Sắc màu di sản đương đại
Đề án “Di sản đương đại Mang Thít” được tỉnh Vĩnh Long xây dựng dựa trên ý tưởng về việc khai thác các lò gạch gốm truyền thống hiện có trên địa bàn huyện Mang Thít làm nền tảng, điểm nhấn để phát triển du lịch, cũng như bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng. Theo đó, toàn bộ vùng di sản khoảng 3.060 ha thuộc 4 xã: Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú và Hòa Tịnh thuộc huyện Mang Thít được bảo tồn các lò gạch gốm.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Di lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Già, mục tiêu của đề án này nhằm bảo tồn và phát triển "Vương quốc gạch gốm Mang Thít" trở thành một quần thể Di sản đương đại, một điểm đến trên bản đồ du lịch khu vực, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững về kinh tế, xã hội của địa phương trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa độc đáo mà các thế hệ trước để lại. Thông qua đề án nhằm giúp người dân trong vùng chuyển đổi sinh kế, nâng cao đời sống, góp phần phát triển ngành du lịch, dịch vụ tạo đà cho địa phương mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai các chính sách và giải pháp để người dân đồng thuận, ngừng tháo dỡ các lò gạch nằm trong khu quy hoạch để làm tiền đề thực hiện đề án. Toàn bộ vùng di sản khoảng 3.060 ha, hiện tại có 364 hộ cam kết giữ lại 653 lò truyền thống với hơn 20 doanh nghiệp về gốm đang tiếp tục hoạt động và nỗ lực cải tiến mẫu mã, cách làm. Những lò gạch cũ từng nhuốm màu thời gian đang dần có sự thay đổi đầy hứa hẹn.
Khi ngành sản xuất gạch gốm đang có bước chuyển mình, anh Dương Chí Hiền (xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít) đã ấp ủ ý tưởng xây dựng một điểm đến du lịch hấp dẫn cho du khách trong tương lai khi đến tham quan Vương quốc gạch gốm. Quán cà phê gốm đỏ được xây dựng và hình thành bên dòng kênh thầy Cai với khuôn viên trang trí chủ đạo bằng gạch và gốm với màu đỏ tươi đặc trưng. Khách đứng trên tầng có thể ngắm nhìn khung cảnh xung quanh với những lò nung nằm san sát nhau.
Anh Dương Chí Hiền cho biết, anh còn ấp ủ ý định thực hiện cửa vào quán cà phê với cụm 3 miệng lò, ngay gần bờ sông để tạo ấn tượng cho du khách ngay khi tàu du lịch vừa cập bến.
Kỳ vọng mang gạch gốm lên tầm cao mới
Nghề gạch, gốm truyền thống một thời đã mang đến cuộc sống ấm no cho người dân. Nghề làm gạch gốm gắn bó với nhiều thế hệ của các gia đình, mặc dù có lúc thăng trầm nhưng nhiều gia đình vẫn nặng tình với gạch gốm, luôn theo đuổi, sáng tạo để góp phần đưa làng nghề vươn xa hơn.
Tự nhận mình là người “nặng nợ với đất sét Vĩnh Long”, khi nghề gốm đang dần bị mai một, ông Nguyễn Văn Buôi (Chủ cơ sở sản xuất gạch, ngói Tân Hiệp Phát, xã An Phước, huyện Mang Thít) đã xây dựng một chuỗi các điểm đến lấy điểm nhấn nhất là gốm đỏ nhằm nhắc nhớ về loại đất sét đặc biệt ở quê hương Vĩnh Long - nguyên liệu làm nên những sản phẩm làm rạng rỡ làng nghề gốm đỏ.
Hiện nay, ông Nguyễn Văn Buôi đang sở hữu hai khối nhà gốm đỏ đồ sộ ở phường 5, thành phố Vĩnh Long và một ngôi nhà bằng gốm đỏ 3 gian 2 chái vừa được xác lập Kỷ lục Việt Nam. Ông còn xây dựng nên không gian “Làng gốm Tư Buôi”- nơi ông sẽ thực hiện hóa ước mơ phục dựng lại làng gốm đỏ Vĩnh Long bên dòng Cổ Chiên. Đây là tâm huyết mà ông dành gần 20 năm để lên ý tưởng, nghiên cứu và thực hiện.
"Tôi sinh ra và lớn lên trong làng gốm, đã chứng kiến nghề truyền thống từng ngày mai một. Mong muốn vực dậy và giữ lửa làng nghề truyền thống, tôi đã quyết tâm xây dựng ngôi nhà gốm để con cháu sau này nhớ về “Vương quốc đỏ”. Tôi tự tay lên bản vẽ ngôi nhà, tính toán các yếu tố kỹ thuật, phác thảo từng chi tiết mỹ thuật để mọi thứ hòa hợp. Ðặc biệt, tôi ý thức phải “bám” theo văn hóa, lịch sử của vùng đất phương Nam. Rất hy vọng, đây sẽ là chuỗi tham quan, trải nghiệm hấp dẫn du khách gần xa, góp phần quảng bá và giới thiệu sản phẩm gốm đỏ Vĩnh Long, vực dậy làng nghề từng một thời nổi tiếng khắp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long", ông Nguyễn Văn Buôi chia sẻ.
Đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất gạch gốm trong thời gian qua, có vai trò rất lớn từ Hiệp hội Gạch gốm tỉnh và chính quyền địa phương. Trong năm 2024 và 2024, tỉnh Vĩnh Long tổ chức quảng bá rộng rãi hình ảnh sản phẩm gạch gốm qua 3 chuỗi sự kiện Festival Nông sản Việt Nam Vĩnh Long năm 2023, Ngày hội du lịch Vĩnh Long 2023 và Con đường gốm và hoa Xuân Giáp Thìn năm 2024.
Con đường gốm đỏ Vĩnh Long lần đầu tiên xuất hiện đã khiến nhiều người xuýt xoa. Nét đẹp cổ kính cùng gam màu rực rỡ gốm đỏ đã gợi lên ký ức về làng nghề gạch gốm trong miền nhớ mỗi người. Công trình vườn gốm đỏ đã quảng bá được Vương gạch gốm từng một thời thịnh vượng. Lần đầu tiên dòng kênh thầy Cai – con kênh gắn liền với ký ức về những lò gạch và những ghe chở gạch từng một thời tấp nập, được giới thiệu rộng rãi đến với du khách thông qua hình ảnh thủ nhỏ tại vườn gốm.
Mới đây, Con đường gốm đỏ và hoa Xuân Giáp Thìn được đầu tư lên tầm cao mới và đã xác lập kỷ lục con đường gốm và hoa từ gốm đỏ dài nhất Việt Nam. Sự kết hợp hài hòa giữa gốm và hoa, cùng dòng kênh, chiếc cầu và những miệng lò đang nghi ngút khói đã nên bức tranh mùa xuân bên làng nghề gạch gốm truyền thống với những góc nhìn thật sinh động. Các công trình đã tạo ấn tượng mạnh mẽ với du khách trong và ngoài tỉnh, qua đó góp phần quảng bá sản phẩm gạch gốm.
Chủ tịch Hiệp hội Gạch gốm tỉnh Vĩnh Long Đoàn Thị Ngọc Diệp cho biết, mỗi công trình, sự kiện đều có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các ngành, các cấp và sự đóng góp tích cực từ doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội gạch gốm tỉnh. Qua việc quảng bá mạnh mẽ, sản phẩm gạch gốm đã được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Bên cạnh đó, các sự kiện đã tạo tiền đề cho kênh tiêu thụ trước đây doanh nghiệp gốm ít khai thác là trong nước, sản phẩm gốm được lựa chọn nhiều hơn để trang trí các điểm du lịch, quán nước hoặc làm quà tặng. Đặc biệt, sự kiện cũng quảng bá đến đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước, là bước khởi đầu góp phần thực hiện đề án Di sản đương đại Mang Thít của tỉnh, hướng đến việc có thể kết hợp phát triển giữa sản xuất gạch gốm với du lịch.
Với những hướng đi mới, trong năm 2024, hiệp hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến công nghệ nung để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường, tiếp tục nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới. Đồng thời, hiệp hội chú trọng thị trường nội địa cho cả gạch và gốm, phát huy hiệu quả nhãn hiệu “gạch nung Vĩnh Long” và “gốm đất đỏ Vĩnh Long”.
Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, với những sự thay đổi của ngành gạch gốm trong thời gian quan, tỉnh tin tưởng rằng ngành gốm đỏ Vĩnh Long sẽ tiếp tục phát triển về số lượng cơ sở, quy mô sản xuất và tạo ra được ngày càng nhiều sản phẩm hơn với mẫu mã, chất lượng nâng cao hơn trước, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho phát triển kinh tế địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt cho biết, để phát huy thế mạnh sản phẩm gốm đỏ mang nét đặc trưng riêng, tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục triển khai các chính sách, đề án hỗ trợ đối với cơ sở, doanh nghiệp ngành gốm. Theo đó, tỉnh sẽ quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp gốm nghiên cứu cải tiến công nghệ nung gốm đảm bảo an toàn về môi trường và tiết kiệm nhiên liệu trấu nhằm giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Với hướng đi mới, vừa phát triển sản xuất đảm bảo an toàn về môi trường vừa kết hợp du lịch, tỉnh chỉ đạo các ngành hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển dòng sản phẩm gốm mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng độ tinh xảo, tiết kiệm nguyên liệu đất sét, phát triển các mẫu sản phẩm mới hướng đến phân khúc khách hàng mới.
Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Long cũng hỗ trợ doanh nghiệp triển khai xuất khẩu trực tiếp sản phẩm gốm đỏ thay vì qua trung gian như trước đây, tăng cường ứng dụng, phát triển thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh, để mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và nước ngoài.
Tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo các ngành thực hiện hiệu quả đề án Di sản đương đại Mang Thít với niềm tin, trong tương lai không xa, làng nghề gạch gốm Mang Thít sẽ trở thành một vùng di sản đương đại và là một điểm đến trên bản đồ du lịch khu vực, trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn với khách trong nước và quốc tế. Đề án này sẽ làm “sống dậy” những lò gạch cũ rêu phong và tạo sự phát triển mang tầm cao mới cho "Vương quốc gạch gốm" Mang Thít từng một thời hưng thịnh.