Nhiều trạm bơm trước đây đầu tư các thiết bị 4 - 5 năm mới phải sửa chữa, thay mới, nhưng hiện nay 2 - 3 năm đã phải sửa chữa hoặc thay thế do tốc độ ăn mòn của nước ô nhiễm.
Các trạm bơm ở các tuyến kênh Cầu Giát - Thái Lai, Đò Cậy - Tiên Kiều, Cẩm Đông - Phi Xá huyện Cẩm Giàng, kênh KT2 (Sặt - Phủ) huyện Bình Giang, kênh Bá Liễu - Trại Vực huyện Tứ Kỳ, kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng huyện Gia Lộc do nguồn nước ô nhiễm đều bị xuống cấp; trong đó trạm bơm Đò Cậy - Tiên Kiều nhiều khi nằm đắp chiếu do không hoạt động được. Đây đều là các tuyến kênh chính ở các huyện với chiều dài 48,6 km thường xuyên cung cấp nước tưới cho 4.282 ha đất nông nghiệp ở các huyện; trong đó có 3.206 ha nước thường xuyên bị ô nhiễm.
Riêng tuyến Kênh trung thủy nông Đò Cậy - Tiên Kiều với chiều dài trên 8 km, cung cấp nước tưới cho hơn 300 ha đất sản xuất của thị trấn Lai Cách, xã Tân Trường và các khu vực xung quanh ở huyện Cẩm Giàng. Từ nhiều năm nay, do nguồn nước ô nhiễm nên hệ thống thủy nông không thể cung cấp nước đảm bảo chất lượng cho sản xuất. Những ngày xả nước người dân mới lấy được nước cho sản xuất còn ngày thường đây như một con kênh chết.
Ông Nguyễn Hữu Tuệ, Phó Giám đốc Xí nghiệp Khai thác Thủy lợi huyện Cẩm Giàng cho biết, tình trạng nguồn nước tưới thường xuyên bị ô nhiễm, nước có mầu đen, có mùi rất khó chịu. Phần rào chắn rác bằng sắt ở trạm bơm mới được đầu tư một thời gian ngắn đã bị gỉ sét, thủng lỗ chỗ. Do tình trạng ăn mòn của nước ô nhiễm nên nhiều máy bơm thường xuyên bị hỏng ảnh hưởng lớn đến việc tưới cho cây lúa. Người dân đã kiến nghị nhiều lần lên xí nghiệp nhưng do nước quá ô nhiễm nên xí nghiệp cũng không thể bơm nước được.
Bà Phạm Thị Thùy, tổ trưởng sản xuất Trạm bơm An Hóa 2, Thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng đã nhiều năm vận hành trạm bơm cho rằng, những năm gần đây trạm bơm thỉnh thoảng mới hoạt động được và thường xuyên phải đắp chiếu vì các thiết bị đã bị xuống cấp. Thanh chắn rác đã bị gỉ sét không còn chức năng chắn rác. Các máy bơm đã bị xuống cấp, hư hỏng không thể hoạt động được do nguồn nước ô nhiễm gây hư hại.
Ông Đào Văn Đông, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác Công trình Thủy lợi huyện Bình Giang đang quản lý tuyến kênh T2 (Sặt - Phủ) cho rằng, tình trạng nước ô nhiễm do nhiều công ty ở hai bên tuyến kênh thường xuyên thải ra. Do chất lượng nước ô nhiễm gây nên tình trạng ăn mòn máy móc nhanh hơn trước đây.
Theo ông Nguyễn Văn Bột, Tổng Giám đốc Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh Hải Dương, công ty thường xuyên cho tu bổ nạo vét các tuyến kênh trước những vụ sản xuất, nhưng do nguồn kinh phí hạn chế nên nhiều khi công ty phải sửa chữa các trạm bơm luôn phiên không thể làm đồng loạt cùng một lúc được.
Công ty đã phải tận dụng thời gian khi có nước đổ ải từ các hệ thống sông chính vào để cung cấp nước cho sản xuất do thời gian này nước ít ô nhiễm hơn. Nhưng khi nước ít, những tuyến kênh này lại trở thành nơi đọng nước ô nhiễm của các đơn vị xả thải. Công ty đã nhiều lần đề nghị với huyện tăng cường kiểm soát các nguồn thải để hạn chế tình trạng ô nhiễm, hạn chế tình trạng xả rác thải gây ô nhiễm cho dòng kênh. Tuy nhiên trách nhiệm xử lý vi phạm thuộc về chính quyền địa phương nên công ty chỉ mới dừng lại ở mức độ kiến nghị. Vào những thời điểm nước bị ô nhiễm nặng, công ty đã chỉ đạo các xí nghiệp cho đóng cửa các trạm bơm không cho bơm nước ô nhiễm vào sản xuất.
Theo thống kê của Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi Hải Dương, hiện nay ở trên tuyến kênh thường xuyên bị ô nhiễm có gần 10 trạm bơm thường xuyên hoạt động cầm chừng thậm chí dừng hoạt động. Để hạn chế tình trạng ô nhiễm các dòng kênh, người dân không có nước sản xuất cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền địa phương để người dân có nguồn nước sạch sản xuất, đồng thời bảo vệ các công trình thủy lợi trong sản xuất.