Ở Nghệ An, nhiều hộ sản xuất nhỏ, trung bình đang khó tiếp cận được vốn vay phát triển nông nghiệp theo quy mô đầu tư của chủ hộ. Vì vậy, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đã bị bỏ dở, sản xuất cầm chừng, lao động thiếu việc làm.
Anh Nguyễn Đức Nam, xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu chia sẻ: “Gia đình tôi đang đảm nhận chăm sóc và bảo vệ rừng kết hợp làm trang trại. Tôi cũng muốn tăng thêm đàn lợn nái sinh sản, lợn thịt, trâu bò và thả gà đồi. Để được vay vốn ngân hàng, tôi phải thế chấp bìa đất hơn 500 m2, tổng giá trị tài sản đất đai, nhà cửa hơn 400 triệu đồng, nhưng ngân hàng chỉ xét cho vay 20 triệu đồng. Với nguồn vốn ít ỏi này, tôi không thể thực hiện dự án mở rộng kinh doanh”. Tương tự, chị Phan Thị Nữ, xã Hưng Thắng, huyện Hưng Nguyên bày tỏ, gia đình chị muốn đầu tư mở rộng trang trại theo mô hình vườn-ao-chuồng nhưng khó vay vốn vì không có tài sản đảm bảo. Phần lớn vốn đầu tư làm trang trại hiện tại, gia đình chị phải vay ngoài với lãi suất cao.
Trước kia, với người nông dân, tài sản bảo đảm luôn là vấn đề khó khăn khi vay vốn. Tuy nhiên, theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP về “Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”, nông dân có thể vay vốn mà không cần có đảm bảo bằng tài sản. Cụ thể, tại chương II, điều 8 nói rõ: “Đối với các đối tượng khách hàng là cá nhân, gia đình, hộ sản xuất kinh doanh ở nông thôn, các hợp tác xã, chủ trang trại, tổ chức tín dụng được xem xét cho vay không có đảm bảo bằng tài sản theo các mức sau: tối đa đến 50 triệu đồng đối với đối tượng là các cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; tối đa đến 200 triệu đồng đối với các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn; tối đa đến 500 triệu đồng đối với đối tượng là các Hợp tác xã, chủ trang trại”.
Nghị định 41 thực sự là cú hích cho việc phát triển nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, khi thực hiện chủ trương này, ngân hàng chưa đồng hành cùng với đối tượng phát triển nông nghiệp nông thôn. Ông Phan Đức Tiến – Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết: Hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp cũng như các hộ kinh doanh, làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp nông thôn mới được cho vay tối đa là 20 triệu đồng bằng tín chấp. Điều này có nghĩa, các mức vay khác cao hơn đều phải có tài sản thế chấp với ngân hàng.
Với người nông dân, tài sản để bảo đảm vay được vốn chỉ có thể là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi không ít hộ nông dân đang vay vốn từ các chương trình khác. Như vậy, khung tối đa cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đến 50 triệu đồng, 200 triệu đồng và 500 triệu đồng đối với các đối tượng cụ thể trên không được thực hiện. “Trên thực tế, nhu cầu vốn tín dụng của người dân tăng lên thì ngân hàng cũng phải có nguồn tăng mới đáp ứng được. Thế nhưng hiện nay, huy động vốn lãi suất trần chỉ còn 14%/năm, rất khó thu hút người gửi tiền. Đây cũng chính là lý do ngân hàng chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho khu vực nông nghiệp nông thôn”, ông Tiến cho biết thêm.
Chính sách đã ban hành, nhưng để chính sách đi vào cuộc sống thực sự không dễ dàng. Hầu hết người nông dân mong muốn ngành ngân hàng phối hợp với chính quyền địa phương thẩm tra, xét duyệt, đơn giản hóa thủ tục cho người nông dân vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh để giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Bích Huệ