Ngành gỗ mở rộng thị trường, tăng trưởng nhanh

Việc thị trường Trung Quốc giảm nhập hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, ngành gỗ vẫn nổi lên như một điểm sáng ấn tượng cả về số lượng, lẫn giá trị xuất khẩu.


Tăng trưởng 20%


Theo số liệu thống kê của Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (Hawa), từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ chế biến đã đạt hơn 3 tỷ USD. Đặc biệt, trong lúc các ngành hàng xuất khẩu khác đang khó khăn về đơn hàng thì rất nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước đã có hợp đồng sản xuất cả năm. Theo dự báo, năm nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sẽ cán mốc 6,5 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2013. “Hiện Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất ASEAN, đứng thứ hai tại châu Á và thứ 6 trên thế giới. Triển vọng xuất khẩu gỗ trong năm 2014 của ngành rất tươi sáng với thông tin lạc quan ở những thị trường nhập khẩu như Australia, Singapore, Malaysia, Indonesia…”, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hawa cho hay.

 

Dây chuyền chế biến gỗ xuất khẩu tại Nhà máy Phú Quý thuộc Công ty TNHH Một thành viên Việt Trung (Quảng  Bình).Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, ngay khi thị trường Trung Quốc gặp trục trặc, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng không gặp khó khăn nhiều ở cả nguồn nguyên liệu và thị trường. Nguyên nhân là nguồn cung nguyên liệu từ gỗ trong nước đã đáp ứng 50% nhu cầu sản xuất dành cho xuất khẩu. Còn lại là từ gỗ nhập từ các nước có sự quản trị rừng bền vững chiếm 50% như Mỹ, châu Âu và một ít từ Trung Quốc khoảng 300.000 USD/ năm, chủ yếu thuộc các phụ kiện như rây trượt, tay nắm tủ, ổ khóa... Thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Mỹ, châu Âu, sau đó là một loạt những thị trường khác như: Trung Quốc, Nhật Bản…


Cơ hội khẳng định mình


Theo kết quả khảo sát về “Nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ ở Việt Nam” nhờ sự hồi phục của kinh tế trong nước, tiêu dùng đồ gỗ của thị trường nội địa trong năm 2014 và các năm tiếp theo sẽ tiếp tục tăng. Thực tế, trong 4 năm qua, thương mại đồ gỗ Việt Nam đã đạt gần 20 tỷ USD/năm; Trong đó, tiêu dùng đồ gỗ của người dân thành thị chiếm khoảng 30% cho hộ gia đình, 40% cho các công trình dự án mới và 30% thị phần còn lại là của thị trường nông thôn. Khác với thời gian trước, khi sản phẩm nội thất cung ứng cho thị trường trong nước hầu như được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Thái Lan… hiện doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu chiếm lĩnh thị trường và được người tiêu dùng lựa chọn.


Gỗ và sản phẩm gỗ chiếm vị trí thứ 5 trong 10 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Dự kiến xuất khẩu mặt hàng này sẽ đạt 15 - 20 tỷ USD trong 10 năm tới. Hiện, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt tại hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc điều hành Công ty Scansia Pacific cho biết, suy thoái kinh tế tại thị trường châu Âu khiến cho giá thành sản xuất đồ gỗ tăng, gây khó khăn trong việc cạnh tranh. Nhiều nhà máy của các quốc gia sản xuất đồ gỗ lớn như Ý, Đức, Mỹ… buộc phải thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa.


Đơn cử tại Trung Quốc, do bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá ở mức cao và giá nhân công lao động ở Trung Quốc tăng, nên mặt hàng đồ gỗ chế biến từ Trung Quốc đang mất dần lợi thế cạnh tranh. “Ngành gỗ đang chứng kiến sự chuyển dịch nhiều đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Các nhà nhập khẩu đang tăng cường đàm phán với các doanh nghiệp trong nước, đặt hàng thay cho nhà cung ứng từ Trung Quốc. Để đáp ứng các đơn hàng chúng ta sử dụng nguồn nguyên liệu chủ yếu trong nước và nhập từ các nước đối tác”, ông Thắng nói thêm.


Nhìn xa hơn, theo ông Khanh, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến sẽ được ký kết vào cuối năm nay. Khi thuế suất cắt giảm sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam thâm nhập các quốc gia trong TPP như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia...


Việc thực thi cam kết TPP sẽ tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch và cạnh tranh, qua đó sẽ thu hút được nhiều nguồn đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam. “Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam để mở rộng thị trường và thị phần gỗ, sản phẩm gỗ. Nếu mạnh dạn đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ chiếm được thị trường dễ dàng. Đã đến lúc các ngành chức năng, doanh nghiệp cùng sát cánh tận dụng thời cơ để đưa ngành gỗ có bước tiến đột phá”, ông Khanh nói thêm.


Hải Yên - Lê Nghĩa

Ngành gỗ yếu khâu phân phối
Ngành gỗ yếu khâu phân phối

Đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ, nhưng tại thị trường trong nước, ngành gỗ Việt Nam lại đang bị lấn át bởi sản phẩm gỗ nhập khẩu hoặc có mẫu mã nhập khẩu từ nước ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN