nâng cao. Tổng Công ty đã thực thi tốt quyền, nghĩa vụ của quốc gia có biển đối với các công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, gia nhập, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Từ khi thành lập đến nay, với những nỗ lực, phấn đấu không ngừng của tập thể cán bộ công nhân viên, Tổng Công ty đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương tặng thưởng nhiều bằng khen, cờ thi đua, danh hiệu cao quý, trong đó có Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba, đặc biệt là danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2012.
Với phương châm “Tất cả vì sự an toàn hàng hải”, Tổng Công ty đã thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành hệ thống báo hiệu hàng hải, luồng hàng hải, điều tiết giao thông trên các tuyến luồng, kịp thời phát hiện, ra thông báo hàng hải và tham gia thanh thải mọi chướng ngại vật, không để xảy ra ách tắc luồng. Công tác xây dựng các công trình hàng hải, sửa chữa cơ khí hàng hải, cung cấp dịch vụ hoa tiêu dẫn tàu, trục vớt cứu hộ và kỹ thuật ngầm luôn được thực hiện tốt.
Vì vậy đã không có bất cứ tai nạn hàng hải nào do lỗi của báo hiệu hàng hải hay hoa tiêu hàng hải gây ra, được khách hàng trong nước và quốc tế tin cậy. Một điều quan trọng nữa là những công trình dân sự do Tổng Công ty tạo dựng và quản lý đã trở thành những cột mốc quan trọng với ngọn đèn luôn rực sáng góp phần xác định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhờ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong sản xuất kinh doanh, nhất là khối dịch vụ tăng trưởng hàng năm nên thu nhập của cán bộ công nhân viên Tổng Công ty luôn được duy trì ở mức khá cao và tăng đều qua các năm. Cụ thể, năm 2014, lương bình quân cán bộ công nhân viên đạt 13,5 triệu đồng/người/ tháng, năm 2016 tăng lên 14,8 triệu đồng/người/tháng.
Ông Dương Thế Nam, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty chia sẻ: Dù hoạt động trong lĩnh vực có điều kiện lao động rất khó khăn, chủ yếu trên sông, trên biển, trong đó có công nhân làm việc nhiều tháng liền trên các trạm đèn biển ở những đảo xa, hẻo lánh và biệt lập tại khu vực biển Tây Nam Tổ quốc hay các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng người lao động trong đơn vị luôn yêu nghề, gắn bó với công việc. Có được thành công trên là do bên cạnh việc thực hiện đúng, đầy đủ các chế độ về lương, bảo hiểm, phụ cấp khu vực, độc hại, nguy hiểm… đơn vị còn luôn chú trọng xây dựng, cải thiện môi trường làm việc và triển khai nhiều chính sách đãi ngộ để khuyến khích người lao động thêm hăng say, trách nhiệm hơn với công việc.
Anh Nguyễn Long Tuấn có thâm niên canh đèn biển gần 20 năm tại các nhà đèn khu vực quần đảo Trường Sa thuộc địa bàn Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và Hải Đảo quản lý cho hay: Dù làm việc dài ngày ở môi trường rất khắc nghiệt, cách biệt với đất liền nhưng nhiều năm qua, sự quan tâm, hỗ trợ chu đáo của Tổng Công ty đã khiến anh luôn yên tâm cùng đồng nghiệp bám đảo, giữ cho ngọn hải đăng luôn rực sáng nơi vùng biển xa xôi của Tổ quốc.
Những năm qua, Tổng Công ty đã tăng cường mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, nâng bậc cho cán bộ công nhân viên nhằm đáp ứng yêu cầu, xu hướng phát triển của Tổng Công ty trong tương lai. Hàng năm, số lượt người lao động tham gia các khóa đào tạo chiếm khoảng 80% tổng số lao động toàn Tổng Công ty, cho thấy mong muốn và quyết tâm làm chủ công nghệ, làm chủ biển khơi, góp phần thúc đẩy thương mại, kinh tế biển Việt Nam phát triển trong tương lai.