Đại diện Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tại Việt Nam cho biết, đầu tuần tới, WWF Việt Nam sẽ cung cấp cho Bộ NN&PTNT các tiêu chí đánh giá về cá tra Việt Nam cũng như các kết quả đánh giá của WWF để hai bên cùng trao đổi.
Hầu hết người nuôi cá tra khu vực ĐBSCL đều áp dụng các tiêu chuẩn nuôi đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm nghiêm ngặt Ảnh: Duy Khương - TTXVN |
WWF cần sớm công bố các tiêu chí
Hôm qua (8/12), Tổng cục Thủy sản Việt Nam đã có cuộc họp với WWF Việt Nam về việc WWF đã đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ (những loại thủy sản không được tiêu dùng) thuộc Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản.
Tại cuộc họp, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đề nghị WWF đưa ra lý do, tiêu chí và những cơ sở cụ thể để xếp cá tra vào sách đỏ.
Theo lý giải của bà Trần Minh Hiền - Giám đốc WWF tại Việt Nam, việc đánh giá các loài thủy sản được WWF làm hàng năm và đưa ra khuyến cáo cho người sử dụng. Phương pháp đánh giá năm nay có nhiều đổi mới. Đó là sự phối hợp của ba tổ chức WWF, Hội Bảo tồn sinh vật biển (MSC) và Quĩ Biển bắc (NSF) đồng thời tham khảo ý kiến của các tổ chức quốc tế khác. Trong phương pháp này có 19 tiêu chí liên quan đến nhiều vấn đề về nước thải, dịch bệnh cùng các tác động khác.
“WWF tại Việt Nam hứa sẽ cung cấp 19 tiêu chí này cho Bộ NN&PTNT trong đầu tuần tới, đồng thời sẽ cung cấp luôn các kết quả đánh giá của WWF để chúng ta cùng xem xét, trao đổi”, bà Hiền nói.
Theo đại diện WWF tại Việt Nam, việc đưa cá tra vào danh sách đỏ của cuốn hướng dẫn người tiêu dùng không nằm trong phần việc dự kiến của WWF Việt Nam trong chiến lược của mình cho nên WWF Việt Nam không tham dự vào việc này và cũng không được biết cho đến khi kết quả được thông báo.
Một điểm lưu ý trong cuốn Cẩm nang hướng dẫn của WWF có khuyến cáo việc người tiêu dùng nên sử dụng cá tra có ghi nhãn Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC) dự kiến đóng nhãn vào năm 2011. WWF cho rằng khi mà ASC chưa xuất hiện trên thị trường, thì người tiêu dùng nên tìm một loài thủy sản khác thay thế, ví dụ như một loài thủy sản trong danh sách xanh.
Hàng năm, khu vực ĐBSCL thả nuôi khoảng 10.000 ha cá tra, sản lượng cá đạt khoảng 1,5 triệu tấn. Ảnh: Duy Khương - TTXVN |
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) bức xúc: “ASC chưa được thành lập và phải đến tháng 6/2011, tiêu chuẩn của họ mới ban hành. Nếu WWF nói người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm theo tiêu chuẩn này thì chẳng nhẽ các nước xuất khẩu, nhập khẩu cá tra phải đợi bộ chuẩn đó ra đời rồi mới tiếp tục hoạt động thương mại và người tiêu dùng toàn cầu phải đợi đến lúc đó mới tiếp tục được ăn cá tra hay sao?”.
“Hiện nay rất nhiều nhà máy chế biến và vùng nuôi cá tra Việt Nam đã được cấp chứng nhận Gobal GAP - tiêu chuẩn cao nhất và uy tín nhất toàn cầu. Bên cạnh đó cá tra được Chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách là sản phẩm chiến lược quốc gia. Vì vậy việc WWF đưa cá tra vào danh sách đỏ là ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến chiến lược phát triển của Việt Nam”, ông Dũng nói thêm.
... và cần có cách tiếp cận đa bên
Ông Phạm Anh Tuấn cho rằng việc WWF đánh giá một sản phẩm của một quốc gia cụ thể mà không có sự tham gia của đại diện WWF tại quốc gia đó, cũng không có sự tham gia của các bộ, ban, ngành của quốc gia đó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được.
“Phải có phương pháp tiếp cận đa bên, ngay cả Bộ NN&PTNT Việt Nam cùng các cơ quan quản lý thủy sản liên quan đến việc này đều không hề được tham luận bất cứ vấn đề gì. Như vậy chính bản thân WWF đã vi phạm nguyên tắc chung nhất của mình”, ông Tuấn nói.
WWF Việt Nam cũng thừa nhận nên có cách tiếp cận đa bên như Tổng cục Thủy sản đề cập và chắc chắn sẽ trao đổi vấn đề này với lãnh đạo WWF.
Ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghề cá Việt Nam khẳng định, nhiều nước đã công nhận cá tra Việt Nam an toàn thực phẩm, an toàn môi trường và bệnh dịch và đang nhập khẩu như EU (28 nước), Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, toàn bộ khu vực ASEAN.
“Chúng ta vẫn bán hàng bình thường, không mất thị trường, nhưng thông tin vừa qua có ba cái hại: Bôi nhọ người nuôi cá tra Việt Nam, có hại cho người tiêu dùng châu Âu và gây bất lợi cho ngành cá tra Việt Nam”, ông Cương nói.
Hữu Vinh