Trải qua 2 năm dịch bệnh, thực trạng của doanh nghiệp; trong đó, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân hiện nay ra sao, thưa ông?
Nền kinh tế Việt Nam đã bước qua quý III và sang quý cuối cùng của năm 2022. Thời điểm này chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của nhiều chỉ số kinh tế thành phần với những kết quả tích cực, được bạn bè quốc tế đánh giá cao và xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam cũng được duy trì "ổn định" và "tích cực".
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, GDP tăng cao 13,67% trong quý III, các cân đối lớn được đảm bảo, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh. Đóng góp vào kết quả đáng trân trọng của nền kinh tế có sự chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có sự thay đổi không mấy khả quan, chứng tỏ những vấn đề khó khăn hiện hữu của cộng đồng doanh nghiệp. Nguyên do là vì tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 cũng như những biến động của tình hình địa chính trị và kinh tế thế giới.
Có tới 92% doanh nghiệp; trong đó, 94% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 86% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho biết bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19. Hầu hết doanh nghiệp trong tất cả lĩnh vực ngành nghề và các địa phương đều phải đương đầu với các vấn đề do dịch COVID-19 gây ra, như 60% doanh nghiệp khó tiếp cận với khách hàng, 53% doanh nghiệp gặp vướng mắc do thiếu hụt nhân công, 52% doanh nghiệp bày tỏ bị mất cân đối dòng tiền và 52% doanh nghiệp chia sẻ bị đứt gãy chuỗi cung ứng...
Khảo sát PCI năm qua do VCCI thực hiện cũng cho thấy các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này khiến họ cảm thấy dè dặt hơn khi xây dựng kế hoạch kinh doanh và ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Vậy từ nay tới cuối năm, trước nhiều biến động của tình hình thế giới, khó khăn trong nước, hoạt động của doanh nghiệp có khả quan không, thưa ông?
Ngay từ đầu năm nay, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua gói kích cầu phục hồi và phát triển kinh tế có giá trị gần 350 nghìn tỷ đồng. Đây là năm giảm thuế mạnh nhất từ trước đến nay như giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% cho một số hàng hóa, dịch vụ; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, giảm 37 khoản phí, lệ phí và hỗ trợ lãi suất 2%...
Đây đều là những giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Qua đó, giúp họ giảm gánh nặng chi phí để ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nền tảng và động lực phát triển nền kinh tế. Thực tế sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch, các chính sách sát thực tế, triển khai nhanh, phản ứng chính sách kịp thời thì mới hỗ trợ thực sự cho doanh nghiệp.
Cả nước hiện có hơn 28.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động và chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước; hơn 10.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể và gần 95.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,7%. Nguyên nhân chính dẫn tới nhiều doanh nghiệp rút khỏi cuộc chơi là do thiếu hụt dòng vốn, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng hạn chế... Động thái nới room tín dụng đối với một số ngân hàng thương mại được chỉ định và đối với một số khách hàng doanh nghiệp vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố gần đây đã chứng tỏ sự nhạy bén với thời cuộc và phản ứng kịp thời của các cơ quan quản lý và làm chính sách.
Chính sách điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước sau động thái Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tiếp tục tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động của doanh nghiệp trong nước, thưa ông?
Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành, kéo theo hàng loạt ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới số đông doanh nghiệp. Tuy nhiên, đánh giá cá nhân tôi thì đó vẫn là phản ứng hợp lý, một chính sách điều hành phù hợp để ứng phó với biến động của thị trường tài chính trong nước và quốc tế.
Khi Ngân hàng Nhà nước tăng một loạt lãi suất điều hành đồng nghĩa với việc cơ quan quản lý đã phát đi tín hiệu rằng, chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ không còn nới lỏng để kích thích tăng trưởng kinh tế mà tập trung hơn vào việc ổn định kinh tế vĩ mô. Thời điểm này, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn phải đặt lên hàng đầu và cần được ưu tiên hơn những chỉ tiêu khác. Vì lẽ đó, các doanh nghiệp cũng phải chấp nhận và thích ứng với thay đổi này.
Vậy theo ông, đâu là giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp? Đâu là hướng đi đúng để doanh nghiệp lựa chọn nếu muốn nhanh chóng ổn định hoạt động và phát triển bền vững, bắt kịp xu thế?
Có thể nói "Đạo đức doanh nhân, đạo đức người đứng đầu doanh nghiệp sẽ góp phần định hướng cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững".
Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 nhằm xây dựng doanh nghiệp Việt Nam mạnh cả về số lượng và chất lượng, trở thành lực lượng quan trọng đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế.
Thời gian qua, VCCI cũng đã triển khai nghiên cứu, xây dựng các quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam với sự tham gia của các chuyên gia tư vấn cao cấp, các đơn vị nghiên cứu khoa học và đại diện doanh nhân, doanh nghiệp; cũng như tham khảo nhiều tài liệu, mô hình quốc tế và trong nước. VCCI đã chính thức thông qua bộ "Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam"; trong đó, quy định 6 điều về đạo đức doanh nhân Việt Nam gồm: Tạo giá trị kinh tế cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.
Những doanh nghiệp nào có văn hoá kinh doanh tốt, có sự quan tâm cụ thể, đầy đủ tới người lao động... thì chắc chắn doanh nghiệp ấy sẽ có được nguồn lực mạnh ngay cả khi tài chính có "mỏng" đi trước những áp lực từ bên ngoài.
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gồm năng lực về thị trường sản phẩm dịch vụ, con người gồm lãnh đạo, đội ngũ nhân viên, văn hóa doanh nghiệp và tài chính doanh nghiệp. Khi gắn quản trị công ty với năng lực cạnh tranh thì đây chính là một trong những điểm kết nối các nguồn lực và gia tăng các nguồn lực; đồng thời, cũng chính là nền tảng để doanh nghiệp bứt phá, bắt kịp xu thế trong hội nhập.
Trân trọng cảm ơn ông!