Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas): Biến thách thức thành cơ hội
Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn hậu COVID-19 nhưng thời gian qua, ngành dệt may đã đạt kim ngạch xuất khẩu vượt mục tiêu đề ra. Trong 8 tháng năm 2022, ngành dệt may xuất khẩu ước đạt 30,1 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ, nhập khẩu ước đạt 17,5 tỷ USD. Như vậy, ngành tiếp tục xuất siêu khoảng 12,6 tỷ USD. Đạt được kết quả đó là nhờ ngành dệt may Việt Nam đã vượt qua được những thách thức, thích ứng nhanh, biến thách thức thành cơ hội.
Trước hết, phải nói đến việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ. Đây là cơ sở, pháp lý để mở cửa toàn diện cho các ngành công nghiệp; trong đó có ngành dệt may.
Bên cạnh đó, phải thừa nhận rằng, các doanh nghiệp dệt may đã rất nhanh trong chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, thị trường, chính điều này đã tạo nên động lực vượt khó. Nhờ đó, các đơn hàng xuất khẩu của dệt may Việt Nam tương đối ổn định, đặc biệt giữ được 5 thị trường trọng điểm; trong đó có Mỹ hiện nay đang đứng đầu trong tổng kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam, tiếp theo là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đã có sự đầu tư thiết bị công nghệ, tự động hóa đáp ứng các yêu cầu khách hàng về giao hàng nhanh, đơn hàng khó. Dù trong cao điểm dịch COVID-19, thiếu hụt lao động, nhưng ngành dệt may vẫn giữ được giải pháp công nghệ và quản trị, năng suất lao động đạt được tương đối khá so với những năm trước.
Một thành công nữa là các giải pháp về liên kết chuỗi. Liên tiếp trong thời gian qua, các khó khăn do sức ép thời gian giao hàng ngắn hơn, chi phí vận tải tăng cao, chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc, đứt gãy nguồn cung của thị trường Trung Quốc vào Việt Nam… đã khiến các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ động tìm kiếm nguyên phụ liệu trong nước. Những áp lực này thúc đẩy doanh nghiệp trong nước liên kết chuỗi mạnh hơn, tạo ra sự chủ động cũng như hiệu quả hoạt động tốt hơn.
Ngành dệt may đang tìm kiếm, kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào nguyên phụ liệu, vải, sợi mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải nhập để có sự chủ động cho một chiến lược phát triển ổn định, bền vững từ giai đoạn mục tiêu 2023 trở đi.
Ngoài ra, phải liên kết chuỗi chặt hơn nữa, tăng cường tính hỗ trợ, chia sẻ giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn hàng để làm sao có thể đồng hành cùng nhau trên con đường phát triển.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May10: Không bỏ qua thị phần nội địa
Doanh nghiệp đang tăng tốc mở rộng năng lực sản xuất, không chỉ đáp ứng những đơn hàng xuất khẩu hồi phục mà cả những đơn hàng tăng lên ở thị phần các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Tình hình thị trường nửa đầu năm 2022 tốt hơn năm 2020, 2021, chúng tôi kín đơn hàng truyền thống đến hết Quý II và một số mặt hàng có đơn hàng đến Quý III, IV. Điều này giúp năng lực sản xuất của doanh nghiệp được khôi phục hoàn toàn, thậm chí đơn hàng còn tăng vượt năng lực sản xuất.
Dù vậy, đến đầu quý III và có thể quý IV năm nay, ngành dệt may Việt Nam phải đối mặt với những thách thức rất lớn của lạm phát và sức mua toàn cầu giảm. Đặc biệt, lượng hàng hóa tồn kho của các nước nhập khẩu dẫn đến nhiều đơn hàng truyền thống thế mạnh của Việt Nam bắt đầu giảm. Có những mặt hàng đã giảm cả sang quý I năm 2023.
Khi sức mua toàn cầu giảm thì ngành dệt may Việt Nam buộc phải tìm kiếm một thị trường mới, những mặt hàng mới. Việc chuyển đổi từ mặt hàng chuyên môn hóa trước đây đến mặt hàng không chuyên môn hóa dẫn đến thách thức mới do phải thay thế công nhân, đầu tư thiết bị mới.
Thời gian qua, May 10 đã mở rộng năng lực sản xuất ở Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình. Trong năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu tuyển dụng từ 3.000 - 5.000 lao động cho 3 dự án lớn tại 3 địa phương trên nhằm mở rộng năng lực sản xuất, không chỉ cho những đơn hàng xuất khẩu hồi phục mà cả cho những đơn hàng tăng lên về thị phần ở các FTA.
Bên cạnh xuất khẩu, chiến lược của May 10 trong phát triển thị trường nội địa cũng rất được chú trọng. Tại thị trường nội địa, May 10 tiếp tục tập trung chính vào dòng thời trang công sở. Đồng thời ra mắt thêm dòng sản phẩm thời trang nữ, sản phẩm may đo veston cao cấp, mở rộng thị phần, đặc biệt là chuỗi cửa hàng bán lẻ cả online và offline.
Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đã làm cho giá xăng dầu nguyên liệu tăng mạnh, nhưng May 10 đã nắm bắt tình hình để có nguồn nguyên vật liệu kịp thời phục vụ sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. May 10 sẽ tiếp tục kết nối giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước hình thành chuỗi cung ứng; mở rộng thị trường xuất khẩu; tham gia tích cực tại các tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may để duy trì chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường.
Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty cơ khí chính xác SKD Việt Nam: Cần chính sách hỗ trợ
Với các doanh nghiệp xuất khẩu, mức tăng trưởng hay không phụ thuộc nhiều vào thị trường, tổng cầu trên thế giới. Trong quý IV năm 2021 và 8 tháng năm 2022, kinh tế thế giới phục hồi sau dịch bệnh COVID-19, tăng trưởng tốt, cùng đó là các chính sách kiểm soát dịch bệnh, điều tiết kinh tế vĩ mô, lãi suất, tỷ giá ngân hàng... Doanh nghiệp đã tận dụng những yếu tố này để vươn lên.
Với những yếu tố trên, trong 8 tháng năm 2022, công ty đạt mức tăng trưởng hơn 200%, đây là mức tăng trưởng rất khó đạt được với một doanh nghiệp nhỏ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tạo sự ổn định việc làm cho người lao động.
Đến nay, nhiều quốc gia cũng đã có những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp như lãi suất, vốn và dần mở cửa thị trường. Trong khi đó, ở Việt Nam, điều kiện để doanh nghiệp vay được vốn là không dễ, nhất là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.
Với ngành cơ khí chế tạo nói chung, tỷ lệ nội địa hóa ở các doanh nghiệp FDI chưa cao; khả năng đáp ứng của doanh nghiệp cơ khí, chế tạo Việt Nam còn rất hạn chế. Tuy có doanh nghiệp FDI mong muốn phối hợp với các nhà cung cấp trong nước để giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, nhưng có ít doanh nghiệp có thể đáp ứng được các tiêu chí của doanh nghiệp FDI.
Để hỗ trợ ngành cơ khí cũng như nhiều ngành nghề khác, nhà nước cần có chiến lược phát triển cụ thể, trên cơ sở khai thác các thế mạnh của doanh nghiệp; đồng thời tạo điều kiện thông thoáng hơn giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm lãi suất vay.
Riêng với ngành cơ khí, chế tạo, nhà nước phải đặt chi tiêu công là hộ tiêu thụ lớn. Chi tiêu công của Việt Nam là thị trường lớn, đầy tiềm năng. Có thị trường này, cơ khí Việt Nam sẽ phát triển. Muốn vậy phải ưu tiên sử dụng sản phẩm được tạo ra trong nước trong mua sắm, đầu tư công liên quan đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.
Đồng thời, Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ, sản phẩm mũi nhọn; lựa chọn ngành và lĩnh vực sản phẩm cơ khí để phát triển theo lộ trình.
Bài cuối: Có bản lĩnh sẽ gặt hái thành công