Chế biến cá tra xuất khẩu tại Nhà máy chế biến đông lạnh cá tra, công suất 600 tấn/ngày của Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Đa Quốc gia (IDI), thuộc Sao Mai Group. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Tốc độ tăng trưởng ngành đạt 2,94%, vượt mục tiêu so với Chính phủ đề ra là 2,84%. Về mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản, Chính phủ đề ra là 32-33 tỷ USD, ngành đã đạt con số 36,37 tỷ USD, vượt tới hơn 4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và thặng dư tuyệt đối của ngành đạt 8,55 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.
Cùng với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng mục tiêu nông thôn mới đã đạt 2.884 xã, đạt 32,3% - vượt kế hoạch được giao là 31%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,45%, số vụ vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng giảm 23% và thiệt hại do phá rừng, cháy rừng giảm 68% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2017 được ghi nhận là một năm có nhiều biến động về thời tiết với 16 cơn bão, 4 cơn áp thấp, cùng với đó là mưa lớn, lũ ống, lũ quét... xảy ra trên diện rộng ở khắp các vùng miền của cả nước. Nếu như năm 2016 tổng thiệt hại do thiên tai là 39.000 tỷ đồng thì năm 2017, mặc dù chưa thống kê đầy đủ tổng mức thiệt hại đã lên tới gần 60.000 tỷ đồng, cho thấy mức độ khốc liệt và khó khăn do thử thách của thiên tai.
“Nếu không tính thiệt hại do cơn bão số 10, số 12, thì ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có khả năng sẽ đạt tăng trưởng 3,1%”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho hay.
Vượt lên tất cả những khó khăn, thách thức đó, cả hệ thống chính trị và các bộ, ngành, các cấp, các tỉnh, thành phố đã vào cuộc ráo riết, quyết liệt, tập trung để thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, thích ứng với thị trường.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, việc đạt và vượt các chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra trong một năm đầy thử thách về thiên tai, thị trường đã bước đầu khẳng định ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang đi đúng hướng trong quá trình cơ cấu lại ngành gắn với xây dựng nông thôn mới.
Năm 2017 cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc xoay trục phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực, xác định những ngành hàng có lợi thế. Trước đây, chúng ta coi trọng sản xuất lúa gạo là hàng đầu, nhưng nay chuyển sang ưu tiên phát triển những ngành hàng có giá trị cao như thủy sản, rau quả, đồ gỗ...
Nông dân tại các huyện Bắc Cà Mau thu hoạch lúa. Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN |
“Tái cơ cấu sản xuất đã đạt được hiệu quả, thiết thực hơn, góp phần tăng trưởng giá trị ngành”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Với hướng đi đó, trong năm 2017 ngành đã xác lập nhiều dấu mốc kỷ lục mới: xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên cán mốc 8,4 tỷ USD, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 8 tỷ USD.
Năm 2017, các mô hình phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng tăng cao. Đã có trên 1.400 hợp tác xã, 1.000 tổ hợp tác được thành lập, nâng tổng số hợp tác xã trong ngành lên trên 12.200 hợp tác xã, trong đó trên 30% hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
Đặc biệt, cùng với xu hướng doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế, doanh nghiệp đầu tư vào ngành cũng có nhiều tiến bộ thực sự. Năm 2017, đã có gần 2.000 doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, tăng 3,8% so với năm 2016, nâng số doanh nghiệp hoạt động trong ngành lên trên 5.600 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính.
Trong năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chọn là Năm cao điểm hành động về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Các vấn đề an toàn thực phẩm đang được kiểm soát khá chặt chẽ, đặc biệt là các vấn đề nổi cộm như sử dụng tràn lan hoá chất, kháng sinh và chất cấm trong chăn nuôi. Trong năm, kết quả kiểm tra trên cả nước không phát hiện chất cấm salbutamol.
Cùng với đó, tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm về chỉ tiêu kháng sinh là 0,63% (21/3341 mẫu), giảm gần 3 lần so với năm 2016. Tỷ lệ mẫu thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản vi phạm chỉ tiêu hoá chất, kháng sinh là 0,89%. Tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng bảo vệ thực vật cũng giảm xuống chỉ còn 0,6% thay vì 2,05% (năm 2016).
Tính đến thời điểm hiện nay, trên phạm vi toàn quốc đã xây dựng thành công 744 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm và thuỷ sản an toàn. Trong năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp quyết liệt đảm bảo an toàn thực phẩm nhóm thực phẩm tươi sống, đối tượng sản xuất kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ; trọng tâm là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông, lâm, thủy sản.
Để triển khai cơ cấu lại ngành hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ cả 3 khâu: thứ nhất, phát triển nguyên liệu tập trung theo lợi thế từng vùng miền để lựa chọn đối tượng sản xuất; thứ hai, đi sâu hơn vào chế biến; thứ ba là mở rộng thị trường, nhất là những thị trường mới, có tiềm năng.