Ngành gỗ yếu khâu phân phối

Đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ, nhưng tại thị trường trong nước, ngành gỗ Việt Nam lại đang bị lấn át bởi sản phẩm gỗ nhập khẩu hoặc có mẫu mã nhập khẩu từ nước ngoài. Chính những yếu kém trong liên kết, xúc tiến thương mại, xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm trong nước đã khiến doanh nghiệp, làng nghề sản xuất đồ gỗ đang bị “thua trên sân nhà”.

 

Ngành gỗ Việt Nam cần đầu tư đổi mới mẫu mã, thiết kế để sản phẩm làm ra phù hợp hơn với thị hiếu người tiêu dùng. Ảnh: Thanh Vũ- TTXVN

 

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 1.000 làng nghề chế biến gỗ, cùng hàng chục nghìn hộ gia đình làm nghề chế biến gỗ, tập trung phần lớn ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Quảng Nam... Nhu cầu về tiêu dùng đồ gỗ thị trường nội địa đang và sẽ tăng mạnh. Trong đó, nhu cầu mua sắm đồ gỗ của các hộ gia đình tương đối lớn, bình quân mỗi hộ gia đình cần mua sắm khoảng 6 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhu cầu đồ gỗ cho các khách sạn, văn phòng cho thuê và các khu đô thị mới cũng có xu hướng tăng nhanh.


Ông Nguyễn Tôn Quyền cho biết, bình quân tiêu dùng đồ gỗ thị trường nội địa trong 5 năm gần đây chiếm khoảng 40% tổng giá trị thương mại của đồ gỗ Việt Nam, với giá trị khoảng 2,25 tỷ USD. Cơ cấu sản phẩm đồ gỗ tham gia thị trường nội địa là 40% cho công trình xây dựng, 30% cho tiêu dùng nông thôn và tiêu dùng thành thị chiếm 30%. Tuy nhiên, số lượng các đơn vị chế biến gỗ có quy mô vừa và lớn thực hiện đầu tư khai thác thị trường nội địa lại chiếm tỷ lệ thấp, hầu như chỉ có các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, cũng như các hộ chế biến thuộc các làng nghề.


Nam Định là địa phương có khoảng 20 làng nghề với 300 doanh nghiệp chế biến gỗ nhưng hầu hết các cơ sở chế biến gỗ của tỉnh đều có các trang thiết bị máy móc đơn giản, phục vụ sơ chế và sản xuất các sản phẩm phục vụ tiêu thụ nội địa hoặc gia công, sơ chế nguyên liệu cho các doanh nghiệp quy mô lớn.


Ông Nguyễn Thế Trường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, do thiếu vốn sản xuất, khả năng huy động vốn hạn chế nên các làng nghề vẫn sử dụng công nghệ thiết bị lạc hậu, khó có khả năng đáp ứng đơn hàng lớn. Các sản phẩm tiêu thụ nội địa của làng nghề gỗ Nam Định vẫn chỉ chú trọng vào một số sản phẩm kiểu dáng cũ.


Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thị hiếu tiêu dùng đồ gỗ trong nước là đồ gỗ kết hợp với các vật liệu khác hoặc đồ gỗ làm từ ván nhân tạo có thiết kế nhẹ nhàng, hiện đại, giá rẻ. Về loại sản phẩm này, các nước đang đi trước Việt Nam.


“Nhiều doanh nghiệp muốn chiếm lĩnh thị trường trong nước nhưng họ gặp phải khó khăn là sản xuất ít mà khâu phân phối lại dường như không có. Trong khi đó, nếu làm hàng xuất khẩu, thì họ sẽ sản xuất khối lượng lớn, lại theo đơn hàng. Chính vì vậy, nên thị trường gỗ nội địa vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp trong nước hướng tới”, ông Hoài nhận định.


Một khó khăn nữa mà các doanh nghiệp gỗ gặp phải khi hướng vào thị trường nội địa là chưa tạo được thương hiệu sản phẩm để người tiêu dùng biết tới, chưa tạo được những sản phẩm có thiết kế phù hợp thị hiếu thị trường, chưa có giá bán hợp lý. Nhìn thẳng vào thực tế này, ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, đánh giá: Hiện thị trường đồ gỗ trong nước mới chỉ có một số ít hệ thống phân phối ở quy mô nhỏ. Điều này khiến cho sản phẩm của đồ gỗ Việt Nam, nhất là đồ gỗ của các làng nghề khó đến được với khách hàng ngay “trên sân nhà”. Việc sản xuất và tiêu thu đồ gỗ phần lớn là độc lập, khép kín theo kiểu bán buôn nhỏ hoặc “tự sản, tự tiêu”, chưa hình thành được hệ thống phân phối sản phẩm hợp lý và định hướng tiêu dùng nội địa.


Trước xu hướng phát triển của thị trường nội địa, một số làng nghề đã có sự liên kết, chuyên môn hóa trong sản xuất. Điển hình như làng nghề gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) đã có sự liên kết với các làng lân cận như Hương Mạc, Phù Khê, Tam Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh), Văn Môn, Đông Thọ (Yên Phong, Bắc Ninh) lập thành hệ thống sản xuất theo dây chuyền. Tuy nhiên, theo ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hội Làng nghề gỗ Đồng Kỵ, trong tiêu thụ sản phẩm đồ gỗ nội địa thì các doanh nghiệp làng nghề lại cạnh tranh một cách tự phát hoặc cạnh tranh không lành mạnh.


Ông Trịnh Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, các làng nghề gỗ, các doanh nghiệp sản xuất cùng loại sản phẩm cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau để chia sẻ thông tin thị trường. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích liên kết giữa các làng nghề gỗ, các doanh nghiệp gỗ trong tiêu thụ sản phẩm bằng việc giảm thuế, cho vay tín dụng...


Bích Hồng

Xuất khẩu gỗ trước cơ hội tăng tốc
Xuất khẩu gỗ trước cơ hội tăng tốc

Sau một thời gian xuất khẩu (XK) rơi vào tình trạng ảm đạm, những ngày này, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ đang dồn dập nhận các đơn hàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN