Cá tra Việt Nam vào Danh sách đỏ của WWF:

Nghi ngờ tính khách quan

Sau ba chìm bảy nổi "vật lộn" với các áp đặt, kiện tụng... của các tổ chức thương mại nước ngoài, mới đây con cá tra Việt Nam lại tiếp tục dính vết thương mới khi Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF) đơn phương đưa cá tra vào danh sách đỏ với đề nghị người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm khác để thay thế. Trong lúc người nuôi cá, ngành chức năng... ngơ ngác không hiểu tại sao, WWF vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục cho quyết định của mình.

Oan ức người nuôi

Ông Lê Thanh Dung, Chủ nhiệm Hợp tác xã thủy sản xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, Tiền Giang cho biết, tỉnh đã dành diện tích hơn 900 ha quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung nuôi theo tiêu chuẩn SQF và Global Gap nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong chế biến thủy sản xuất khẩu.


Chế biến cá tra tại Công ty Thủy sản Bình An (Cần Thơ).
Ảnh: Huy Hùng - TTXVN


Tại An Giang, UBND tỉnh đã chỉ đạo các doanh nghiệp và người dân cùng liên kết 4 nhà thực hiện nghiêm chương trình quản lý chất lượng. Với tổng diện tích nuôi hơn 253 ha, hiện tỉnh đã hình thành 5 vùng nguyên liệu tập trung và 5 công ty bao gồm Agifish, Afiex, Asia Feed, Việt An và Ntaco tiến hành ký kết hợp đồng sản xuất nuôi trồng thủy sản với ngư dân theo tiêu chuẩn SQF 1000 CM, và Global GAP. "Là tiêu chuẩn an toàn quốc tế cao nhất hiện nay, Globa GAP tập trung vào việc quản lý chất lượng cũng như chứng minh được nông sản sản xuất tuân theo phương pháp thực hành nông nghiệp tốt, truy xuất nguồn gốc rõ ràng...", ông Phan Văn Danh, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh An Giang giải thích

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện Việt Nam có khoảng 20% diện tích vùng nuôi đạt chuẩn quốc tế và trong thời gian 5 năm tới phấn đấu 100% đạt chứng nhận Global GAP. Số còn lại dù chưa đạt chuẩn nhưng vẫn tuân thủ đầy đủ các quy định về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm... do các ngành chức năng giám sát.

Doanh nghiệp, ngành chức năng bức xúc

Trao đổi với PV báo Tin Tức hôm qua (9/12), Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II - ông Nguyễn Văn Sáng bày tỏ, việc WWF xếp cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ là thiếu cơ sở vì họ chưa công bố các tiêu chí đánh giá, chưa có tham vấn hay thu thập thông tin từ người sản xuất cá tra, cơ quan quản lý ở Việt Nam và đặc biệt là cơ quan WWF tại Việt Nam.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, danh sách đỏ trong tờ rơi của WWF thuần túy chỉ là một tài liệu hướng dẫn tiêu dùng, trong đó không nói đến trực tiếp vấn đề chất lượng của con cá tra Việt Nam mà chỉ đề cập đến quá trình nuôi. “Tuy nhiên, nếu chúng ta không làm quyết liệt, trả lại sự công bằng cho con cá tra Việt Nam, tình hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm cá tra có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Vì lúc này, sau 2 vụ cá nguyên liệu có giá, người nuôi cũng như doanh nghiệp đã đầu tư nuôi và bắt đầu đi vào thu hoạch đại trà", ông Hòe cảnh báo.

Trung Nghĩa Trí

Yêu cầu WWF đưa cá tra Việt Nam ra khỏi danh sách đỏ
Yêu cầu WWF đưa cá tra Việt Nam ra khỏi danh sách đỏ

Ngày 9/12, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc một số thành viên Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF) tại một số nước châu Âu đưa sản phẩm cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ trong Cẩm nang hướng dẫn người tiêu dùng 2010/2011...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN