Nghị quyết 120 - Bài cuối: Tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Kiên Giang thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh này đã có sự chuyển dịch một số vùng, tiểu vùng từ trồng lúa 1 vụ năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản, phát triển mô hình lúa - tôm, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân.

Chú thích ảnh
Các loại rau màu ngắn ngày mang lại thu nhập ổn định cho nông dân huyện Châu Thành, Kiên Giang. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, nuôi trồng thủy sản 32.864 ha, đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân.

Cụ thể, tỉnh đã chuyển đổi 21.688 ha từ cơ cấu 2 vụ lúa ở các khu vực ven biển vùng U Minh Thượng và Tứ giác Long xuyên sang phát triển mô hình tôm - lúa cho hiệu quả kinh tế cao; còn lại chuyển đổi từ đất 2 - 3 vụ lúa sang phát triển mô hình lúa - màu, chuyên rau ở các huyện Giang Thành, Hòn Đất, U Minh Thượng, Châu Thành và thành phố Rạch Giá; chuyển đổi đất trồng lúa nhiễm phèn, kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, hồ tiêu, khóm (dứa), chuối… ở các huyện Giang Thành, Hòn Đất, Châu Thành, U Minh Thượng, Gò Quao và thành phố Rạch Giá.

Theo ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, thời gian qua, tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng, tiểu vùng sinh thái và điều kiện tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu đã mang lại hiệu quả cao hơn. Đồng thời, tỉnh gắn với tăng cường chuyển đổi cơ cấu giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa để tăng năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa và giảm chi phí sản xuất.

Năm 2020, tổng diện tích gieo trồng lúa đạt 725.863 ha, tăng 2,23% kế hoạch, diện tích lúa chất lượng cao chiếm khoảng 80% trên diện tích gieo trồng; năng suất bình quân 6,23 tấn/ha, tổng sản lượng thu hoạch đạt trên 4,5 triệu tấn, tăng gần 5% kế hoạch.

Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại các huyện, thành phố trên địa bàn đạt 100 cánh đồng, với tổng diện tích 30.672 ha.

Thông qua sản xuất mô hình cánh đồng lớn, nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân, xác lập mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định cho chế biến xuất khẩu, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Qua đó, góp phần giải quyết nhu cầu của người sản xuất, khắc phục tình trạng được mùa rớt giá, giúp nông dân an tâm sản xuất, giải quyết đầu ra cho sản phẩm, nâng năng suất chất lượng hàng hóa và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh xây dựng mô hình thâm canh lúa, chuyển dịch cơ cấu sản xuất lúa từ 2 vụ lúa Đông Xuân - Hè Thu sang cơ cấu thâm canh 3 vụ lúa Đông Xuân - Hè Thu - Thu Đông, với diện tích khoảng 90.000 ha có đê bao kiểm soát nước, đảm bảo sản xuất ở một số huyện vùng Tây sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên.

Tiếp đến, trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tỉnh phát triển nhanh các hình thức nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp, quảng canh cải tiến, tôm - lúa phù hợp với từng vùng, tiểu vùng sinh thái trên địa bàn theo hướng an toàn, bền vững và hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm 2020, ngành thủy sản tỉnh tập trung vào khuyến ngư, tập huấn, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật đến nông dân, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm nước lợ. Tổng sản lượng thu hoạch hơn 264.100 tấn, đạt 101,5% kế hoạch, tăng 7,64% so với năm 2019; trong đó tôm nuôi  92.490 tấn, vượt 8,8% kế hoạch, tăng 11,75% so năm 2021.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Quảng Trọng Thao nhấn mạnh, vấn đề vượt trội trong nuôi trồng thủy sản là tỉnh thực hiện thành công mô hình “Nuôi tôm chân trắng công nghiệp 2 giai đoạn trong ao lót bạt đáy” thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng tại nhiều huyện, thành phố như Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất, Giang Thành, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận.

Chú thích ảnh
Sản phẩm thủy sản tại Cảng cá Tắc Cậu, xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Ngoài ra, ngành thủy sản tỉnh cũng hướng dẫn các cơ sở thực hiện nuôi tôm nước lợ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn quốc tế khác theo yêu cầu của thị trường, tiếp cận, ứng dụng tiêu chuẩn, quy chế truy xuất nguồn gốc và sử dụng mã số, mã vạch các sản phẩm nuôi, vùng nuôi, phát triển các hình thức liên kết theo chuỗi từ sản xuất giống, thức ăn, nuôi trồng, tiêu thụ, tổ chức quản lý chặt chẽ chất lượng con giống, thức ăn, thuốc thú y và kiểm soát dịch bệnh.

Cụ thể như Trại thực nghiệm và sản xuất giống thủy sản Thứ Sáu Biển, huyện An Biên thực hiện mô hình nuôi tôm chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn trên hồ trải bạt, tiết kiệm nước, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra sản phẩm an toàn, đạt chuẩn VietGAP, sản lượng đạt 2 - 3 tấn/hồ (500 m²/hồ). Mô hình này nhân rộng thực hiện trong dân năng suất 20 - 30 tấn/ha, đạt hiệu quả kinh tế, mang lợi nhuận cao cho người nuôi, sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP, an toàn cho người tiêu dùng, góp phần giảm tác động xấu đến môi trường.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Kiên Giang thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hợp tác, liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giá trị sản xuất đất nông nghiệp năm 2020 đối với trồng trọt đạt 100 triệu đồng/ha và nuôi trồng thủy sản 130 triệu đồng/ha.

Hiện nay, toàn tỉnh đã có 21 sản phẩm đạt chứng nhận nhãn hiệu tập thể có nguồn gốc từ sản xuất nông nghiệp như: Khóm Tắc Cậu, khô cá sặc rằn U Minh Thượng, sò huyết An Biên - An Minh, hồ tiêu Hà Tiên, gạo một bụi trắng U Minh Thượng, nước mắm Phú Quốc… Các sản phẩm được chứng nhận theo tiêu chuẩn của Việt Nam, Châu Âu, quốc tế… đều có giá cao hơn sản phẩm thông thường 15 - 20% và dễ tiêu thụ.

Cùng với đó, tỉnh đã nghiên cứu thành công việc chọn, tạo, nhân giống lúa bằng công nghệ sinh học, có thời gia sinh trưởng ngắn, thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu, có khả năng chống chịu mặn, chống chịu tốt với dịch bệnh, cho năng suất cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh như: Giống lúa GKG1, GKG9, GKG35 được chọn tạo theo mục tiêu chống chịu với điều kiện sản xuất nhiễm mặn của tỉnh Kiên Giang. Tiếp đến là mô hình nuôi tôm công nghiệp 2 - 3 giai đoạn, nuôi cá lồng bè trên biển hiệu quả kinh tế cao, mô hình sản xuất “thông minh” lúa - tôm, lúa hữu cơ… thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Kiên Giang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gặp khá nhiều khó khăn. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với nắng hạn, nước mặn xâm nhập, dịch bệnh cây trồng, vật nuôi đã gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Để bù đắp lại những thiệt hại, hao hụt này, theo ông Nguyễn Thanh Nhàn, tỉnh sẽ đẩy nhanh thực hiện các giải pháp ứng dụng sản xuất các giống lúa có năng suất, chất lượng cao phù hợp với biến đổi khí hậu và điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi thâm canh - bán thâm canh và sản xuất rau màu, cây ăn quả.

Trong thời gian tới, tỉnh tập trung phát triển sản xuất theo điều kiện của từng vùng sinh thái, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với sự tham gia của doanh nghiệp để liên kết trong sản xuất, thu mua và tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Ngoài ra, tỉnh sẽ hình thành cánh đồng lớn theo từng loại ngành hàng nông nghiệp mà trước mắt là cánh đồng lớn sản xuất lúa phục vụ chế biến xuất khẩu; tập trung phát triển 2 ngành hàng chủ lực có tỷ trọng lớn là lúa gạo và thủy sản, gắn với đào tạo nghề, nâng lên trình độ kỹ thuật sản xuất cho nông dân, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn cho biết thêm, tới đây tỉnh sẽ ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa vào sản xuất, lựa chọn cây trồng, vật nuôi đặc trưng của địa phương có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu để tập trung đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh rà soát, điều chỉnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoàn 2021 - 2025 phù hợp với tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu

Mặt khác, đồng bộ các giải pháp hữu hiệu thực hiện Quyết định 324/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tiến tới một ngành nông nghiệp hàng hóa tập trung và hội nhập quốc tế. Ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức các chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ nông sản để thay thế cho mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp.

Đặc biệt, tỉnh còn triển khai mạnh các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả; tạo môi trường đầu tư thuận lợi, ổn định, thông thoáng, minh bạch để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Lê Huy Hải (TTXVN)
Nghị quyết 120 - Bài 1: Những dự án công trình thích ứng với biến đổi khí hậu
Nghị quyết 120 - Bài 1: Những dự án công trình thích ứng với biến đổi khí hậu

Nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Kiên Giang sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng đồng bằng này thích ứng với biến đổi khí hậu bước đầu đạt kết quả tích cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN