Ngành tài chính vượt thu trong khó khăn

Báo cáo tại hội nghị hội nghị Tổng kết công tác tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2014, triển khai nhiệm vụ tài chính, ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015 tổ chức ngày 24/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, nhưng toàn ngành Tài chính đã tích cực tổ chức điều hành thu - chi ngân sách chặt chẽ, góp phần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, phát triển doanh nghiệp.

Thu vượt dự toán


Tính đến hết ngày 22/12, tổng thu ngân sách Nhà nước là 831,19 nghìn tỷ đồng, đạt 106,2% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 105% dự toán thu từ dầu thô đạt 118,4% dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 104,5% dự toán. Ước tính cả năm thu ngân sách Nhà nước đảm bảo mức đánh giá đã báo cáo Quốc hội là 846,4 nghìn tỷ đồng. Hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao.

Bộ Tài chính cho biết, nguồn vượt thu NSNN dành 10 nghìn tỷ đồng chuyển nguồn sang 2015 thực hiện chính sách tiền lương, phần còn lại tập trung thanh toán nợ và tăng chi trả nợ của NSNN. Bên cạnh đó, chi NSNN được quản lý, điều hành chặt chẽ, kịp thời xử lý các nhiệm vụ cấp thiết phát sinh về khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh an sinh xã hội được đảm bảo. Điều hành bội chi trong phạm vi Quốc hội quyết định là 224 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,3% GDP.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, những cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính thuế, hải quan, đã rút ngắn được 290 giờ nộp thuế (từ 537 giờ xuống còn 247 giờ), đã tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Công tác quản lý, điều hành giá đảm bảo theo đúng định hướng thị trường, góp phần tích cực thực hiện kiềm chế lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, lạm phát bình quân cả năm trên 4%. Quản lý nợ công có nhiều chuyển biến tích cực, an ninh tài chính quốc gia được đảm bảo. Các thị trường tài chính, thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng tích cực. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước có bước chuyển biến, việc thoái vốn đầu tư được đẩy mạnh hơn.

Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính-ngân sách năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015. Ảnh: Phạm Hậu-TTXVN


Tính đến tháng 11/2014, đã có 90/108 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước được cấp thẩm quyền phê duyệt đề án tái cơ cấu. Trong 11 tháng năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 177 doanh nghiệp (trong đó: cổ phần hóa 115 doanh nghiệp, sáp nhập 62 doanh nghiệp). Việc thoái vốn đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư) cũng đạt những kết quả khả quan, với tổng vốn đầu tư đã thoái trong 10 tháng năm 2014 là 2.415 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2013.

“Tuy bước đầu đã đạt được kết quả nhất định, song tiến độ thoái vốn và cổ phần hóa vẫn chậm", Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng chỉ rõ những mặt hạn chế, tồn tại, cần phải tập trung khắc phục như thất thu ngân sách còn nhiều, vẫn còn xảy ra vi phạm trong hoàn thuế giá trị gia tăng, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi, khó kiểm soát...

Riêng về số nợ thuế của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tính tới cuối năm nay tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2013 và hiện ở ngưỡng khoảng 71.000 tỷ đồng. Từ đầu năm tới nay, ngành thuế đã đôn đốc thu hồi nợ và hiện đã thu được số nợ thuế khoảng 30.000 tỷ đồng và ngành hải quan thu được 1.785 tỷ đồng. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá những kết quả trên là quyết liệt nhưng số nợ tính tới hiện tại vẫn cao hơn so với khoảng 61.000 tỷ đồng nợ thuế cuối năm 2013.

Nguyên nhân của số nợ đọng thuế tăng cao, lãnh đạo ngành tài chính cho biết là do tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, tồn kho lớn, ảnh hưởng tới hoạt động và tài chính của các doanh nghiệp. Những khó khăn ấy cũng đẩy doanh nghiệp vào cảnh phải nợ thuế. Về giải pháp trong thời gian tới, báo cáo của ngành tài chính nhấn mạnh việc giao chỉ tiêu thu nợ hàng tháng cho từng bộ phận, từng cán bộ để phân tích, đánh giá và đề xuất các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Ngoài ra, sẽ rà soát danh sách người nộp thuế cố tình chây ỳ hoặc không còn hoạt động kinh doanh tại địa điểm đăng ký để phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục đổi mới thể chế và quản lý tốt thu NSNN

Năm 2015, ngành tài chính phấn đấu hoàn thành dự toán thu cân đối NSNN là 911,1 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 18,9%GDP. Theo lộ trình, cần giảm dần bội chi NSNN, đạt mức 4,5% GDP vào năm 2015 (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ). Tuy nhiên, do khả năng cân đối NSNN năm 2015 rất khó khăn, trong khi vẫn phải bố trí tăng chi đảm bảo các nhiệm vụ quan trọng cấp bách nên Quốc hội đã thông qua mức bội chi năm 2015 tương đương 5% GDP. 

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính NSNN năm 2015, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, ưu tiên số một là tập trung quyết liệt công tác thu NSNN. Bên cạnh đó, tiếp tục quản lý chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí cả trong chi thường xuyên và đầu tư tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, bảo đảm khả năng trả nợ. Trong công tác quản lý giá cả thị trường, tiếp tục quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ các loại hình thị trường.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho việc tái cơ cấu, nhất là cổ phần hoá, xác định giá trị doanh nghiệp, thoái vốn, xử lý công nợ, phá sản, giải quyết lao động dôi dư xây dựng và hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật về thuế, hải quan, ngân sách, quản lý tài chính doanh nghiệp, thị trường vốn, thị trường chứng khoán, dịch vụ kế toán, kiểm toán nhằm mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, gắn với tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển đồng bộ thị trường vốn tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, công khai, minh bạch.

Đồng thời, ngành tài chính sẽ tiếp tục tập trung triển khai xây dựng kế hoạch tài chính NSNN năm năm giai đoạn 2016-2020 , bám sát mục tiêu Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, phù hợp với tình hình thực tế và cam kết hội nhập, đảm bảo minh bạch, đơn giản, góp phần tạo môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư, đồng thời hạn chế các tác động tiêu cực của việc hội nhập. Đẩy mạnh việc cơ cấu lại ngân sách, triệt để tiết kiệm chi rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ, chương trình, dự án đầu tư để phân bổ tập trung, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong điều hành giá trong dịp tết Nguyên đán Ất Mùi, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh trước và sau Tết diễn ra bình thường. Theo dõi chặt chẽ tình hình biến động giá cả, thị trường, kiểm soát giá trong dịp Tết, đảm bảo cung cầu các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo nguồn cân đối ngân sách các cấp.


Thùy Dương (TTXVN)



Nhiều giải pháp chống thất thu ngân sách
Nhiều giải pháp chống thất thu ngân sách

Lãnh đạo Bộ Tài chính và các chuyên gia kinh tế đang đưa ra các giải pháp quyết liệt nhằm đảm bảo kế hoạch thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015 trước diễn biến giá dầu thế giới liên tục sụt giảm đồng nghĩa với khả năng thất thu cao từ việc xuất khẩu dầu thô của Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN