Ngành vận tải biển Indonesia thua lỗ gần 822 triệu USD

Một nghiên cứu của Viện Công nghệ ITS ở thành phố Surabaya cho thấy ngành vận tải biển của Indonesia đã ghi nhận khoản lỗ 12.200 tỷ rupiah (821,9 triệu USD) trong nửa đầu năm nay do nhu cầu đi lại của hành khách sụt giảm xuống trong bối cảnh chính phủ áp đặt các lệnh hạn chế nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Yogyakarta, Indonesia ngày 10/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Nghiên cứu của ITS đánh giá các tác động đối với lĩnh vực vận tải biển từ lệnh cấm người dân trở về quê (mudik) trong khoảng thời gian từ 24/4 đến 1/6 trong kỳ nghỉ lễ xả chay Idul Fitri. Lệnh cấm này do Bộ Giao thông Vận tải áp đặt như một phần trong các các nỗ lực của Chính phủ Indonesia nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Các thiệt hại trên bao gồm khoản thất thu 862 tỷ rupiah của công ty vận tải nhà nước PT Pelni và 44 tỷ rupiah của các công ty phà hoạt động giữa các hòn đảo như tuyến phà Merak-Bakauheni kết nối giữa các tỉnh Banten và Lampung, tuyến phà Ketapang-Gilimanuk giữa tỉnh Đông Java và tỉnh Bali.

Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức tuần qua, Viện trưởng ITS, ông Mochamad Ashari, cho biết lĩnh vực vận tải biển đã ghi nhận sự sụt giảm mạnh về lượng hành khách trong thời gian đại dịch, nhất là trên tuyến Merak-Bakauheni với lượng sụt giảm lên tới 80-95%.

Theo Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS), sự sụt giảm trong các hoạt động kinh doanh của ngành giao thông vận tải trong quý II vừa qua đã góp phần kéo giảm 5,32% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) so với cùng kỳ năm trước. Số liệu của BPS cũng cho thấy lĩnh vực vận tải và kho bãi sụt giảm tới 30,84%, trong khi hoạt động vận tải biển giảm 17,48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhà nghiên cứu Ardi Adji của ITS đánh giá rằng sự sụt giảm của lĩnh vực vận tải biển đã gây tác động đến các nền kinh tế địa phương, trong đó tỉnh Bali chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo ông Ardi, Bali phụ thuộc rất lớn vào lĩnh vực du lịch và lượng khách du lịch bằng đường biển. Do đó, sự sụt giảm trong lĩnh vực này đã khiến GDP của hòn đảo này thiệt hại tới 824 tỷ rupiah. Ông Ardi đề nghị Chính phủ cung cấp các biện pháp hỗ trợ tài chính như hỗ trợ lãi suất và hoãn nợ dành cho các hãng tàu nhằm giảm bớt tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng COVID-19.

Về phần mình, bà Carmelita Hartoto, Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Indonesia (INSA), cho biết hiện Chính phủ vẫn chưa phản hồi đề nghị của Hiệp hội này về việc miễn giảm thuế, đồng thời nói thêm rằng các doanh nghiệp thành viên của INSA khó có thể duy trì hoạt động nếu nền kinh tế tiếp tục đi xuống, dẫn đến làn sóng sa thải lao động hàng loạt.

Cũng phát biểu tại hội thảo trên, ông Erick Thohir, Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước kiêm Chủ tịch Ủy ban xử lý COVID-19 và phục hồi kinh tế quốc gia, cam kết rằng Chính phủ sẽ duy trì các gói kích thích tới năm sau nhằm thúc đẩy nền kinh tế.

Trước đó, Chính phủ Indonesia đã phân bổ 695.200 tỷ rupiah nhằm kích thích nền kinh tế, tập trung vào các chương trình chăm sóc y tế, bảo trợ xã hội và phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, 6 tháng sau khi đại dịch bùng phát, hiện gói ngân sách này mới chỉ giải ngân được 34,1%, tương đương với 237.000 tỷ rupiah.

Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Jakarta)
COVID-19 tại ASEAN hết 19/9: Toàn khối vượt 600.000 ca bệnh; Indonesia có số ca mắc cao kỷ lục trong ngày
COVID-19 tại ASEAN hết 19/9: Toàn khối vượt 600.000 ca bệnh; Indonesia có số ca mắc cao kỷ lục trong ngày

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 19/9, 5 quốc gia ASEAN ghi nhận 8.307 ca mắc và 225 ca tử vong, nâng tổng số người mắc COVID-19 tại ASEAN từ đầu dịch lên trên 600.000 ca, trong đó 14.713 người tử vong. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN