Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều 5/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn tác động đến thị trường nông sản, nhưng đến nay ngành nông nghiệp vẫn đạt các chỉ tiêu quan trọng. Ngành vẫn bám đuổi để về đích, đạt mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 50 tỷ USD như Chính phủ giao.
Qua 8 tháng, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Toàn ngành tiếp tục duy trì tăng trưởng, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm, góp phần bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Ngành nông nghiệp cũng ghi nhận 7 nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, toàn ngành tiếp tục tái cơ cấu và ngày càng đi vào chiều sâu. Đó là tư duy kinh tế nông nghiệp đã bắt rễ vào trong sản xuất. Điều đó được thể hiện ở việc trước đây người sản xuất mang ra thị trường những gì mình có, nay đang chuyển sang bán cái thị trường cần.
“Từ nay đến cuối năm, chuẩn bị bước vào mùa mưa bão; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bùng phát, ảnh hưởng đến sản xuất nông, lâm, thủy sản nên toàn ngành phải tăng cường phòng chống thiên tai, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, thị trường thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị, nhất là nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng sẽ tác động đến thị trường hàng hóa trong nước; chi phí vận chuyển tăng mạnh. Một số quốc gia thắt chặt tín dụng do lạm phát; Trung Quốc gia tăng kiểm soát hàng hóa; những cáo buộc gian lận xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu… cũng đang trở thành những thách thức đối với xuất khẩu nông sản nói chung, nhất là đối với gỗ và đồ gỗ Việt Nam.
Về tốc độ tăng trưởng trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm so với cùng kỳ năm ngoái, ông Trần Quang Bảo - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, ngoài nguyên nhân xung đột Nga-Ukraine còn do 2 năm vừa qua dịch COVID-19 khiến lượng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu đồ gỗ Việt Nam cao nên giảm nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ đang cắt giảm lượng lao động và chưa có đơn hàng năm 2023. Các doanh nghiệp cũng lường trước khó khăn. Các hiệp hội và doanh nghiệp cũng đang cố gắng tìm kiếm thị trường mới, tăng cường tiêu thụ đồ gỗ nội địa.
Tuy nhiên, xuất khẩu viên nén làm chất đốt có giá tăng khá cao từ 150 - 200%, đặc biệt là ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc... nên sẽ bù đắp phần nào cho xuất khẩu. Dự kiến các tháng cuối năm với tốc độ tăng trưởng như tháng 8 thì mỗi tháng cuối năm sẽ đạt 1,3 tỷ USD, cả năm 2022 sẽ đạt 16,3 tỷ USD, ông Trần Quang Bảo cho hay.
Về sản xuất, xuất khẩu thủy sản, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, qua 8 tháng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã đạt 7,59 tỷ USD. Với đà tăng trưởng như hiện nay, nếu mỗi tháng xuất khẩu đạt từ 800 - 900 triệu USD thì chắc chắn đến cuối năm sẽ đạt mục tiêu. Nếu thuận lợi, xuất khẩu thủy sản có khả năng đạt 10 tỷ USD.
Trước tình trạng một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đến vụ thu hoạch lúa Hè Thu nhưng thiếu hoặc không đủ xăng dầu cung cấp cho các máy gặt nên nông dân không thu hoạch kịp thời thời vụ, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, việc này đã ảnh hưởng đến vận hành máy móc thu mua, cũng như thu hoạch lúa ở cục bộ một vài địa phương; đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất lúa gạo.
Theo ông Nguyễn Như Cường, với việc tăng giá dầu tiếp tục ở mức cao dự báo tình trạng trên sẽ còn xảy ra ở một số địa phương. Do đó, ông Cường đề nghị Bộ Công Thương có các cuộc kiểm tra, chỉ đạo… nhằm đảm bảo năng lượng, nguồn nhiên liệu cho sản xuất nông nghiệp.
“Các địa phương có lúa sắp có lúa thu hoạch cũng cần có sự rà soát đánh giá và lên kế hoạch chuẩn bị, điều tiết xăng đầu, để đáp ứng đủ nhu cầu nhiên liệu cho thu hoạch lúa đúng thời vụ, tránh việc lúa chín không thu hoạch được, gây thất thoát trong sản xuất”, ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.