Đây không chỉ là việc khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; là lời kêu gọi các doanh nghiệp thực thi đúng, tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn là cam kết từ phía các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiến tạo một môi trường kinh doanh có sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, lấy người tiêu dùng làm thước đo cho sự phát triển của thị trường.
Còn nhiều hạn chế
Trở thành thông lệ, ngày 15/3 hàng năm đã là "Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam" nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước; tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách và pháp luật.
Cơ sở trồng rau sạch tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội.Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN |
Để cổ vũ cho ngày này, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2017 với chủ đề “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng” tại Quảng trường Nguyễn Huệ, Q1, TP HCM với hơn 500 đại biểu đến từ các cơ quan, ban ngành ở Trung ương, địa phương cùng hàng nghìn người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã kêu gọi sự tham gia của toàn xã hội vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với mục tiêu xây dựng một xã hội phồn vinh, văn minh, một môi trường kinh doanh – tiêu dùng lành mạnh và bền vững. Với riêng các doanh nghiệp, người đứng đầu ngành công thương bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp hãy tự khẳng định mình thông qua việc thực hiện tốt nhất các nghĩa vụ nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, biến những nhu cầu, nguyện vọng của người tiêu dùng thành động lực cạnh tranh và phát triển cho doanh nghiệp.
Tiếp nối sự thành công trong tư vấn, hỗ trợ giải quyết yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng những năm trước, trong năm 2016 Cục Quản lý Cạnh tranh tiếp nhận tổng đài 1800.6838 đã ghi nhận có 6.701 cuộc gọi đến; trong đó các tổng đài viên của Cục đã tiếp nhận và trả lời 4053 cuộc gọi, chiếm tỷ lệ 60,48. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều trường hợp người tiêu dùng nhận thức kém cộng thêm sự lỏng lẻo về quản lý từ phía người tiêu dùng dẫn đến nhiều sự cố đáng tiếc.
Chẳng hạn như khi hỏi về những quyền lợi được hưởng, chị Nguyễn Thùy Linh, nhân viên công ty Sao Hoàng Nam hoàn toàn bất ngờ khi lần đầu tiên được nghe về Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng. Chị Linh còn tỏ ra e dè khi nêu ra hàng loạt vụ việc mua hàng trên mạng bị lừa đảo nhưng lại rất ngại va chạm với cơ quan chức năng.
Đưa ra ví dụ, chị Thùy Linh chia sẻ việc các công ty gửi thông tin thông báo trúng thưởng. Người tiêu dùng nhận được điện thoại hoặc email thông báo về việc trúng thưởng sản phẩm có giá trị. Sau đó, người tiêu dùng được hướng dẫn nộp một khoản tiền nhỏ để phục vụ cho việc nhận thưởng (phí vận chuyển, phí hải quan…) hoặc nộp thêm tiền để đổi sang sản phẩm khác giá trị hơn. Thực tế, khi nhận được hàng, người tiêu dùng phát hiện sản phẩm trúng thưởng chỉ là hàng rẻ tiền, không bằng với giá trị phần tiền nộp thêm. Khi đó, việc liên hệ với bên bán để giải quyết khiếu nại rất khó khăn.
Ngoài ra, còn có những trường hợp bán hàng không đúng như nội dung cam kết qua trang web, chương trình bán hàng trên tivi, facebook. Nhiều trang web bán hàng (tư nhân hoặc trên facebook) lợi dụng việc mua hàng qua mạng đã giao hàng không đúng như thông tin giới thiệu. Việc người tiêu dùng liên hệ với các người bán này rất khó khăn do trang web hoặc trên facebook để rất ít thông tin liên hệ của người bán.
Thừa nhận nguyên nhân chính của việc người tiêu dùng chưa hiểu hết luật và quyền lợi của họ bởi việc tuyên truyền và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn nhiều hạn chế, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh cho rằng, không chỉ đối với Luật Bảo vệ người tiêu dùng mà rất nhiều các luật khác nữa cũng đang bị hạn chế khi áp dụng vào thực tiễn.
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, bản thân những người được hưởng lợi như Luật Bảo vệ người tiêu dùng trước đây, dù đã bước sang năm thứ 6 nhưng đa phần người tiêu dùng vẫn chưa nắm rõ luật và những quyền lợi mà họ được hưởng. Không những thế, một nguyên nhân không nhỏ nữa là những người có quyền giám sát và thực thi luật vẫn chưa thực sự sát sao khiến luật nhiều lúc bị bỏ lửng và tạo tâm lý chán nản, mất niềm tin khi người tiêu dùng nộp đơn khiếu kiện.
Chia sẻ thêm những khó khăn, ông Trịnh Anh Tuấn cho hay, mặc dù người tiêu dùng là đối tượng được pháp luật bảo vệ nhưng đến nay, dù sau một thời gian dài luật đi vào thực tiễn nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Sở dĩ vậy bởi lực lượng thực thi quá mỏng, chế tài xử phạt chưa nghiêm dẫn đến tình trạng "dùi đánh trống thủng". Cùng với đó, do chưa được coi trọng nên việc đầu tư trang thiết bị còn thiếu và sơ sài, quân số tiếp nhận hồ sơ ít ỏi dẫn đến tình trạng luật chưa được triển khai đồng bộ.
Tạo cầu nối
Để quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ một cách tối đa, thời gian qua Bộ Công Thương đã liên tiếp chấm dứt hoạt động của nhiều công ty bán hàng đa cấp cũng như ban hành nhiều văn bản như một công cụ hỗ trợ người tiêu dùng. Ngoài ra, Cục cũng đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử www.vca.gov.vn để giúp người dân tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động tài chính.
Đại diện cho địa phương thực hiện về kế hoạch hành động Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam 2017, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu UBND quận, huyện trên địa bàn thành phố tăng cường phối hợp tốt tuyên truyền và giải quyết yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng theo quy định pháp luật.
Riêng cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cho rằng doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải lấy người tiêu dùng làm gốc, bảo vệ người tiêu dùng cũng chính là bảo vệ doanh nghiệp chân chính. Tuy nhiên, người tiêu dùng thực hiện tốt “quyền lực” tiêu dùng, vai trò “thượng đế” của người tiêu dùng để thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thực hiện tốt trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh huy động các doanh nghiệp trên cả nước tham gia “Chương trình hành động vì người tiêu dùng”. Với tinh thần “Kiến tạo và hành động”, đây là Chương trình do Bộ Công Thương xây dựng và bảo trợ để tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Hoàn toàn miễn phí khi tham gia, các doanh nghiệp sẽ tự chủ động thực hiện các hoạt động hướng đến người tiêu dùng tùy theo tính chất, lĩnh vực hoạt động và đặc điểm riêng của nhóm hàng hóa, dịch vụ cũng như nhóm khách hàng/người tiêu dùng của mình.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Công Thương, đại diện 10 doanh nghiệp tiêu biểu đã cùng ký kết tham gia “Chương trình hành động vì Người tiêu dùng năm 2017”, gồm các doanh nghiệp như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm Sun Resources, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone... với cam kết thực hiện nhiều hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới như: xây dựng tổng đài tiếp nhận phản ánh khiếu nại của người tiêu dùng, thực hiện các chương trình, tháng hành động tri ân người tiêu dùng, tổ chức tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ người tiêu dùng.