Bởi xăng, dầu diesel là một trong những yếu tố chi phí đầu vào thiết yếu của người sản xuất lẫn doanh nghiệp.
Nỗi lo lỗ vốn
Chuyến biển đầu năm, hay chuyến biển mùa xuân của nhiều ngư dân Việt Nam là chuyến biển mang về nhiều tôm, cá, mực,… giúp ngư dân phấn khởi nhất trong năm. Với sản lượng đánh bắt nhiều sẽ giúp ngư dân có lời, trang trải các chi phí phát sinh khác trong cả năm đánh bắt, mưu sinh. Thế nhưng, qua nhiều đợt giá xăng tăng kể từ sau khi cả nước thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng với bình thường mới với dịch bệnh COVID- 19, điều này đã tác động đến các chuyến biển cuối năm 2021, kéo dài sang đầu năm 2022 này.
Theo ông Huỳnh Công Khanh, một ngư dân tại phường An Thới, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, kể từ sau khi các nước gỡ bỏ giãn cách xã hội, ngư dân huyện Phú Quốc rất e dè khi muốn ra khơi khai thác hải sản. Bởi giá xăng, dầu vận hành tàu lớn tăng mấy lần, mà giá hải sản khai thác chỉ nhích từng tí. Ngư dân đối diện với nguy cơ lỗ vốn sau mỗi chuyến biển.
Mỗi chuyến biển kéo dài nửa tháng, 2 chiếc tàu khai thác của ông Khanh tiêu thụ 5.000 lít dầu diesel, ước tính khoảng 85 triệu đồng, chiếm một nửa chi phí của một chuyến biển. Khi giá xăng dầu tăng mạnh giá hải sản không theo kịp, ngư dân không còn lời để trang trải các chi phí khác.
Khi giá nhiên liệu phục vụ vận hành tàu cá tăng như vậy, quá trình sản xuất sẽ gặp nhiều bấp bênh. Bởi lợi nhuận giảm, thậm chí lỗ vốn sẽ ảnh hưởng đến xoay vòng vốn và trả các khoản vay ngân hàng khi đóng tàu của ngư dân. Ông Nguyễn Ngọc Hải, một ngư dân tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau chia sẻ, nhiều chủ tàu cá tại huyện Trần Văn Thời đang lúng túng trong việc lựa chọn cho tàu cá nằm bờ hay ra khơi cầm cự, chờ chính quyền địa phương “cầu cứu” Chính phủ về giá xăng dầu.
Trong hơn 2 tháng qua, giá xăng dầu tăng liên tục hơn 3.000 đồng/lít, nếu dùng số ít thì không thể thấy được mức tiêu hao lớn. Nhưng với tàu khai thác, đánh bắt, mỗi chuyến biển tiêu hao 4.000 lít đến 5.000 lít dầu, như vậy con số tiền chi phí tăng lên không hề nhỏ, đây là số tiền mà ngư dân cố gắng có được để xoay sở các khoản vay ngân hàng. Nếu không còn thì ngư dân sẽ rơi vào vỡ nợ, không theo đuổi nghề biển được nữa.
Doanh nghiệp gặp khó chồng khó
Chế biến và xuất khẩu hải sản mang về nguồn kim ngạch không nhỏ trong chuỗi ngành hàng nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, trong những tháng qua, khi giá xăng dầu trong nước tăng mạnh, đã khiến cho chuỗi ngành khai thác, chế biến, xuất khẩu hải sản chịu tác động tiêu cực dây chuyền.
Đại diện Công ty TNHH Hải Nam cho biết, từ sau tết đến nay nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản bị chựng lại, một phần do biển động liên tục, phần khác do giá xăng dầu tăng đột biến khiến ngư dân không dám mạo hiểm ra khơi vì sợ lỗ, nhất là những ngày gần đây khi giá xăng dầu tăng đến mức kỷ lục thì tình hình càng thê thảm hơn. Riêng công ty Hải Nam hiện đang thiếu nguồn nguyên liệu hải khai thác để phục vụ cho chế biến. Các hợp đồng được đáp ứng tốt cho khách hàng là từ lô hàng sản xuất trước đó.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản cũng gặp nhiều khó khăn khác như giá thành xuất khẩu sản phẩm thành phẩm không tăng, trong khi giá USD đang giảm mạnh, lãi suất vay ngân hàng đang tăng cao, khiến cho doanh nghiệp càng thêm điêu đứng vì hầu hết các doanh nghiệp đều vay vốn ngân hàng để kinh doanh.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản, khó khăn càng chất chồng khi các doanh nghiệp đã ký hợp đồng với các đối tác ngay từ đầu năm. Nhưng gần đây, tình hình giá cả trong nước thay đổi, vì thế các doanh nghiệp đã phải tiến hành đàm phán với các đối tác nước ngoài để tăng giá thành sản phẩm nhưng vẫn chưa được. Hầu hết khách hàng cho rằng giá cả của thị trường ở nước ngoài vẫn bình ổn, không biến động như thị trường Việt Nam, do đó các doanh nghiệp càng trở nên bị động hơn khi mà nguồn nguyên liệu đầu vào phải mua của ngư dân với giá thành rất cao, trong khi đó tỷ giá xuất khẩu vẫn không tăng, cộng với giá USD liên tục giảm.
Đối với nguồn nguyên liệu hải sản, chỉ một số doanh nghiệp lớn có điều kiện nhập nguồn nguyên liệu thủy sản từ nước ngoài về, còn lại hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều phải tìm nguồn nguyên liệu từ các tỉnh khác về chế biến và sản xuất cầm chừng để giữ chân công nhân. Thậm chí, có nhiều ngư dân còn “ôm” hàng bằng cách giữ hàng trong các kho lạnh, vì muốn kéo dài thêm thời gian chờ nâng giá thành nguyên liệu, càng gây ra tình trạng khan hiếm hàng nguyên liệu thủy sản hơn nữa, khiến nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với việc bị xử phạt và mất đi hợp đồng, vì không đủ nguồn nguyên liệu để chế biến sản phẩm cung cấp cho những hợp đồng đã thỏa thuận trước đây.
Đứng trước tình hình giá xăng dầu biến động tăng nhanh, Thành phố Hồ Chí Minh cùng các địa phương trên cả nước cũng đã có kiến nghị về việc điều chỉnh biến động giá xăng dầu này, để có thể giúp các doanh nghiệp, người sản xuất có thời gian điều chỉnh sản xuất, đàm phán hợp đồng, duy trì phát triển kinh tế và đời sống ổn định.