Ngoài những giải pháp về công nghệ; rà soát thủ tục hành chính thuế, ngành tập trung tới đào tạo nguồn nhân lực bởi theo đánh giá của ngành thuế đây là một trong những yếu tố quan trọng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tư vấn cho người nộp thuế tại bàn bàn phụ trách hoàn thuế Cục Thuế Hà Nội tại Giảng Võ, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
|
Giải pháp được đưa ra là nâng chất lượng nguồn công chức theo hướng tuyển dụng nhân lực chất lượng cao như tốt nghiệp thủ khoa các trường đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Đại học Bách khoa và tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc của các trường Đại học trong top 500 trường đại học hàng đầu thế giới.
Bên cạnh đó, ngành thuế nâng dần điều kiện về ngoại ngữ, tin học đảm bảo đáp ứng yêu cầu công việc thời kỳ hội nhập kinh tế.
Song song đó, cơ quan thuế bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ đối với công chức làm việc tại 4 chức năng quản lý thuế chính: tuyên truyền - hỗ trợ người nộp thuế; thanh tra, kiểm tra thuế; quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; kê khai và kế toán thuế.
Nội dung bồi dưỡng tập trung vào kỹ năng quản lý thuế như: chống chuyển giá, quản lý rủi ro; tập huấn quy trình nghiệp vụ khi được sửa đổi, bổ sung phục vụ cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh theo Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 và Nghị quyết số 35/NQ-NQ của Chính phủ. Kiến thức pháp luật và hội nhập quốc tế cũng sẽ được bồi dưỡng cho công chức, viên chức làm việc ở lĩnh vực liên quan.
Năm 2017, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) do ngành quản lý được giao là 968.580 tỷ đồng; trong đó thu từ dầu thô là 38.300 tỷ đồng; thu nội địa là 930.280 tỷ đồng.
Để đạt được nhiệm vụ được giao, bên cạnh những giải pháp về nhân lực, Tổng cục Thuế nâng chất lượng công tác phân tích dự báo; đảm bảo thực chất vai trò tham mưu, tổng hợp trong công tác chỉ đạo điều hành của thủ trưởng, cơ quan thuế các cấp. Bên cạnh đó, chủ động rà soát để đề xuất với UBND các tỉnh, thành phố giải pháp tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.