Theo Cục Thủy lợi, tại khu vực Bắc Bộ, hiện dung tích bình quân của các hồ thủy lợi đạt từ 80 - 96% dung tích thiết kế. Một số hồ chứa đang vận hành xả tràn như: hồ Tràng Vinh với lưu lượng xả 20 m3/s; Hồ Yên Lập là 30 m3/s (Quảng Ninh). Hiện khu vực này cũng đang có 129 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp nặng; 26 hồ chứa đang thi công.
Tại khu vực Bắc Trung Bộ, các hồ thủy lợi đạt từ 46 - 65% dung tích thiết kế. Hồ Tả Trạch (Thừa Thiên Huế) đang vận hành xả tràn với lưu lượng 20 m3/s. Khu vực này cũng có 145 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp nặng; 52 hồ chứa đang thi công.
Với các hồ chứa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, hồ Cửa Đạt đạt 57% dung tích thiết kế; hồ còn 839,28 triệu m3 để trữ lũ; hồ Ngàn Trươi đạt 21% dung tích thiết kế; hồ còn 615,09 triệu m3 để trữ lũ; hồ Tả Trạch đạt 18% dung tích thiết kế; hồ còn 674,67 triệu m3 để trữ lũ.
Trước tình hình trên, Cục Thủy lợi đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; các đơn vị khai thác công trình thủy lợi; ban quản lý các dự án theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo của cơ quan chuyên ngành và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền để thực hiện phương án bảo đảm an toàn, vận hành công trình thủy lợi tiêu nước phục vụ chống úng, ngập...
Các địa phương rà soát, khoanh vùng cụ thể diện tích cây trồng có nguy cơ bị ngập lụt, úng để có phương án tiêu úng cụ thể, phù hợp với đặc điểm địa hình, tình hình mưa và năng lực công trình tiêu úng.
Địa phương xác định công trình trọng điểm, nguy cơ xảy ra sự cố khi có mưa lớn để chủ động triển khai phương án ứng phó với mưa lớn, bảo đảm an toàn công trình; đặc biệt quan tâm an toàn các hồ thủy lợi đang thi công, hồ thủy lợi xung yếu; đối với hồ thủy lợi xung yếu, không đảm bảo an toàn cần xem xét không tích nước.
Các đơn vị vận hành các hồ chứa nước theo quy trình vận hành được phê duyệt; các hồ chứa có cửa van xả lũ, thực hiện điều chỉnh mực nước hồ để chủ động đón lũ, bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và không xả lũ bất thường gây mất an toàn cho vùng hạ du; đồng thời thực hiện tích nước hợp lý đối với các hồ chứa đang có dung tích trữ thấp. Địa phương thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Cục Trồng trọt cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố phía Bắc tập trung tập trung máy móc thiết bị và con người nhanh chóng thu hoạch lúa đã đến thời kỳ thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra.
Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương chỉ đạo tiêu nước đệm trên hệ thống sông trục và kênh mương nội đồng; khoanh vùng có nguy cơ mưa lũ lớn, lũ quét để có các phương án xử lý nhanh. Sở huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, kiểm tra tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu đảm bảo tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng.
Các địa phương lập phương án ứng phó với mưa lũ lớn, huy động tối đa mọi phương tiện máy bơm điện, bơm dầu để bơm cưỡng bức kết hợp với tháo nước nhanh khi triều xuống. Ưu tiên bơm tiêu nhanh cho những diện tích bị ngập úng nặng, nhất là các địa phương bị ảnh hưởng của việc xây dựng các công trình giao thông, đô thị, khu công nghiệp trên đất lúa, hệ thống thủy lợi bị phá vỡ, thường gây ngập úng lâu ngày khi có mưa lớn.
Các đối tượng dịch hại gây hại, đặc biệt sự bùng phát của sâu bệnh hại như: rầy nâu, sâu sâu đục thân, bệnh bạc lá... sau bão có thể gia tăng, các địa phương cần dự tính, dự báo để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của sâu bệnh hại gây ra.
Đối với rau màu, vùng rau màu, chuyên màu khuyến cáo với diện tích rau, màu đã đến thời kỳ thu hoạch tập trung nhanh chóng thu hoạch; khơi thông, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng. Sau khi nước rút cần vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng... cho cây nhanh phục hồi; khi đất khô ráo cần xới vun kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK... Địa phương chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau.
Đối với cây ăn quả, những diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch đề nghị tập trung thu hoạch sớm; cắt tỉa bớt để cây được thông thoáng; xẻ mương, rãnh tiêu thoát nước, tránh gây ngập úng cục bộ vườn cây.
Với các tàu thuyền trên biển, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai chuyên ngành thủy sản đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi kêu gọi tàu cá đang hoạt động trên biển trong vùng ảnh hưởng của bão số 3 di chuyển khỏi khu vực dự kiến bão đi qua, chủ động đưa tàu cá về neo đậu tại các khu neo đậu tránh trú bão. Các tàu cá đang hoạt động trên các vùng biển chịu ảnh hưởng của bão số 3 và các khu vực có thời tiết xấu phải thường xuyên liên lạc về các trạm bờ và các đài thông tin duyên hải để nắm thông tin về thời tiết tại khu vực tàu cá đang hoạt động.
Các địa phương kiên quyết sơ tán người dân trên các tàu cá tại khu neo đậu, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào bờ.
Cục Thủy sản đề nghị cơ sở nuôi trồng thủy sản hoạch thủy sản nuôi đến kỳ thu hoạch hoặc thu tỉa tại các khu vực chịu ảnh hưởng của mưa, bão; khẩn trương gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tài sản người dân.