60 doanh nhân sẽ được trao tặng danh hiệu 'Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu' năm 2022

Sáng 6/10, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức họp báo công bố các hoạt động kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và tôn vinh, trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022. 

Chú thích ảnh
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu tại họp báo.

Tại buổi họp báo, VCCI đã công bố chuỗi các hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Trong đó có 2 hoạt động quan trọng là Hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới” và Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” là danh hiệu cao quý quốc gia trao tặng cho các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu. Chương trình đã qua 8 kỳ tổ chức, nhưng năm nay là năm đầu tiên đổi mới toàn diện về nội dung, phương thức và tiêu chí bình xét, hướng tới mục tiêu thông qua vinh danh các tấm gương doanh nhân tiêu biểu để xây dựng cộng đồng doanh nhân Việt Nam vừa có đức, vừa có tài. Đây cũng là năm đầu tiên các tiêu chí về đạo đức doanh nhân, tuân thủ pháp luật, trách nhiệm xã hội trở thành yêu cầu hàng đầu trong xem xét, bình chọn.

Theo ông Phạm Tấn Công, xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh được Đại hội toàn quốc VCCI lần thứ VII xác định là nhiệm vụ đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ 2021-2026. Đạo đức, văn hoá kinh doanh là sức mạnh mềm, là nguồn lực to lớn của mỗi doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp mỗi quốc gia, mỗi địa phương. 

“Sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp các nước có văn hoá kinh doanh cao như Nhật Bản, Đức, Mỹ… luôn chiếm được niềm tin nơi khách hàng và có giá cả cao hơn, đem lại lợi thế lớn cho doanh nghiệp. Văn hoá kinh doanh có 3 tầng, gắn với 3 chủ thể chính là: Doanh nhân, doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp; trong đó doanh nhân là chủ thể có vai trò hạt nhân, là cốt lõi để hình thành văn hoá doanh nghiệp và văn hoá kinh doanh quốc gia. Do đó, trong xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam, cần bắt đầu từ xây dựng từ con người doanh nhân Việt Nam, trong đó đạo đức là gốc, là nền tảng”, ông Phạm Tấn Công khẳng định.

Chia sẻ về chương trình bình xét và trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022”, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng bình xét danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 cho biết, quy trình bình xét năm nay được tổ chức chặt chẽ, công phu thông qua 5 bước và 2 vòng bình xét sơ tuyển và chung tuyển, đồng thời có thêm việc thẩm định thực tế. 

Trên cơ sở phân tích, đánh giá, thảo luận dân chủ, sôi nổi, rất nghiêm túc và đầy trách nhiệm, hội nghị với sự thống nhất cao đã bình chọn được 60 ứng viên đạt danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022, trong đó có 10 người đạt danh hiệu “Doanh nhân tiêu biểu nhất Việt Nam” năm 2022 (TOP 10 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu). Đây là năm đầu tiên trong bình xét danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” có vinh danh TOP10 doanh nhân tiêu biểu nhất, tổng hợp doanh nghiệp của các doanh nhân TOP10 trung bình hàng năm nộp ngân sách nhà nước trên 24 nghìn tỷ đồng, có doanh thu trên 140 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 94 nghìn lao động trực tiếp. 

Cũng theo ông Hoàng Quang Phòng, tất cả 60 doanh nhân được tôn vinh đều có quá trình lập nghiệp đáng ngưỡng mộ, thể hiện bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo vượt khó, tinh thần tự hào dân tộc. Người lớn tuổi nhất sinh năm 1940 (82 tuổi), người trẻ tuổi nhất sinh năm 1988 (34 tuổi), có 15 doanh nhân nữ, chiếm 25%. 

Để truyền cảm hứng và nhân rộng các gương “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”, VCCI sẽ cho xuất bản bộ sách những câu chuyện hay về các doanh nhân tiêu biểu, qua đó vừa khuyến khích các doanh nhân khác và thế hệ trẻ noi theo, vừa góp phần từng bước xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh Việt Nam qua những tấm gương thực tế.

Tại buổi họp báo, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Le Bros cũng giới thiệu về biểu trưng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022. Theo đó, năm nay sẽ có biểu trưng mới, lấy cảm hứng từ vương miện của vua Hùng, thể hiện tinh thần tự hào dân tộc, lòng yêu nước và ý chí vươn lên của doanh nhân Việt Nam. Biểu trưng có 6 cánh biểu tượng cho 6 tiêu chuẩn Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam do VCCI công bố là tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

Dự kiến sáng 12/10, Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 sẽ diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước. 

Thu Trang/Báo Tin tức
Phát huy vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong phát triển đất nước
Phát huy vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong phát triển đất nước

Chiều 16/9, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đã làm việc với Thành ủy Cần Thơ về khảo sát, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2021 của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN