Ngành mía đường tìm hướng đi mới 'nhỡn tiền'- Bài 2

Ngành mía đường Việt Nam từ rất lâu đã bộc lộ rất nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến “vận mệnh” của ngành. Tuy nhiên, có thể nói, chưa bao giờ những khó khăn nội tại của ngành lại trở nên bức xúc như giai đoạn hiện nay.


Tồn kho lớn


Theo số liệu khảo sát của Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), lượng đường làm từ mía do nông dân Việt Nam trồng trong nước đã cung cấp thừa so với nhu cầu tiêu dùng trong nước. Cụ thể, niên vụ 2012-2013, lượng đường dư thừa lên tới 400.000 tấn và dự kiến niên vụ 2013-2014, lượng dư thừa sẽ lên đến 600.000 tấn.


Các nhà máy đường đang đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: Cao Nguyên – TTXVN


Trong khi đó, ngành mía đường trong nước đang thua thiệt trăm bề so với nhiều nước trên thế giới như về năng suất, sản lượng, chất lượng… dẫn đến chi phí, giá thành cao, yếu thế trong cạnh tranh trên thị trường. Tại các quốc gia đứng đầu về sản xuất đường như Brazil, Ấn Độ, Thái Lan.., giá mía mua vào chỉ ở mức 30 - 35 USD/tấn với chất lượng mía cao, thì các nhà máy chế biến đường ở Việt Nam phải chấp nhận mua mía với giá từ 45 - 50 USD/ tấn với chất lượng mía thấp hơn. Hiện giá đường cát trên thị trường trong nước đã giảm, dao động ở mức khoảng 15.000 - 16.000 đồng/kg.


Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA, đây là mức giá chỉ đảm bảo cho các doanh nghiệp sản xuất từ hòa vốn đến lỗ nhẹ. Đã bước sang năm mới 2014, đồng nghĩa với mùa vụ làm ăn “nóng sốt” nhất của đường nhưng hiện sức tiêu thụ mặt hàng này tăng ít. Lượng đường tồn kho cao khiến hàng loạt nhà máy lâm vào cảnh khốn đốn và sản xuất dè chừng.


Năm 2013 vừa qua, để tồn tại trong khó khăn, các doanh nghiệp đường đã phải vất vả xuất khẩu, bán tháo đường sang Trung Quốc và hiện tại đây là lối thoát duy nhất cho lượng đường thừa trong nước. Trong nỗ lực giúp các doanh nghiệp giải tỏa phần nào lượng đường tồn kho, Bộ Công Thương đã đồng ý cho các doanh nghiệp xuất khẩu cả đường tinh luyện RE sang thị trường Trung Quốc.


“Niên vụ mía 2013, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vào vụ muộn hơn khoảng 2 tháng so với mọi năm do không có lũ sớm nên đường đang tồn nhiều. Ngoài ra, chưa kể đường nhập lậu đang hoành hành ở biên giới phía nam với số lượng lên đến hơn 500.000 tấn/năm. Đã sang năm mới, nhưng chúng tôi vẫn ăn không ngon ngủ không yên vì nhiều doanh nghiệp sản xuất không tiêu thụ hết lượng đường tồn kho”, ông Long nói thêm.


Chưa có vùng nguyên liệu đủ chất lượng


Theo các chuyên gia trong ngành, nguyên nhân của việc tồn kho đường lớn là do ngành đường đang phải chịu sức ép từ hai nguồn cung đường không chính thống là đường nhập lậu qua biên giới Tây Nam và đường tạm nhập nhưng không tái xuất.


Chủ tịch Hiệp hội mía đường cũng cho hay, ngành mía đường Việt Nam đang bị cạnh tranh khốc liệt do đường nhập lậu, trốn thuế cũng như đường tạm nhập nhưng không tái xuất vẫn diễn ra ngày càng công khai với quy mô ngày càng lớn hơn.


Theo các chuyên gia mía đường, hiện giá thành sản xuất mía trung bình của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước và gấp từ 2-3 lần so với giá mía Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào. Trung bình, mỗi vụ, nông dân thu khoảng 15-20 triệu đồng/ha/vụ 10 tháng. Như vậy, người trồng mía chỉ có thu nhập chưa tới 2 triệu đồng/ha/tháng, thấp hơn nhiều so với các loại cây trồng khác.


Xét cho cùng, nguyên nhân khiến cho người trồng mía vất vả quanh năm mà thu nhập thấp là do Việt Nam chưa có nơi nào tập trung sản xuất lớn, hoàn toàn được cơ giới hóa, hiện đại. Thực tế này khiến năng suất, chất lượng mía thấp và giá thành cao.


Tiến sĩ Hà Hữu Phái, Trưởng Văn phòng Hiệp hội mía đường Việt Nam tại Hà Nội, để nâng cao năng suất và chất lượng mía, ngành nông nghiệp phải thực hiện việc dồn điền đổi thửa, phải đầu tư nhiều máy móc (nhất là phải có những máy cày công suất lớn để cày sâu 50 - 70 cm chứ không phải cày nông 20 - 30 cm như nhiều nơi hiện nay), giải quyết vấn đề thủy lợi, đường giao thông và nhất là phải nâng cao chất lượng giống mía.


Bên cạnh đó, các nhà máy đường phải nhận thức được rằng nguyên liệu mía là vấn đề sống còn nên cần quan tâm đầu tư hỗ trợ nông dân trồng mía (từ giống, phân bón, phục vụ tưới, tiêu cho mía đến tu bổ đường giao thông, mua sắm máy móc canh tác và thu hoạch mía…).


Tuy nhiên, theo ông Phái, hiện nguồn lực đầu tư cho ngành mía đường có hạn. Đây là vấn đề nan giải cho ngành đường Việt Nam. Trước tình hình giá đường xuống thấp, các nhà máy đường cần giữ giá mua mía cao để nông dân không bỏ mía…


Lê Nghĩa - Phi Sơn

 

Bài cuối: Tìm lối ra cho ngành mía đường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN